Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Cam Bù Hương Sơn Trước Nguy Cơ Suy Thoái

Cam Bù Hương Sơn Trước Nguy Cơ Suy Thoái
Ngày đăng: 29/08/2013

Hương Sơn (Hà Tĩnh) từ xưa đến nay vốn là quê hương của đặc sản cam bù nổi tiếng. Xuất phát từ Sơn Bằng, cây cam bù đã được người dân nhiều xã nghiên cứu, đầu tư và phát triển thành những mô hình kinh tế cho thu nhập ổn định. Tuy nhiên, những đặc tính phát triển và sinh trưởng của cam bù cùng bệnh vàng lá xanh gân... đã và đang khiến nhiều hộ trồng cam lo lắng...

Thực trạng buồn…

Vào những thập niên 80, 90 của thế kỷ trước, cam bù chính là sản phẩm tạo nên thương hiệu của vùng đất trù phú Sơn Bằng. Thế mà giờ đây, cây cam bù đã “bỏ đất, xa người”. Ông Hồ Cao Thắng - Bí thư Đảng ủy xã Sơn Bằng cho biết: “Cam bù là loại cây khó tính, chỉ cho quả ngon và đẹp trong thời gian từ 3 - 5 năm đầu, hơn nữa, gốc mới cũng không phát triển trên chỗ đất của gốc cũ nên không thể tái tạo lại vườn cam. Chính vì thế, khi quỹ đất hết thì Sơn Bằng cũng không còn là quê hương của đặc sản này nữa”.

Rơi vào trường hợp tương tự Sơn Bằng là các xã Sơn Trường, Sơn Mai, Sơn Thủy… Ông Lê Xuân Cúc - Chủ tịch UBND xã Sơn Trường cho biết: “Đến nay, toàn xã có 1.000 hộ trồng cam, trong đó 50% trồng từ 100 gốc trở lên. Tuy nhiên, tình trạng vườn cam bị suy thoái đang phổ biến ở tất cả những hộ tiên phong”.

Bên cạnh đó, cây cam bù còn bị bệnh vàng lá xanh gân. Bệnh này được người trồng cam ví là bệnh “ung thư” bởi các nhà khoa học chưa tìm ra nguyên nhân cũng như thuốc đặc trị. Bất kỳ cây cam nào cũng có thể bị vàng lá xanh gân và dẫu người trồng đã cắt bỏ cành bệnh chống lây lan thì cũng chỉ một thời gian sau những cành khác cũng bị “di căn”.

Đứng giữa vườn cam 8.000m2 với vô số gốc cam khẳng khiu, trơ trọi của gia đình ông Lê Đình Dược (xóm 10 - Sơn Phúc), tôi cảm nhận được nét buồn trên gương mặt ông khi được hỏi về tình trạng của vườn cam. Cả vườn cam xanh tốt, tết nào cũng vàng hươm, lúc lỉu quả, giờ đây, đồng loạt bị suy thoái, chỉ còn khoảng 500 m2 (80 gốc) cho quả chất lượng cao.

Vườn cam hơn 2 ha của gia đình ông Lê Phúc, Nguyễn Quốc Hoàn (xóm 6), Nguyễn Trọng Thành (xóm 8) cũng rơi vào tình trạng tương tự. Hầu hết các chủ vườn cam này đều đã tìm giải pháp thay thế tạm thời bằng cây chanh, cam chanh hoặc cỏ V6. Cảnh thương lái tấp nập tìm đến trong dịp tết, niềm vui mùa thu hoạch đã và đang “từ bỏ” bà con…

Giải pháp nào bảo vệ nguồn gen cam bù?

Với hiệu quả kinh tế cao, hiện nay, nhiều địa phương khác trong tỉnh cũng đã nghiên cứu, học hỏi, đầu tư trồng cam bù; song chẳng hiểu vì nguyên cớ nào, chỉ ở đất Hương Sơn thì quả cam bù mới có được hương vị đặc biệt nhất. Sau Sơn Bằng thì Sơn Trường, Sơn Mai, Sơn Thủy và gần đây với quy mô nhỏ hơn là Sơn Phúc, Sơn Tiến, Sơn Diệm… đang trở thành những vùng cam bù thơm ngon nổi tiếng.

Tuy nhiên, “thời hoàng kim” của cây cam bù không kéo dài, lại phổ biến bệnh vàng lá xanh gân nên việc loay hoay tìm giải pháp là tình trạng chung của các xã này. Ông Nguyễn Mạnh Thường - Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Mai cho biết: “Mặc dù cây cam bù chỉ có thời hạn thu hoạch từ 3 - 5 năm nhưng hiệu quả kinh tế cao nên người dân không muốn thay thế bằng các loại cây khác.

Cam bù không thể sinh trưởng được trên đất cũ nên giải pháp tạm thời của chúng tôi là hướng dẫn bà con chuyển đổi đất trồng keo hoặc khai hoang trong thung sâu để phát triển diện tích cam bù. Đến nay, toàn xã có 100 ha cam bù cho hiệu quả kinh tế cao. Hy vọng trong thời gian tới, các nhà khoa học sớm tìm ra giải pháp để “bà chúa” cam tiếp tục ở lại trên vùng đồi núi này”.

Thực hiện Quyết định 24 và 26 của UBND tỉnh, vừa qua, xã Sơn Trường đã tạo điều kiện cho 100 hộ vay vốn hỗ trợ lãi suất nhằm phát triển kinh tế gia trại. Trong số đó, có khá nhiều hộ đầu tư khai phá đất hoang, trồng cam trên diện tích đất nằm sâu trong lòng núi.

Nhờ đó, tổng diện tích trồng cây cam bù của Sơn Trường vẫn được duy trì. Tuy nhiên, diện tích này không lớn do những vùng này có độ dốc cao, rất khó cho cây cam bù bám rễ. Hơn nữa, việc trồng cam xen lẫn với cây lâm nghiệp dẫn tới tình trạng côn trùng và sâu bệnh phá hại. Những vườn cam phát triển trong lòng núi, sau vài năm cho hiệu quả kinh tế cao, đều đã nhiễm bệnh và đứng trước nguy cơ suy thoái.

Hiện nay, giải pháp khai mở quỹ đất đồi núi đã và đang được nhiều xã áp dụng nhằm níu giữ cây cam bù. Nguồn gen loài cây đặc sản này cũng đang theo chân những nông dân tâm huyết, có chí làm giàu vào tận thung sâu núi rừng dựng lán lập trại. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là giải pháp tạm thời bởi với đặc trưng sinh trưởng và bệnh vàng lá xanh gân chưa tìm được thuốc chữa thì cây cam bù không thể tồn tại lâu dài.


Có thể bạn quan tâm

Chè Lâm Đồng đã hoàn toàn sạch hoạt chất fipronil Chè Lâm Đồng đã hoàn toàn sạch hoạt chất fipronil

Ngày 11/11, bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng khẳng định: Từ đầu tháng 10/2015 đến nay, tất cả mẫu chè được sản xuất tại Lâm Đồng đều không vượt ngưỡng 0,002ppm.

13/11/2015
Trồng nấm rơm phối trộn lục bình năng suất cao Trồng nấm rơm phối trộn lục bình năng suất cao

Chị Lương Mỹ Phương, Trạm Khuyến nông huyện Phú Tân, tỉnh An Giang vừa thực hiện thành công đề tài cấp cơ sở “So sánh năng suất và hiệu quả trồng nấm rơm (NR) từ nguyên liệu rơm và rơm phối trộn với lục bình vụ đông xuân 2014 - 2015 tại huyện Phú Tân”.

13/11/2015
Giải pháp phát triển sản xuất cà phê bền vững Giải pháp phát triển sản xuất cà phê bền vững

Đầu tháng 11, cà phê bắt đầu chín rộ, nông dân trồng cà phê các huyện Thuận Châu, Mai Sơn và Thành phố đang khẩn trương thu hái. Năm nay, cà phê được mùa, năng suất bình quân ước đạt 12 tấn/ha, sản lượng trên 100.000 tấn cà phê quả

13/11/2015
Trồng cây lạc dại, góp phần cải tạo đất Trồng cây lạc dại, góp phần cải tạo đất

Năm 2010, trong dịp đi thăm người thân ở tỉnh Đồng Nai, ông Nguyễn Văn Dũng, ở thôn 6, xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp - Đắk Nông) tình cờ biết đến mô hình trồng cây lạc dại xen trong vườn tiêu được nhiều người dân tại đây áp dụng.

13/11/2015
Khoai tây Đà Lạt trái vụ có giá cao Khoai tây Đà Lạt trái vụ có giá cao

Ngày 10/11, một số nhà vườn có khoai tây vừa được thu hoạch tại Đà Lạt cho biết, hiện thương lái đang thu mua khoai tây loại 1 tại vườn với giá 18.000 đồng/kg, loại khoai nhỏ nhất, bị nứt có chất lượng không tốt là 7.000 đồng/kg.

13/11/2015