Cẩm Sơn (Bến Tre) Nhân Rộng Mô Hình Chăn Nuôi Heo Trên Đệm Lót Sinh Thái

Cẩm Sơn là xã chăn nuôi heo tập trung của huyện Mỏ Cày Nam (Bến Tre), với trên 50% số hộ chăn nuôi.
Năm 2013, khi có chủ trương khuyến khích thử nghiệm chăn nuôi heo trên đệm lót sinh thái, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn xã đã nhanh nhạy áp dụng mô hình cho đàn heo nuôi để góp phần xử lý chất thải, bảo vệ môi trường.
Để nghiên cứu đánh giá về hiệu quả của mô hình đối với môi trường, cuối năm 2013, Sở Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng Dự án nuôi heo trên đệm lót sinh thái, trong đó xã Cẩm Sơn có 4 hộ được chọn để triển khai. Mỗi hộ được hỗ trợ từ 2,5 đến 4,5 triệu đồng.
Ông Trương Trường Giang - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, đánh giá: Hiệu quả lớn nhất của mô hình này là giải quyết nạn ô nhiễm môi trường rất tốt, người chăn nuôi rất đồng tình. Đây cũng là cơ sở để năm 2014 xã sẽ thực hiện tốt tiêu chí môi trường.
Tham quan mô hình chăn nuôi heo của các hộ được hỗ trợ chăn nuôi trên đệm lót, hầu hết các hộ này đều rất hài lòng so với các cách xử lý trước đây. Ông Phạm Văn Thắm, ấp Bình Phú phấn khởi kể: Hiệu quả xử lý môi trường là quá tốt, mặt khác, heo nhìn đẹp mắt, đầy đặn và nặng ký hơn so với cách nuôi chuồng trước đây.
Do chỉ mới thử nghiệm nên ông Thắm nuôi song song cả hai phương pháp, phân nửa nuôi trên đệm lót, phân nửa nuôi chuồng đan. Ông so sánh: Nuôi trên đệm lót, từ giai đoạn bắt đầu tẻ mẹ là heo lớn rất nhanh, rất ít xảy ra bệnh vặt. Song, ông Thắm cũng thừa nhận, do mới thử nghiệm, mật độ nuôi còn khá cao nên đôi khi còn nghe hắt mùi hôi. Lứa nuôi mới sẽ mở rộng thêm vài chuồng theo mô hình đệm lót và khắc phục tình trạng trên để hiệu quả đạt tối đa.
Một hộ khác cùng được hỗ trợ nuôi heo trên đệm lót, tấm tắc khen: Nuôi theo kiểu này hiệu quả hơn, heo đẹp, ít bệnh, chắc thịt, thương lái chịu... Để hỗ trợ cho đệm lót phát huy tác dụng phân hủy chất thải, thỉnh thoảng, ông đảo trộn đệm lót cho đều. Vào mùa khô, ông thiết kế thêm giàn phun sương để giảm nhiệt.
Qua thực tế, ông Nguyễn Văn Phích - Chủ tịch UBND xã Cẩm Sơn khuyến khích người chăn nuôi nhân rộng mô hình này, đầu tư đúng quy cách. Nếu có nhu cầu tư vấn về kỹ thuật chuồng trại, cách nuôi, người nuôi có thể đến gặp cán bộ khuyến nông xã hoặc đến tại UBND xã, cán bộ xã sẽ tạo điều kiện để người nuôi tham quan, học hỏi kinh nghiệm.
Ông Phích còn cho biết, Dự án sẽ mở rộng hỗ trợ thêm khoảng 38 hộ nuôi trên địa bàn. Người nuôi có thể đến xã đăng ký để được hỗ trợ. Điều kiện để được hỗ trợ là mỗi hộ ít nhất đang nuôi 30 con heo, kinh phí hỗ trợ 2 triệu đồng/hộ, ưu tiên những hộ không có diện tích đất để xây dựng hệ thống xử lý chất thải.
Nói thêm về lợi ích khác từ mô hình này, ông Trương Trường Giang, cho biết thêm, bước đầu đã xây dựng mô hình làm phân bón từ đệm lót sinh thái trong chăn nuôi. Thời gian tới, sẽ thành lập hợp tác xã để sản xuất riêng về loại sản phẩm này nhằm nâng cao chuỗi giá trị.
Có thể bạn quan tâm

Dọc con đường từ TX Trà Vinh đi huyện Duyên Hải, rải rác trong các ao tôm cạn queo đang xử lý đáy chờ chính vụ là những ao tôm ngập nước nhưng quạt guồng lặng im tang tóc. Anh Hải, đại lý phân phối trùn quế Tài Lộc tại Trà Vinh, người hướng dẫn chúng tôi đi thăm vùng nuôi tôm Duyên Hải giải thích: Cứ thấy ao nước mà guồng im là biết tôm vừa chết.

Không ai có thể ngờ, anh nông dân chân chất có cái tên rất hoa mỹ Nguyễn Văn Đẹp đã từng kinh qua nghề "gõ đầu trẻ", sau đó chuyên kinh doanh phụ tùng xe gắn máy. Anh chỉ mới "biến thành" nông dân hơn… 2 năm nay nhưng những "bô lão" nông dân hàng đầu tại vùng đất này cũng phải thán phục kỹ thuật trồng cà chua trong nhà lưới kỹ thuật cao của anh. Nhiều người nói, Đẹp mới vào nghề nông mà chẳng hiểu sao lại rất am hiểu về đất, độ ẩm, nhiệt độ, giống má…, cứ y như là nhà khoa học vậy!

Anh Phạm Văn Vũ (SN 1968), ngụ tại ấp Xóm Trại, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi (TP.HCM) là một trong những ND đầu tiên nuôi bò sữa và làm giàu từ vật nuôi này.

Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai cho biết, tỉnh Đồng Nai có tổng số đàn heo lớn nhất cả nước với hơn 1,2 triệu con đang nuôi tại 1.261 trang trại, trung bình mỗi ngày có 4.000 con heo được xuất bán. Sau khi có thông tin một số trường hợp sử dụng chất cấm trong chăn nuôi tại Đồng Nai, người tiêu dùng đã giảm sử dụng thịt heo, giá heo hơi trên thị trường giảm mạnh, từ 56.000 đồng/kg giảm còn 42.000 đồng/kg, gây thiệt hại nặng cho ngành chăn nuôi của địa phương. Theo đánh giá của Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, thiệt hại do giá heo giảm trong thời gian qua ước tính hơn 500 tỷ đồng.

Năm 2002, anh Nguyễn Trung Hiếu quyết định từ bỏ công việc ở phòng nông nghiệp huyện để về quê xây dựng cơ sở sản xuất tôm sú giống. Anh Hiếu tâm sự, thấy dân mình đầu tư nuôi tôm ngày càng nhiều nhưng nguồn con giống lại phải mua ở tỉnh khác, nguồn giống trôi nổi nên rất dễ xảy ra dịch bệnh. Vậy là mình quyết tâm làm, vừa làm vừa học. Đến khi đã sản xuất thành công tôm sú giống rồi thì lại "bí" đầu ra. Khó khăn càng chồng chất.