Các Ngân Hàng Giảm Lãi Suất Cho Vay: Lĩnh Vực Nông Nghiệp Hưởng Lợi

Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Agribank, việc giảm lãi suất cho vay từ 1 – 1,5%/năm sẽ được ngân hàng này thực hiện đối với mọi đối tượng vay vốn. Tuy nhiên, lĩnh vực nông nghiệp mà Agribank đang có thế mạnh và dư nợ cao nhất, được chú trọng hơn cả.
Cụ thể, đối với cho vay ngắn hạn, các hộ SX nông - lâm - ngư - diêm nghiệp lãi suất thấp nhất là 15,5%. Cho vay thu mua chế biến để XK nông sản là 14,5%, thu mua và chế biến tiêu dùng trong nước là 16,5%. Cho vay kinh doanh các ngành nghề khác thấp nhất là 17%. Đối với cho vay trung và dài hạn, đối với các hộ nông dân thấp nhất là 17%; cho vay thu mua chế biến XK ở mức 17,5%, cho vay cung ứng, dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp là 18%, đối với các ngành nghề khác là 18,5%. Đối với cho vay dài hạn thấp nhất là 19%.
Riêng với lĩnh vực phi sản xuất thuộc diện không khuyến khích, lãi suất cho vay thấp nhất là 19%. “Agribank sẽ tập trung mọi nguồn vốn huy động và nguồn thu nợ từ cho vay phi sản xuất để chuyển sang cho vay nông nghiệp, nông dân, nông thôn, cho vay xuất khẩu, DN nhỏ và vừa, giảm cho vay phi sản xuất, như bất động sản hay tiêu dùng”, ông Bảo cho hay.
Để thực hiện cho vay có hiệu quả, Agribank đã xây dựng các chương trình cho vay rất cụ thể theo từng chương trình sản xuất kinh doanh của từng lĩnh vực, cây con, vùng chuyên canh lớn. Cụ thể, cho vay hộ nông dân 10 nghìn tỷ, ngành lương thực 20,95 nghìn tỷ, thủy sản 12,1 nghìn tỷ, cà phê 3,8 nghìn tỷ, cao su 2,3 nghìn tỷ, chăn nuôi gia súc, gia cầm 13,3 nghìn tỷ...
Trước Agribank, BIDV là ngân hàng dẫn đầu trong cuộc đua hạ lãi suất cho vay khi trong 4 tháng cuối năm 2011, ngân hàng này 5 lần giảm lãi suất. Mức thấp nhất tại đây đang là 14,5%/năm, áp dụng cho khắc phục hậu quả bão lũ. Cho vay XK là 15%, còn cho vay đối với khu vực “tam nông” là 15,5%/năm.
Trước động thái của 2 “ông lớn” trên, nhiều nhà băng không nằm trong tốp đầu cũng đang niêm yết lãi suất thấp hơn so với thời gian trước. Cán bộ một phòng giao dịch ngân hàng ACB tại Hà Nội cho biết, đơn vị này đang triển khai chương trình cho vay phát triển sản xuất, đặc biệt là lĩnh vực chế biến nông sản, với mức lãi suất thấp hơn thông thường 0,5%. Trước đó, Ngân hàng quốc tế (VIB) cũng thông báo hạ lãi suất cho vay 1% đối với các hộ sản xuất, kinh doanh.
Chuyên gia ngân hàng, bà Nguyễn Thị Mùi, nhận định, xu thế giảm lãi suất cho vay là tất yếu trong bối cảnh hiện tại, khi Chính phủ thực hiện mạnh mẽ việc đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, giảm lãi suất đang được các ngân hàng thận trọng áp dụng, đồng thời, để vay vốn với mức lãi suất thấp như niêm yết, DN và người đi vay cũng không dễ dàng.
Lãi suất huy động sẽ sớm hạ
Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, Agribank đã chuẩn bị để khi thị trường hội đủ các điều kiện để thực hiện giảm lãi huy động ngay. Bởi vì, lãi suất huy động hiện nay đã có những dấu hiệu cho thấy xu hướng giảm là tất yếu. Cụ thể hơn, ông Bảo cho biết, lãi suất liên ngân hàng ngắn hạn hiện ổn định ở 12 - 14% là tín hiệu tích cực. Trong khi đó, tại Agribank, chỉ trong hơn 1 tháng đầu năm, huy động tiền gửi dân cư đã tăng 4%, nếu tiền gửi các tổ chức kinh tế phục hồi tốt thì nguồn vốn để cho vay của Agribank là rất ổn.
“Có một số yếu tố tác động đến lãi suất cho vay gồm đối tượng khách hàng, nguồn vốn, khả năng trả nợ của khách, tài sản đảm bảo... Cùng một khách hàng, hồ sơ, có thể ngân hàng này đồng ý giải ngân, song chỗ khác lại từ chối”, bà Mùi nói. Cũng theo chuyên gia này, để được hưởng lãi suất cho vay chỉ tương đương huy động một số ngân hàng đang áp dụng, chắc chắn người đi vay phải chấp nhận các điều kiện rất ngặt nghèo, bởi lãi suất và rủi ro có mối quan hệ thuận chiều với nhau: Rủi ro càng nhiều, lãi suất càng cao và ngược lại.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Bảo lại không đồng ý với quan điểm trên. Theo ông Bảo, tùy thuộc vào nguồn vốn và thị phần của từng ngân hàng mà họ sẽ có những chiến lược cho vay khác nhau. Riêng đối với Agribank, dù chưa giảm lãi suất huy động nhưng để giảm lãi suất cho vay, ngân hàng sẽ thực hiện nhiều biện pháp tiết giảm chi phí, đồng thời chấp nhận giảm một phần lợi nhuận để hạ lãi suất cho vay.
Dù gì, việc hạ lãi suất của các ngân hàng thương mại lớn, đặc biệt là lãi suất cho khu vực “tam nông”, cũng là tín hiệu cho thấy, các nhà băng đã hướng đến thị trường rộng lớn tuy có không ít rủi ro này. Và, nếu thực hiện chặt chẽ và đầy đủ các thủ tục tiếp cận nguồn vốn, đây sẽ là động lực giúp khu vực nông nghiệp – nông thôn phát triển mạnh hơn nữa.
Có thể bạn quan tâm

Để nâng cao năng suất, chất lượng mía nguyên liệu, Hiệp hội Mía đường Lam Sơn tiếp tục triển khai xây dựng các mô hình chuyển giao công nghệ sản xuất mía, tổ chức lại đất đai, dồn điền đổi thửa, chuyển giao khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất.

Tại huyện Thọ Xuân, để hoàn thành mục tiêu gieo cấy 7.300 ha lúa chiêm-xuân 2014-2015, cùng với việc khẩn trương thu hoạch diện tích cây trồng vụ đông, bà con nông dân trong huyện đã tập trung gieo cấy. Năm nay, nhờ đẩy mạnh công tác dồn điền, đổi thửa, áp dụng cơ giới hóa vào gieo cấy, nên đến nay, toàn huyện đã gieo cấy được hơn 6.000 ha lúa, chiếm hơn 80% diện tích.

Ông Võ Hồng Quốc, một nông dân ấp Phú Trí A, cho biết gia đình ông trồng thử nghiệm trên khoảng 80 gốc cây đào tiên, tạo hình thành công 300-400 trái đào tiên hình hồ lô có chữ tài lộc.

Theo đó, Đồng Tháp xin mua tạm trữ khoảng 350.000 tấn quy gạo từ nay đến hết ngày 15-3-2015 và tạm trữ trong thời gian bốn tháng. Vụ đông xuân 2014-2015, Đồng Tháp đã thu hoạch xong 35% diện tích và sẽ thu hoạch rộ vào tháng ba. Nhưng từ đầu tháng hai tới nay lúa thu hoạch khó tiêu thụ và rớt giá.

Trong khi đó, giá heo hơi tại các trang trại vẫn tiếp tục có xu hướng giảm trong thời gian tết. Ngày 10-2, giá heo hơi tại các công ty lớn được niêm yết ở mức 46.000 đồng/kg trong khi ở các hộ nuôi nhỏ thấp hơn 1.000-2.000 đồng/kg.