Cần Có Chính Sách Hỗ Trợ Người Chăn Nuôi Nhỏ

Kiểm soát độc quyền, nâng cao cạnh tranh lành mạnh trong thị trường thức ăn chăn nuôi và có chính sách hỗ trợ người chăn nuôi nhỏ là những kiến nghị được đưa ra tại hội thảo “Cấu trúc ngành chăn nuôi và lợi ích của người chăn nuôi nhỏ tại Việt Nam” diễn ra sáng nay (18/11), tại Hà Nội.
Theo Báo cáo của Liên minh Nông nghiệp cho thấy, ngành chăn nuôi Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào thị trường nước ngoài từ nhập khẩu con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y … Mặc dù, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi ổn định, sản lượng thức ăn chăn nuôi nội địa tăng, thuế VAT 5% cũng đã được bãi bỏ, nhưng giá thức ăn chăn nuôi trên thị trường vẫn luôn tăng, gây nhiều khó khăn cho người chăn nuôi Việt Nam.
Đặc biệt, thị trường thức ăn chăn nuôi ngày càng phụ thuộc vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, khi các doanh nghiệp này chiếm phần lớn thị phần và có khả năng điều khiển thị trường. Vì vậy, bên cạnh nhìn nhận vai trò của các công ty thức ăn chăn nuôi FDI trong việc thay đổi phương thức kinh doanh và phát triển quy mô chăn nuôi, cần có biện pháp phá vỡ thế độc quyền và khả năng kiểm soát thị trường của một số công ty, nâng cao tính cạnh tranh lành mạnh của thị trường này.
Cấu trúc ngành chăn nuôi đang thay đổi nhanh, từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ sử dụng giống, thức ăn địa phương và tiêu thụ sản phẩm tại các chợ truyền thống chuyển sang mô hình chăn nuôi công nghiệp khép kín quy mô lớn, liên kết hợp đồng với doanh nghiệp cung cấp đầu và bao tiêu sản phẩm tại các hệ thống siêu thị và phân phối lớn.
Số lượng chăn nuôi nhỏ giảm nhanh vì phải chịu nhiều rủi ro như: dịch bệnh, cạnh tranh với các hộ chăn nuôi quy mô lớn và không được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước.
Những yếu tố này khiến các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không đủ nguồn lực để tham gia vào chuỗi liên kết dọc giữa cung ứng vật tư, chăn nuôi, chế biến, tiêu thụ và dần bị loại ra khỏi chuỗi giá trị ngành chăn nuôi…
TS Nguyễn Văn Giáp, Trưởng nhóm nghiên cứu về chăn nuôi của Liên minh Nông nghiệp cho biết, chiến lược ngành chăn nuôi Việt Nam rất cần xác định rõ vị trí và quan hệ giữa chăn nuôi quy mô nhỏ và quy mô lớn. Quy mô đa dạng sẽ nâng cao lợi ích và giảm rủi ro cho người nông dân, vì vậy chính sách không thể bỏ ngỏ một đối tượng chiếm tỉ trọng chủ đạo trong ngành chăn nuôi là người chăn nuôi nhỏ như hiện nay.
Tại hội thảo, các chuyên gia cũng đưa ra một số đề xuất như xây dựng chiến lược và quy hoạch chăn nuôi hoàn chỉnh cho cả nước, kiểm soát nhập lậu sản phẩm thịt qua biên giới theo đường tiểu ngạch, siết chặt kiểm soát vệ sinh môi trường chăn nuôi, kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm cho hệ thống giết mổ - phân phối thịt, và quản lý hiệu quả thị trường thuốc và dịch vụ thú y.
Nguồn bài viết: http://baocongthuong.com.vn/thi-truong-trong-nuoc/72466/can-co-chinh-sach-ho-tro-nguoi-chan-nuoi-nho.htm#.VGw8uo0cTDc
Có thể bạn quan tâm

Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND H.Châu Thành (Hậu Giang), cho biết huyện đã chỉ đạo ngành chức năng nhiều lần khuyến cáo nông dân không nên ồ ạt trồng khoai mì để bán lá. Tuy nhiên tình trạng này vẫn diễn ra, nhiều nhất là xã Đông Phước A.

Trung tâm Giống gia súc tỉnh Hải Dương vừa nhập bổ sung 20 con lợn đực giống của Viện Chăn nuôi Việt Nam, Công ty liên doanh France Hybrides Việt Nam.

Xuất khẩu tôm năm 2012 đạt 2,25 tỷ USD, không đạt mục tiêu như đề ra (2,4 tỷ USD) trong khi được kỳ vọng cao hơn. Doanh nghiệp chế biến lao đao và đang “sống” nhờ vào nguồn tôm mua từ nước ngoài. Người nuôi tôm thì đang khốn khó, dịch bệnh tôm tiếp tục hoành hành báo hiệu mùa vụ mới nhiều khó khăn.

Nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, vừa qua, Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Ninh đã phối hợp với Trạm Khuyến nông TX Quảng Yên thực hiện dự án “trồng thử nghiệm nấm rơm” trên địa bàn thị xã. Mô hình này bước đầu được đánh giá cho hiệu quả kinh tế cao. Nhiều hộ dân sau khi tham gia mô hình đã nhân rộng sản xuất ở những vụ tiếp theo.

Anh Lê Ngọc Trắng, ấp 3, xã Trung An, TP. Mỹ Tho, Tiền Giang do không có nhiều đất để canh tác đã chọn mô hình nuôi cá tra dài ngày và cá tai tượng, mang lại hiệu quả kinh tế; đồng thời nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm để bà con cùng phát triển.