Các hợp tác xã thủy nông dốc sức chống hạn cho cây lúa

Vụ đông xuân 2014 - 2015, xã Buôn Choáh gieo cấy trên 500 ha lúa và hiện có khoảng 600 hộ dân trong sống nhờ vào cây lúa. Năm nay, thời tiết nắng nóng, hạn hán kéo dài nhưng nhờ có nguồn nước của HTX Thủy nông Buôn Choáh nên toàn bộ diện tích lúa vẫn phát triển đảm bảo.
Chị Chu Thị Mười, một người dân trong xã cho biết: “Vụ mùa này, gia đình tôi trồng 5 ha lúa. Mặc dù, hạn hán xảy ra khá khốc liệt nhưng nhờ có HTX Thủy nông Buôn Choáh điều tiết nước tưới hợp lý ngay từ đầu mùa vụ nên đến nay, toàn bộ diện tích lúa của gia đình vẫn phát triển tốt và sắp thu hoạch. Hạn hán như năm nay, nếu HTX không chủ động nguồn nước tưới thì có lẽ toàn bộ diện tích lúa của xã cũng khó mà đảm bảo năng suất”.
Theo ông Ngô Văn Quý, Giám đốc HTX Thủy nông Buôn Choáh thì ngay từ đầu mùa vụ, HTX nhận định năm nay hạn hán sẽ kéo dài nên đã chủ động đầu tư, sửa chữa máy móc, kiên cố hệ thống kênh mương và đưa ra các giải pháp tiết kiệm nước, điều tiết hợp lý để phục vụ nước tưới đầy đủ cho lúa.
Toàn bộ nguồn nước của 3 trạm bơm đều phụ thuộc vào việc điều tiết nước của Nhà máy Thủy điện Buôn Tua Sah cho nên HTX chủ động thời điểm thủy điện xả nước bơm vào các tuyến kênh chính để đảm bảo lượng nước tưới tiêu phục vụ cho cánh đồng lúa. Vụ mùa này, xã Buôn Choáh thực hiện việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn gắn với xây dựng quy trình lúa đạt tiêu chuẩn VietGAP nên HTX cũng phải cung cấp nước đầy đủ để bà con sản xuất đúng lịch thời vụ. Hiện nay, lúa đã ương hạt và chỉ khoảng 2 tuần nữa là thu hoạch dự kiến năng suất đạt trên 8 tấn/ha.
Còn tại xã Quảng Phú, chính quyền địa phương đang huy động lực lượng cùng với HTX Thủy nông D12 Buôn Suk cứu 85 ha lúa. Ông Lê Văn Tỵ, Giám đốc HTX Thủy nông D12 Buôn Suk cho biết, vụ mùa này trên địa bàn xã gieo trồng 94 ha lúa nhưng HTX chỉ cung cấp nước cho khoảng 85 ha, diện tích còn lại có nguy cơ mất trắng.
Vào thời điểm hiện tại, cây lúa đang bước vào thời kỳ làm đòng, trổ bông cũng là lúc cần nhiều nước để phát triển nên chính quyền xã cùng với HTX tổ chức trực 24/24 giờ trực bơm nước vào đồng ruộng. HTX đã cắt cử cán bộ trực, theo dõi thông báo lịch xả nước của thủy điện Buôn Tua Sah để vận hành bơm hợp lý.
Cũng theo ông Tỵ thì hiện tại, HTX có 3 máy bơm có công suất 45 mã lực đang được huy động hết công suất, trung bình mỗi ngày bơm được 1.200 m3 nước. Hiện nay đang thời kỳ cao điểm của hạn hán, nhiệt độ tăng cao và dự báo sẽ tiếp tục khô hạn nên HTX sẽ vừa vận hành vừa bảo dưỡng, sửa chữa để đảm bảo nước cho cây lúa phát triển.
Có thể nói, vai trò của các HTX thủy nông đã được khẳng định trong việc đảm bảo nước tưới cho cây trồng nói chung, cây lúa nói riêng, nhất là vào những thời điểm hạn hán kéo dài. HTX Thủy nông Buôn Choáh và HTX Thủy nông D12 Buôn Suk đã giúp cho nông dân yên tâm phát triển cây lúa ngay cả trong thời điểm hạn hán như vụ đông xuân năm nay và góp phần rất lớn trong việc đảm bảo an ninh lương thực tại địa phương, xây dựng huyện Krông Nô trở thành vùng trọng điểm sản xuất lương thực hàng hóa của tỉnh.
Có thể bạn quan tâm

Theo ông Ngô Văn Tuấn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang, tính đến cuối tháng 11/2015, Tiền Giang đã đạt kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên 1,6 tỷ USD, hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu cả năm 2015 trước thời hạn một tháng.

Tỉnh Kiên Giang vừa kiến nghị Trung ương hỗ trợ 36,3 tỷ đồng để ứng phó với khô hạn và xâm nhập mặn mùa khô 2015-2016.

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đến cuối tháng 10/2015, cả nước có 75 cơ sở nuôi trồng thủy sản được chứng nhận VietGAP trên tổng diện tích hơn 686ha.

UBND tỉnh Trà Vinh phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và tổng dự toán xây dựng công trình Trung tâm sản xuất giống thủy - hải sản tỉnh Trà Vinh (giai đoạn 1), tọa lạc tại ấp Nhà Mát, xã Trường Long Hòa, thị xã Duyên Hải do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư.

Ngồi trong căn chòi lá được dựng lên giữa đầm Thị Tường để trông giữ bãi sò rộng đến 15 ha mặt nước, anh Trần Văn Sal, 47 tuổi (ngụ ấp Tân Lợi, xã Phong Lạc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) nhớ lại cơ duyên đưa anh đến với nghề nuôi sò huyết cách đây 5 năm. Với vốn đầu tư sò giống cho 15 ha mặt nước trên đầm khoảng 800 triệu đồng, một mình không đủ khả năng, anh Sal rủ thêm 2 người bà con cùng làm.