Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Cam Bù Hương Sơn Trước Nguy Cơ Suy Thoái

Cam Bù Hương Sơn Trước Nguy Cơ Suy Thoái
Ngày đăng: 29/08/2013

Hương Sơn (Hà Tĩnh) từ xưa đến nay vốn là quê hương của đặc sản cam bù nổi tiếng. Xuất phát từ Sơn Bằng, cây cam bù đã được người dân nhiều xã nghiên cứu, đầu tư và phát triển thành những mô hình kinh tế cho thu nhập ổn định. Tuy nhiên, những đặc tính phát triển và sinh trưởng của cam bù cùng bệnh vàng lá xanh gân... đã và đang khiến nhiều hộ trồng cam lo lắng...

Thực trạng buồn…

Vào những thập niên 80, 90 của thế kỷ trước, cam bù chính là sản phẩm tạo nên thương hiệu của vùng đất trù phú Sơn Bằng. Thế mà giờ đây, cây cam bù đã “bỏ đất, xa người”. Ông Hồ Cao Thắng - Bí thư Đảng ủy xã Sơn Bằng cho biết: “Cam bù là loại cây khó tính, chỉ cho quả ngon và đẹp trong thời gian từ 3 - 5 năm đầu, hơn nữa, gốc mới cũng không phát triển trên chỗ đất của gốc cũ nên không thể tái tạo lại vườn cam. Chính vì thế, khi quỹ đất hết thì Sơn Bằng cũng không còn là quê hương của đặc sản này nữa”.

Rơi vào trường hợp tương tự Sơn Bằng là các xã Sơn Trường, Sơn Mai, Sơn Thủy… Ông Lê Xuân Cúc - Chủ tịch UBND xã Sơn Trường cho biết: “Đến nay, toàn xã có 1.000 hộ trồng cam, trong đó 50% trồng từ 100 gốc trở lên. Tuy nhiên, tình trạng vườn cam bị suy thoái đang phổ biến ở tất cả những hộ tiên phong”.

Bên cạnh đó, cây cam bù còn bị bệnh vàng lá xanh gân. Bệnh này được người trồng cam ví là bệnh “ung thư” bởi các nhà khoa học chưa tìm ra nguyên nhân cũng như thuốc đặc trị. Bất kỳ cây cam nào cũng có thể bị vàng lá xanh gân và dẫu người trồng đã cắt bỏ cành bệnh chống lây lan thì cũng chỉ một thời gian sau những cành khác cũng bị “di căn”.

Đứng giữa vườn cam 8.000m2 với vô số gốc cam khẳng khiu, trơ trọi của gia đình ông Lê Đình Dược (xóm 10 - Sơn Phúc), tôi cảm nhận được nét buồn trên gương mặt ông khi được hỏi về tình trạng của vườn cam. Cả vườn cam xanh tốt, tết nào cũng vàng hươm, lúc lỉu quả, giờ đây, đồng loạt bị suy thoái, chỉ còn khoảng 500 m2 (80 gốc) cho quả chất lượng cao.

Vườn cam hơn 2 ha của gia đình ông Lê Phúc, Nguyễn Quốc Hoàn (xóm 6), Nguyễn Trọng Thành (xóm 8) cũng rơi vào tình trạng tương tự. Hầu hết các chủ vườn cam này đều đã tìm giải pháp thay thế tạm thời bằng cây chanh, cam chanh hoặc cỏ V6. Cảnh thương lái tấp nập tìm đến trong dịp tết, niềm vui mùa thu hoạch đã và đang “từ bỏ” bà con…

Giải pháp nào bảo vệ nguồn gen cam bù?

Với hiệu quả kinh tế cao, hiện nay, nhiều địa phương khác trong tỉnh cũng đã nghiên cứu, học hỏi, đầu tư trồng cam bù; song chẳng hiểu vì nguyên cớ nào, chỉ ở đất Hương Sơn thì quả cam bù mới có được hương vị đặc biệt nhất. Sau Sơn Bằng thì Sơn Trường, Sơn Mai, Sơn Thủy và gần đây với quy mô nhỏ hơn là Sơn Phúc, Sơn Tiến, Sơn Diệm… đang trở thành những vùng cam bù thơm ngon nổi tiếng.

Tuy nhiên, “thời hoàng kim” của cây cam bù không kéo dài, lại phổ biến bệnh vàng lá xanh gân nên việc loay hoay tìm giải pháp là tình trạng chung của các xã này. Ông Nguyễn Mạnh Thường - Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Mai cho biết: “Mặc dù cây cam bù chỉ có thời hạn thu hoạch từ 3 - 5 năm nhưng hiệu quả kinh tế cao nên người dân không muốn thay thế bằng các loại cây khác.

Cam bù không thể sinh trưởng được trên đất cũ nên giải pháp tạm thời của chúng tôi là hướng dẫn bà con chuyển đổi đất trồng keo hoặc khai hoang trong thung sâu để phát triển diện tích cam bù. Đến nay, toàn xã có 100 ha cam bù cho hiệu quả kinh tế cao. Hy vọng trong thời gian tới, các nhà khoa học sớm tìm ra giải pháp để “bà chúa” cam tiếp tục ở lại trên vùng đồi núi này”.

Thực hiện Quyết định 24 và 26 của UBND tỉnh, vừa qua, xã Sơn Trường đã tạo điều kiện cho 100 hộ vay vốn hỗ trợ lãi suất nhằm phát triển kinh tế gia trại. Trong số đó, có khá nhiều hộ đầu tư khai phá đất hoang, trồng cam trên diện tích đất nằm sâu trong lòng núi.

Nhờ đó, tổng diện tích trồng cây cam bù của Sơn Trường vẫn được duy trì. Tuy nhiên, diện tích này không lớn do những vùng này có độ dốc cao, rất khó cho cây cam bù bám rễ. Hơn nữa, việc trồng cam xen lẫn với cây lâm nghiệp dẫn tới tình trạng côn trùng và sâu bệnh phá hại. Những vườn cam phát triển trong lòng núi, sau vài năm cho hiệu quả kinh tế cao, đều đã nhiễm bệnh và đứng trước nguy cơ suy thoái.

Hiện nay, giải pháp khai mở quỹ đất đồi núi đã và đang được nhiều xã áp dụng nhằm níu giữ cây cam bù. Nguồn gen loài cây đặc sản này cũng đang theo chân những nông dân tâm huyết, có chí làm giàu vào tận thung sâu núi rừng dựng lán lập trại. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là giải pháp tạm thời bởi với đặc trưng sinh trưởng và bệnh vàng lá xanh gân chưa tìm được thuốc chữa thì cây cam bù không thể tồn tại lâu dài.


Có thể bạn quan tâm

Nuôi bò Úc tại Đồng Nai Nuôi bò Úc tại Đồng Nai

Thịt bò Úc đang tiêu thụ rất tốt tại thị trường Việt Nam. Thời gian qua, các doanh nghiệp đua nhau nhập khẩu bò Úc nguyên con về giết mổ và đưa đi tiêu thụ, một số doanh nghiệp lại chuyển sang nhập khẩu và bán giống bò Úc cho nông dân nuôi.

03/10/2015
Phân tích kỹ thuật thị trường cà phê ngày 01/10/2015 Phân tích kỹ thuật thị trường cà phê ngày 01/10/2015

Xu hướng cà phê Arabica tháng 12: hiện tại giá đã vượt mô hình cái nêm, nằm trong giai đoạn tích luỹ, nếu đóng cửa trên kháng cự mạnh 125 triển vọng khá hơn và hỗ trợ mạnh trong ngắn hạn 115 vì có 3 phiên đều thử nhưng không xuyên thủng qua được.

03/10/2015
Tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi Tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi

UBND tỉnh Bạc Liêu vừa có Văn bản số 2978/UBND/KT về việc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi.

03/10/2015
Lãnh đạo tỉnh tiếp các hộ dân nuôi cá lồng bè trên sông Chà Và Lãnh đạo tỉnh tiếp các hộ dân nuôi cá lồng bè trên sông Chà Và

Ngày 30-9, ông Nguyễn Thanh Tịnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cùng lãnh đạo Sở NN-PTNN, Sở TN-MT đã tiếp các hộ dân nuôi cá lồng bè trên sông Chà Và.

03/10/2015
Xây dựng thương hiệu hướng mở cho cua Năm Căn Cà Mau Xây dựng thương hiệu hướng mở cho cua Năm Căn Cà Mau

Toàn huyện hiện có trên 70 cơ sở đăng ký kinh doanh cua thương phẩm liên tỉnh và xuất khẩu. Đó là chưa kể đến hàng chục điểm thu mua nhỏ lẻ chưa đăng ký và thương lái thu gom tận nhà dân.

03/10/2015