Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Các làng nghề nuôi rắn loay hoay tháo gỡ đầu ra

Các làng nghề nuôi rắn loay hoay tháo gỡ đầu ra
Ngày đăng: 07/07/2015

Những năm trước con rắn với giá trị thu nhập cao, có thời điểm lên tới 1,1 - 1,2 triệu đồng/1kg rắn thịt, 100 - 150 ngàn đồng/1 quả trứng đã giúp cho các hộ dân làng nghề thoát nghèo vươn lên làm giàu. Nhiều hộ có nhà xây cao tầng, mua xe máy, nuôi con ăn học, mua sắm vật dụng đắt tiền phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong gia đình... cũng là nhờ con rắn.

Do giá rắn thịt, giá trứng rắn xuống thấp nên hộ ông Nguyễn Quang Trúc ở làng nghề nuôi và chế biến rắn Tứ Xã (Lâm Thao) đã giảm mạnh lượng rắn nuôi so với trước. Ông Trúc kiểm tra đàn rắn bố mẹ.

Thế nhưng, sau một thời gian con rắn sản sinh ra lợi nhuận kha khá thì đến nay nhiều hộ dân làng nghề nuôi rắn lại méo mặt vì rắn do sản phẩm làm ra nhưng khó tiêu thụ, giá rắn thịt, rắn giống, trứng rắn sụt giảm mạnh so với trước, trong khi nguồn thức ăn cho rắn khan hiếm đẩy giá thức ăn lên cao. Thức ăn của rắn chủ yếu là cóc, một phần là gà, vịt loại từ các lò ấp trứng gia cầm, tuy nhiên với giá cóc khoảng 40.000 đồng/1kg thì để duy trì đàn rắn 200 - 300 con mỗi tháng người nuôi phải bỏ ra trên dưới chục triệu đồng tiền thức ăn.

Không kham được, nhiều nhà đã thu hẹp quy mô chăn nuôi, thậm chí có hộ bỏ nghề tìm việc khác để làm. Ngay ở làng nghề nuôi và chế biến rắn Khuôn Dậu thời kỳ cao điểm có khoảng gần 100 hộ nuôi rắn nhưng đến nay theo ông Trần Ngọc Oanh - Trưởng làng nghề cho biết: “Số hộ nuôi dao động từ 70 - 80 hộ, quy mô nuôi giảm xuống còn vài chục con đến 300 con, song số hộ nuôi 200 - 300 con không nhiều”.

Nguyên nhân do nuôi rắn không có lãi, nếu trước kia giá rắn thịt được thu mua trung bình từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng/1kg thì nay sụt giảm chỉ còn 400.000 - 500.000 đồng/kg; giá trứng cũng giảm từ 135.000 đồng xuống còn 35.000 - 40.000 đồng/quả (tùy theo thương lái phân loại). Vì giá rẻ, hạch toán chăn nuôi không có lãi nên một số hộ vẫn giữ trứng lại chờ giá hoặc cho ấp nở để bán rắn giống nhưng cũng không khá khẩm hơn, ngay nhà ông Oanh cũng đang còn tồn hơn 1.000 quả trứng rắn chưa bán.

Về làng nghề nuôi và chế biến rắn Tứ Xã, chúng tôi mắt thấy tai nghe những câu chuyện về con rắn chưa bao giờ khó khăn về đầu ra như hiện nay. Ông trưởng làng nghề Nguyễn Quang Trúc đưa đi tham quan chuồng nuôi rắn chỉ còn lèo tèo vài con. “Do giá rắn rẻ nuôi không có lời nên tôi đã giảm dần từ 300 con xuống còn hơn 30 con nuôi thịt và giữ giống, chờ khi giá cả thị trường lên cao mới khôi phục” - ông Trúc vừa nói vừa chìa cánh tay còn vết sẹo rắn cắn tiếp lời: “Trót theo nghề, suýt đánh đổi cả mạng sống với nghề nên bỏ nghề cũng tiếc, nhưng vay vốn ngân hàng để mua thức ăn cho nó thì chúng tôi không kham nổi”. Theo báo cáo của xã Tứ Xã thì thời kỳ “hoàng kim” của nghề nuôi rắn chỉ kéo dài từ năm 2008 đến năm 2012, lúc đó có tới 430 hộ làm nghề, tổng doanh thu của làng nghề đạt 40 - 50 tỷ đồng/năm, nhưng sang năm 2014 doanh thu làng nghề rắn đã sụt giảm xuống còn 25 tỷ đồng.

Qua tìm hiểu được biết: Từ năm 2013 trở lại đây giá rắn thịt, rắn trứng giảm dần đến năm 2015 thì giảm mạnh, thị trường tiêu thụ khó khăn hơn, thương lái thu mua nhỏ giọt, mua theo phân cấp, phân loại sản phẩm theo hướng không có lợi cho người nuôi. Do đó đến nay ở Làng nghề nuôi và chế biến rắn Tứ Xã cũng chỉ còn 267 hộ nuôi, tổng đàn rắn giảm còn gần 33.000 con.

Giá rẻ, thương lái liên tục ép giá, không chủ động đầu ra là tình trạng chung hiện nay của 2 làng nghề nuôi rắn trên địa bàn tỉnh. Những hộ non vốn, non kinh nghiệm đã bỏ nghề và đang muốn bỏ nghề, một số hộ có tiềm lực vốn cố gắng giữ đàn rắn giống và một lượng nhỏ rắn thịt, trứng rắn chờ giá lên mới bán.

Trả lời câu hỏi các sản phẩm rắn thịt, trứng rắn của làng nghề tiêu thụ ở đâu, tại sao lại có tình trạng sụt giảm giá mạnh?... nhiều hộ dân trong làng nghề khẳng định với chúng tôi rằng: Rắn được tư thương mua gom chủ yếu xuất sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch nên mới có tình trạng giá cả bấp bênh như trên. Trước tình trạng bấp bênh của giá cả sản phẩm và đầu ra không ổn định, một số hộ nuôi rắn đã cất công theo những tư thương mua gom để tìm hiểu song cũng không tìm được lời giải thỏa đáng cho bài toán đầu ra của sản phẩm làng nghề nuôi rắn hiện nay.

Về hướng chế biến sản phẩm để hỗ trợ đầu ra, theo ông Bùi Đại Nghĩa - Phó Chủ tịch UBND xã Tứ Xã: “Địa phương cũng đã định hướng cho các hộ chế biến sản phẩm từ rắn như: Ngâm rượu rắn, mở cửa hàng đặc sản rắn, lấy nọc nhưng qua thử nghiệm vẫn chưa ổn do rượu rắn rất khó bán, mở hàng đặc sản nhưng chưa thu hút được thực khách, còn lấy nọc rắn thì không dễ do phải tuân thủ các quy trình kỹ thuật sao cho an toàn, bảo quản nọc tươi thế nào cho tốt rồi bán cho ai...

Giá như có công ty dược phẩm nào về ký kết bao tiêu và hướng dẫn kỹ thuật thì chúng tôi mới có thể làm được”. Do mắc, vướng từ nhiều khâu nên ý tưởng chế biến các sản phẩm từ rắn đến nay cũng chỉ dừng lại ở khâu thử nghiệm, định hướng.

Trong khi chờ giải pháp, chờ thị trường thì nghề nuôi rắn vẫn loay hoay tháo gỡ và đang có chiều hướng mai một!


Có thể bạn quan tâm

Trẻ hóa và thụ phấn nhân tạo cây na trồng xen cà phê Trẻ hóa và thụ phấn nhân tạo cây na trồng xen cà phê

Cây na (còn gọi là mãng cầu ta) là một trong những loại cây ăn quả dễ thích nghi với điều kiện môi trường nên đã được người dân một số địa phương trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột lựa chọn trồng xen trong vườn cà phê

22/10/2015
Phát triển 134 hécta ca cao đạt chứng nhận UTZ Phát triển 134 hécta ca cao đạt chứng nhận UTZ

Theo Công ty TNHH ca cao Trọng Đức (huyện Định Quán), hiện doanh nghiệp đã phát triển được 134 hécta ca cao đạt chứng nhận UTZ Certified good inside trên địa bàn Đồng Nai.

22/10/2015
Chanh đào xuống giá thê thảm Chanh đào xuống giá thê thảm

Khác với mọi năm đến thời điểm này, giá chanh đào xuống liên tục. So với đầu vụ, giá giảm gần một nửa. Nhiều hộ dân lo lắng cho tương lai của cây chanh đào. Liệu đây có phải là cây xóa đói - giảm nghèo nữa không?

22/10/2015
Xoài cù lao Giêng được công nhận VietGAP Xoài cù lao Giêng được công nhận VietGAP

Mới đây, 9 hộ dân trồng xoài 3 màu ở cù lao Giêng (xã Bình Phước Xuân, Chợ Mới, An Giang) đã được công nhận VietGAP.

22/10/2015
Được mùa mất giá nỗi lo của người trồng nho Được mùa mất giá nỗi lo của người trồng nho

Từ đầu tháng 10 đến nay, giá nho đỏ trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đang giảm mạnh. Thu nhập bị giảm sút, nhiều hộ nông dân trồng nho đang loay hoay “tính kế” phá nho đỏ để trồng các loại cây ngắn ngày... đơn cử tại xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn).

22/10/2015