Các Mô Hình Trồng Rau An Toàn Góp Phần Đổi Mới Tư Duy Sản Xuất

Đáp ứng nhu cầu thực tiễn, năm 2014 này Chi cục Quản lí chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (QLCLNLS&TS) tỉnh tiếp tục tham mưu, đề xuất với tỉnh hỗ trợ bà con nông dân ở một số địa phương các mô hình sản xuất rau an toàn, mô hình sản xuất rau VietGAP.
Đồng chí Phạm Đức Tuấn, Phó Chi cục Trưởng Chi cục QLCLNLS&TS tỉnh cho biết, những năm qua, việc xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm có nguồn gốc từ rau không an toàn đã trở thành nỗi lo của toàn xã hội.
Vì vậy, việc tổ chức quản lý, thực hiện các mô hình sản xuất rau theo hướng an toàn là rất cần thiết. Các mô hình ngoài việc đem lại hiệu quả kinh tế, sẽ hướng đến mục đích tuyên truyền thay đổi nhận thức và tập quán canh tác cũ, sản xuất bền vững.
Trên cơ sở đó, tiếp nối thành công từ các mô hình năm trước, năm 2014 Chi cục tiếp tục triển khai hỗ trợ xã Yên Thành (Quang Bình) mô hình hỗ trợ áp dụng quy trình sản xuất rau an toàn vụ Đông và mô hình sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP tại thị trấn Việt Lâm (Vị Xuyên). Hai địa phương được lựa chọn hỗ trợ có các điều kiện để phát triển sản xuất rau hàng hóa như: Đất đai, giao thông, thị trường, nhân lực, tư duy sản xuất của người dân...
Thông qua các mô hình, 10 hộ hội viên phụ nữ tại các thôn Yên Thành, Yên Thượng, xã Yên Thành được hỗ trợ trồng 2,5ha rau vụ Đông; 10 hộ nông dân tại tổ 7, thị trấn Việt Lâm được hỗ trợ trồng diện tích 5ha rau theo tiêu chuẩn VietGAP.
Các mô hình sẽ được triển khai hỗ trợ theo hình thức Nhà nước hỗ trợ một phần, người dân đối ứng một phần kinh phí thực hiện. Để thực hiện các mô hình sản xuất trên, ngay từ giữa năm nay, Chi cục QLCLNLS&TS phối hợp với các địa phương tổ chức khảo sát xây dựng mô hình, thẩm định, phê duyệt đề án. Tiếp đó, tổ chức tập huấn quy trình sản xuất; chỉ đạo làm đất, cấp giống, vật tư và chỉ đạo gieo trồng vụ Đông.
Quá trình triển khai, Chi cục cũng sẽ phối hợp giám sát thực hiện mô hình và sẽ thực hiện nghiệm thu và tổng kết các mô hình ngay trong năm nay.
Theo Chi cục QLCLNLS&TS cho biết, các mô hình ở Yên Thành và thị trấn Việt Lâm sẽ thực hiện đúng theo các giải pháp về giống, vật tư, quy trình kỹ thuật an toàn theo quy định của Bộ Nông nghiệp. Các mô hình sử dụng các giống rau như: Su hào, bắp cải và các loại rau cải, súp lơ xanh.
Các giống có nguồn gốc rõ ràng, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép sản xuất; Sử dụng phân bón hữu cơ đảm bảo an toàn chất lượng, không sử dụng phân tươi, hạn chế sử dụng phân bón vô cơ; Phòng sâu, bệnh hại trước khi gieo trồng bằng vôi bột và thuốc xử lý đất; Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi thật cần thiết và lựa chọn loại thuốc bảo vệ thực vật an toàn để sử dụng...
Hiện nay, các Mô hình hỗ trợ áp dụng quy trình sản xuất rau an toàn vụ Đông ở Yên Thành và Mô hình sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP ở thị trấn Việt Lâm đang được triển khai thực hiện và được người dân phấn khởi đón nhận. Các mô hình đang được theo dõi một cách tích cực của các đơn vị triển khai.
Trên cơ sở đó, theo Chi cục QLCLNLS&TS, mục đích hướng tới của các mô hình trên nhằm hướng tới việc nâng cao nhận thức và trách nhiệm cho người dân khi sản xuất rau hàng hoá, bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng, hướng tới nền nông nghiệp sạch, bền vững.
Đồng thời, góp phần mở rộng vùng sản xuất rau an toàn trong tỉnh, thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, tăng hệ số sử dụng đất và tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác. Các mô hình được triển khai còn là mô hình để người dân tham quan, học tập.
Nguồn bài viết: http://baohagiang.vn/?lang=V&func=newsdetail&newsid=32381&CatID=150&MN=26
Có thể bạn quan tâm

Hiện nay, Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ tỉnh Thái Nguyên đang triển khai Dự án Xây dựng mô hình trồng Giảo cổ lam tại huyện Võ Nhai. Kinh phí hỗ trợ để thực hiện Dự án là trên 190 triệu đồng, được cấp từ nguồn sự nghiệp khoa học của tỉnh. Dự án sẽ kết thúc vào tháng 7-2016.

Ngày 11-8-2014 vừa qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã chính thức cho phép sử dụng bốn giống bắp biến đổi gen (BĐG) làm thức ăn cho người và cho động vật tại Việt Nam nhưng việc cho trồng hay không là quyết định cuối cùng của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Sau nhiều năm trồng thử nghiệm, cây rau pó xôi đã phát triển tốt trong khu vườn của gia đình anh Nguyễn Văn Thi ở xã Lát, Lạc Dương (Lâm Đồng). Với diện tích hơn 1ha trồng trong nhà kính, mô hình trồng rau pó xôi sạch này đã mang về cho gia đình anh Nguyễn Văn Thi tiền tỷ mỗi năm.

Lê Trà Lĩnh được các cơ quan chức năng của tỉnh Cao Bằng đánh giá có hàm lượng đường dinh dưỡng cao nhất so với các giống lê trong tỉnh. Cây lê được nhân dân huyện Trà Lĩnh trồng từ rất lâu đời, nhưng trải qua thời gian, cây lê gần như bị mai một, chỉ còn rải rác ở một số ít địa phương trong huyện.

Hàng trăm hộ nông dân ở huyện U Minh Thượng (Kiên Giang) đã tự nguyện liên kết với nhau mở rộng diện tích trồng chuối để hình thành vùng SX tập trung.