Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Cam Ngọt Trên Những Triền Đồi Đạ Sar

Cam Ngọt Trên Những Triền Đồi Đạ Sar
Ngày đăng: 23/06/2012

Những cây cam, cây quýt đeo trái lúc lỉu chênh vênh trên những sườn đồi cao, xếp thành hàng, thành lối. Giữa vùng sâu Đạ Sar có một trang trại trồng cam quýt đặc sản, vừa mang lại thu nhập cao, vừa cung cấp cho Đà Lạt những trái cam, quýt ngon, sạch, như quýt Tích Giang, cam Canh, cam Vinh, cam giống Mỹ. Đó là trang trại cam của anh Nguyễn Phú Đức, ở Khu Nông nghiệp công nghệ cao, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng).

Vừa bóc mời khách những múi cam mọng vàng ửng, ngọt thanh, anh Đức vừa kể về những ngày đầu tiên hình thành trang trại. Vốn quê Hà Tây (cũ), đất có giống quýt Tích Giang nổi tiếng, năm 2000 anh mang thử mấy cây quýt, cam vào quê mới Đạ Sar trồng cho đỡ nhớ nhà. Bất ngờ, những cây cam, quýt trồng thử ấy mau cho trái, trái lại rất ngon, cây không bệnh tật gì. Anh nói: “Không thể ngờ cam, quýt trồng ở đây hợp đất thế, cây mau lớn, thu trái nhanh, chất lượng trái không thua kém ngoài Bắc. Vì vậy, tôi phát triển trồng cam và hy vọng trong thời gian tới sẽ phủ đầy tổng diện tích 6 ha này”. Anh chọn trồng những giống cam, quýt đặc sản như quýt Tích Giang, cam Canh, cam Vinh và mới đây trồng thử một ít cam Mỹ. Giống cam anh đều lấy trực tiếp tại Viện Giống cây ăn quả nên chất lượng đảm bảo, giống khỏe, không lai tạp và mau cho thu trái. Đặc biệt, các chồi cam, quýt giống được ghép trên gốc bưởi dại khỏe, chịu được khô hạn và tránh các bệnh về rễ.

Trồng cam trên đất đồi rất dễ, anh Đức cho biết. Vì cam, quýt ưa đất thoáng nước, anh trồng trực tiếp trên sườn đồi, không cần bạt đất hay thay đổi cảnh quan. Trồng trên sườn đồi còn thoáng gió, thoáng khí, giúp cây khỏe, ít bệnh. Khi mới trồng, anh trồng cây san sát nhau để đỡ công chăm sóc, khi cây bắt đầu chạm tán, anh mới di chuyển tới những đồi xa, lúc đó cây đã lớn và không cần chăm sóc nhiều. Anh cho biết: “Quan trọng nhất với người trồng cam, quýt là xác định được thời điểm khoanh gốc, khi thấy trên cây có lượng hoa, trái non đúng yêu cầu, phải khoanh gốc để hạn chế lượng nước đưa lên, giúp cây không bị rụng hoa, rụng trái”. Theo anh, trồng cam ở Đạ Sar thuận lợi hơn nhiều trồng ở đồng bằng vì ở đất đồi, cây hầu như không bị bệnh, nhất là các bệnh do virus không thể chữa khỏi. Ở Đạ Sar chỉ cần chú ý sau mỗi đợt mưa kéo dài, cây dễ bị nấm bệnh nên cần phun ngừa, ngoài ra không còn bệnh gì khác.

Cam quýt trồng tại trang trại của anh Đức đều là cây đặc sản, có giá trị kinh tế cao. Quýt Tích Giang vỏ mỏng, vị trái chua ngọt thơm ngon; cam Vinh, cam Mỹ trái đều lớn (trái cam Mỹ có thể tới gần 0,3 kg, vị chua ngọt đậm đà). Cam Canh, vỏ mỏng tang, có thể bóc như quýt, thịt cam đỏ au, ngọt thanh không hề có vị chua. Năng suất trái rất cao, một cây trưởng thành có thể cho 80 - 100 kg quả/năm. Anh Đức cho biết: “Hiện tôi mới trồng được 3 ngàn gốc trên 2 ha, cây cũng còn non nên năng suất thấp. Hiện mỗi năm thu chừng 10 tấn trái, giá đổ đồng 35 ngàn/kg, sau khi trừ chi phí cũng lời 200 triệu đồng. Hy vọng của tôi là phủ kín 6 ha đất đồi này và khi cây trưởng thành đạt năng suất 20 - 25 tấn/ha/năm, lúc đó trang trại có thể cung cấp ra thị trường hàng trăm tấn trái”. Sản phẩm của trang trại rất dễ tiêu thụ, mới chỉ đủ để cung cấp cho khu chợ gần nhất là Chi Lăng, phường 9, Đà Lạt. Trăn trở của người đàn ông yêu cam này chính là thị trường có quá nhiều các loại cam nhập, chất lượng không bảo đảm. Anh tâm sự: “Th
ị trường Đà Lạt cần hàng ngàn tấn cam/năm, đất Lâm Đồng lại trồng cam rất phù hợp. Làm sao để mở rộng diện tích cam quýt, có thêm nhiều trái để bà con được ăn cam sạch là mong ước của tôi”.

Có thể bạn quan tâm

Tàu Nằm Bờ Dài Ngày, Ngư Dân Khó Khăn Tàu Nằm Bờ Dài Ngày, Ngư Dân Khó Khăn

Hiếm có khi nào mà các cơn bão lại hình thành liên tiếp trên biển Đông, gây ảnh hưởng trên vùng biển của nước ta nhiều như trong thời gian vừa qua. Sau những cơn "bão" giá xăng dầu khiến cho chi phí mỗi chuyến ra khơi đẩy lên cao, thì những cơn bão do thiên tai gây ra đã khiến không ít tàu, thuyền của ngư dân phải lao đao.

23/11/2013
Cà Mau Khuyến Cáo Người Dân Không Nên Ồ Ạt Nuôi Cá Sấu Cà Mau Khuyến Cáo Người Dân Không Nên Ồ Ạt Nuôi Cá Sấu

Trước tình trạng hàng trăm hộ dân ở Cà Mau triển khai kế hoạch nuôi cá sấu với hy vọng đây sẽ là vật nuôi phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo, ông Lê Văn Sử, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, cơ quan chức năng đã khuyến cáo người dân không nên ồ ạt nuôi cá sấu, vì đây là vật nuôi không an toàn và đang trong tình trạng không có thị trường tiêu thụ.

23/11/2013
Hiệu Quả Từ Mô Hình Nuôi Thâm Canh Cá Rô Phi NOGIP IV Hiệu Quả Từ Mô Hình Nuôi Thâm Canh Cá Rô Phi NOGIP IV

Năm 2013, Trung tâm Khảo nghiệm Khuyến nông Khuyến ngư Thái Bình đã xây dựng đề án mô hình thâm canh cá rô phi NOGIP IV tại các vùng chuyển đổi của xã Thụy Thanh (huyện Thái Thụy), xã Phú Xuân (thành Phố Thái Bình), xã Quỳnh Trang (huyện Quỳnh Phụ) và xã Tây Tiến (huyện Tiền Hải).

23/11/2013
Làm Giàu Từ Nuôi Dê Làm Giàu Từ Nuôi Dê

Các hộ nuôi dê ở làng Tao Chor A (xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) cho biết, so với các vật nuôi khác như heo, bò, gà,… thì nuôi dê đem lại nguồn lợi lớn hơn mặc dù vốn đầu tư cho con giống và chuồng trại khá cao, từ 8 triệu đồng đến 10 triệu đồng/cặp giống bố mẹ.

23/11/2013
Phát Triển Đàn Lợn Nái Móng Cái Thuần Phát Triển Đàn Lợn Nái Móng Cái Thuần

Thực hiện Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn về việc phê duyệt Đề án phát triển đàn lợn nái móng cái thuần trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2012 - 2015, huyện Bạch Thông đang nỗ lực triển khai nhằm chủ động về con giống phục vụ chăn nuôi, phát triển nhanh số lượng và chất lượng đàn lợn thịt. Sau hai năm thực hiện đề án bước đầu đã mang lại hiệu quả.

23/11/2013