Các Địa Phương Tăng Cường Phòng Chống Dịch Cúm Gia Cầm

Trước tình hình dịch cúm A/H7N9 tại Trung Quốc đang bùng phát mạnh và hàng loạt dịch cúm A khác: A/H5N1, H1N1, H10N8, H9N2… có chiều hướng gia tăng và tiến sát biên giới Việt Nam. Để đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết nguyên đán, các địa phương đang triển khai cấp bách biện pháp phòng chống, ngăn chặn dịch xâm nhập và bùng phát dịch.
Nhằm tăng cường khống chế dịch cúm gia cầm và tránh lây lan trên diện rộng từ nay đến dịp Tết Nguyên Đán, tỉnh Long An đã ban hành công văn đề nghị các cơ quan chức năng liên quan tăng cường tuyên truyền, phổ biến rộng rãi cho người chăn nuôi về thực hiện chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và tiêm phòng vắc xin Cúm (H5N1); giám sát chặt chẽ tình hình dịch Cúm gia cầm trên địa bàn; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán gia cầm trên địa bàn thực hiện nghiêm túc kiểm dịch tại gốc, đồng thời quản lý chặt chẽ đàn vịt chạy đồng.
Tỉnh Lào Cai cũng vừa yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị chức năng của tỉnh; UBND các huyện, thành phố triển khai tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch cúm gia cầm A/H5N1, H7N9 và H10N8.
Cụ thể, tỉnh yêu cầu các cơ quan chức năng phải kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tại các điểm tập kết, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm, không cho phép mọi hình thức buôn bán, vận chuyển qua biên giới động vật, sản phẩm động vật có khả năng làm lây lan dịch bệnh, không qua kiểm dịch, không rõ nguồn gốc kể cả quà tặng, quà biếu của cư dân biên giới; phát hiện và kiên quyết xử lý tình trạng buôn lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm theo đúng quy định của pháp luật.
Tỉnh Bắc Giang cũng khuyến cáo các hộ chăn nuôi trong tỉnh cần chú ý một số biện pháp phòng dịch bệnh cho gia cầm. Trong đó, tỉnh lưu ý, chăn nuôi phải cách xa khu dân cư theo quy trình khép kín; chủ động tiêm phòng cho đàn gia cầm; xây dựng các lò giết mổ gia cầm tập trung để kiểm soát nguồn gốc và tình hình dịch bệnh của gia cầm, áp dụng dây chuyền giết mổ tự động và đóng gói sản phẩm khi đưa ra tiêu thụ; không buôn bán gia cầm sống tại các chợ và khu vực đông dân cư.
Đồng thời, các hộ chăn nuôi phải tiêm phòng bằng vắc-xin H5N1 cho gà, vịt; bảo đảm trong khẩu phần ăn hằng ngày đầy đủ dưỡng chất để gia cầm tăng cường miễn dịch, giảm nguy cơ nhiễm bệnh; thực hiện các biện pháp nhằm ngăn ngừa sự tiếp xúc của gia cầm nuôi, chim và gia cầm hoang dã, đồng thời ngăn ngừa lây truyền bệnh qua các nhân tố trung gian như thức ăn, nguồn nước, phương tiện vận chuyển, khách tham quan...
Có thể bạn quan tâm

HTX bò sữa Long Tân (xã Long Tân, huyện Dầu Tiếng, Bình Dương) thành lập ngày 6-8-2013, trên cơ sở tổ hợp tác chăn nuôi bò sữa Long Tân. Sau 1 năm thành lập, HTX đã có bước chuyển mình. Đàn bò sữa của HTX hiện có khoảng 420 con, trong đó có 280 con đang cho sữa, thuộc 44 hộ chăn nuôi.

Thay vì chỉ tập trung vào một thị trường Trung Quốc, thời gian gần đây, nhiều hiệp hội, doanh nghiệp, thương lái... ở nhiều lĩnh vực đang tăng tốc chủ động lên những kế hoạch khá bài bản để mở rộng sang những thị trường khác.

Thời tiết nắng, mưa xen kẽ như hiện nay là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại sâu bệnh phát triển trên cây mía. Hiện toàn tỉnh Hậu Giang đã ghi nhận hơn 180ha mía bị nhiễm sâu bệnh, do đó để hạn chế diện tích lây lan và đảm bảo vụ mía đạt thắng lợi thì công tác phòng, chống sâu bệnh đang là vấn đề cần quan tâm hiện nay.

Mỗi năm, ĐBSCL có khoảng 23 triệu tấn rơm, 4,6 triệu tấn trấu và 2,3 triệu tấn cám được thải ra trong quá trình sản xuất, chế biến gạo. Tuy nhiên, chỉ phần nhỏ phụ phẩm này được tận dụng trồng nấm, làm thức ăn gia súc, còn lại nông dân thường bỏ đi, lãng phí tiền tỷ mỗi năm.

Không chỉ hỗ trợ nâng cao chất lượng cá ngừ đại dương, Công ty Kato Hitoshi General (Nhật Bản) còn cam kết giúp ngư dân Bình Định xuất khẩu sang thị trường Châu Âu, Mỹ.