Cải Thiện Thu Nhập Nhờ Nuôi Ốc Bươu Đen

Nuôi ốc bươu đen trong ao, mương vườn hiện đang là mô hình kiếm ra tiền cho bà con nông dân ở huyện Châu Thành A. Chính vì vậy mà cán bộ Trạm khuyến nông - khuyến ngư huyện Châu Thành A Đỗ Thanh Hải thực hiện đề tài “Ứng dụng sản xuất giống và nghiên cứu nuôi ốc bươu đen thương phẩm”. Đề tài vừa được Hội đồng Khoa học và Công nghệ huyện nghiệm thu loại khá.
Chủ nhiệm đề tài Đỗ Thanh Hải cho biết: Ốc bươu đen ngày nay đã trở thành món đặc sản tại các quán ăn và nhà hàng sang trọng nơi thành thị. Tuy nhiên, số lượng ốc bươu đang hiếm dần vì tần suất đánh bắt cũng như ảnh hưởng của các loại thuốc, dịch hại. Hiện ốc có giá trên thị trường từ 15.000-25.000 đồng/kg, lúc “sốt” giá nhất là 40.000 đồng/kg. Do đó, nuôi ốc bươu đen có thể giúp nhà nông cải thiện thu nhập rất nhiều.
Đề tài được nghiên cứu tại ấp 1B, thị trấn Một Ngàn; ấp 5B, xã Tân Hòa; ấp 3B, thị trấn Bảy Ngàn trong thời gian 6 tháng. Mỗi điểm thực hiện 3 nghiệm thức, mỗi nghiệm thức 20m2. Trước khi thả nuôi ốc, cần tiến hành tát mương, dọn sạch cỏ, bắt hết cá tạp, cá dữ, ốc bươu vàng; bón vôi diệt mầm bệnh.
Khoảng một tuần sau, xả nước vào mương khoảng 1m, bón phân trâu đã được phơi khô để gây màu nước, đồng thời làm thức ăn tự nhiên cho ốc sau này, sau đó trồng bông súng làm giá thể cho ốc đeo bám. Tuần tiếp theo là thả ốc giống vào lúc trời mát để hợp với thân nhiệt của ốc. Thức ăn cho ốc có bổ sung cám gạo loại mịn, lượng cho ăn từ 3-5% so với trọng lượng ốc nuôi. Trong quá trình nuôi từ tháng thứ 2 trở đi bố trí bọng cho nước lưu thông nhẹ.
Kết quả thử nghiệm nuôi ốc bươu đen thương phẩm với nghiệm thức 1: 50 con/m2, nghiệm thức 2: 100 con/m2, nghiệm thức 3: 150 con/m2 có bổ sung bằng thức ăn cám gạo.
Qua 6 tháng nuôi, cho thấy sức tăng trọng của ốc ở nghiệm thức 1 là 33,23 gram/con, nghiệm thức 2 là 30,81 gram/con, nghiệm thức 3 là 25,95 gram/con. Tuy nhiên, qua nghiên cứu cũng cho thấy mật độ nuôi ảnh hưởng đến sự tăng trưởng, tỷ lệ sống của ốc.
Ngoài ra, thức ăn xanh cũng rất quan trọng. Nếu chỉ bổ sung bằng thức ăn cám gạo thì sức tăng trưởng của ốc tương đối chậm so với thử nghiệm nuôi bằng 50% thức ăn xanh (bèo, lá sắn) + 50% thức ăn tự chế. Và kết quả đã minh chứng, lợi nhuận thu về từ nghiệm thức 2 (nuôi bằng thức ăn xanh cùng thức ăn tự chế, với mật độ 100 con/m2) sẽ cho lợi nhuận cao nhất 800.000 đồng, kế đến là nghiệm thức 3 là 461.000 đồng, thấp nhất nghiệm thức 1 với 305.000 đồng.
Xét về tỷ suất lợi nhuận thì nghiệm thức 2 là cao nhất 40%, nghiệm thức 1 là 22,26% và thấp nhất là nghiệm thức 3 là 21,5%. Ở mật độ 150 con/m2, chi phí đầu tư cao nhưng tỷ suất lợi nhuận thấp. Như vậy, cho thấy nuôi ốc bươu đen bằng thức ăn xanh sẽ làm hạ giá thành đầu tư, tăng lợi nhuận kinh tế.
Cũng từ nghiên cứu này, ông Nguyễn Thanh Phong, ở ấp 3A, thị trấn Bảy Ngàn cũng có thêm thu nhập trung bình 1 triệu đồng/tháng. Chỉ với việc tận dụng ao, mương trong vườn cây ăn trái thả nuôi ốc và chỉ 4-5 tháng sau là thu hoạch đều đặn mỗi tuần.
Theo kinh nghiệm của ông Phong, ốc rất dễ nuôi vì tự biết kiếm mồi, không cần tốn nhiều thời gian chăm sóc, cho ăn. Mỗi tuần chỉ cho ăn cám to đôi lần, kèm theo đó nên trồng thêm bông súng để ốc có thêm nguồn thức ăn xanh bổ sung. Hiện tại, ốc bươu đen bán với giá từ 20.000-25.000 đồng/kg. Ốc của ông Phong được tiêu thụ nhiều ở các hàng quán trong thị trấn. Ngoài ra, nhiều khách quen của gia đình khi có dịp đi đâu xa cũng đến mua ốc để làm quà.
Cũng nhân nuôi ốc bươu đen trong ao, mương vườn, ông Lê Quốc Phương, ở cùng ấp 3A cũng kết hợp nuôi trong vườn xoài. Ngoài việc cho ăn cám để ốc được phát triển tự nhiên, ông thả thêm bèo cám để tạo nguồn thức ăn cho ốc. Từ đây, ốc tự vận động kiếm mồi, thịt dai, chắc hơn nên rất được nhà hàng trong khu vực ưa chuộng, đặt hàng.
Ông Phương chia sẻ: “Tôi nuôi theo cách tự nhiên này vì bản chất của ốc là thích thức ăn xanh. Ốc trưởng thành tuy không mập nhưng được cái chắc thịt, giòn. Nhờ vậy mà ai cũng thích, hỏi mua liên tục đến nỗi ốc không đủ cung cho khách”.
Ông Nguyễn Văn Tô, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Châu Thành A, cho biết: Đề tài đã mở ra hướng phát triển kinh tế phụ cho nông dân miệt vườn Châu Thành A. Đó là tận dụng khoảng trống của ao, mương vườn để nuôi ốc, kiếm thêm thu nhập. Hơn nữa, việc nhân nuôi ốc bươu đen đã giúp địa phương bảo tồn, duy trì được nguồn ốc tự nhiên, góp phần cung cấp món ngon, đặc sản miền Tây cho các nhà hàng. Chính vì vậy mà ngành đánh giá khá cao về mục tiêu của đề tài.
Ngoài nghiên cứu nuôi ốc thương phẩm giúp người dân kiếm thêm thu nhập, đề tài còn đưa ra được quy trình nhân nuôi ốc sinh sản, phương pháp kích thích ốc đẻ bằng nhiệt độ. Từ quy trình này, có thể giúp người dân chủ động được trong cách nhân nuôi, tạo nguồn ốc giống, tiếp tục duy trì mô hình bền vững trong thời gian tới.
Nguồn bài viết: http://baohaugiang.com.vn/newsdetails/1D3FE183317/Cai_thien_thu_nhap_nho_nuoi_oc_buou_den.aspx
Có thể bạn quan tâm

Có diện tích trồng cây ăn trái đứng đầu thành phố Cần Thơ, thời gian qua, huyện Phong Điền tập trung vận động nhà vườn cải tạo vườn tạp và khôi phục vườn cây ăn trái theo hướng tập trung, chuyên canh gắn với du lịch sinh thái. Bên cạnh việc hỗ trợ nông dân về cây giống, chuyển giao khoa học kỹ thuật nâng cao chất lượng sản phẩm, Phong Điền còn tập trung hoàn thiện hệ thống giao thông thủy bộ để thu hút khách du lịch, mở kênh tiêu thụ mới cho sản phẩm trái cây của địa phương...

Hiện nay, giá heo hơi các thương lái mua tại các trại của Đồng Nai chỉ còn 36 - 37 ngàn đồng/kg, giảm 3 - 4 ngàn đồng/kg so với cách đây 1 tuần. Tại các hộ nuôi nhỏ lẻ, heo không đẹp và trọng lượng trên 100 kg, thương lái chỉ mua với giá 34 - 35 ngàn đồng/kg.

Những năm qua, nhất là kể từ sau khi triển khai thực hiện Đề án tôm - lúa, diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến (QCCT) trong toàn tỉnh không ngừng tăng lên.

Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh (ảnh) vừa có chuyến khảo sát về tình hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bỏ 1 vụ lúa sang trồng 1 vụ màu ở một số địa phương ĐBSCL.

Theo Hiệp hội Cà phê - ca cao Việt Nam, niên vụ thu hoạch cà phê 2013 - 2014 sắp tới, ngành cà phê Tây Nguyên đối mặt nhiều khó khăn. Theo đó, thời điểm này mưa đã rải đều toàn vùng Tây Nguyên, độ ẩm cao tạo điều kiện cho sâu bệnh phát sinh, phát triển, gây hại cho cà phê.