Các Địa Phương Đẩy Mạnh Chương Trình Tái Canh Cà Phê

Thực hiện chương trình tái canh cà phê, hiện nay, các cấp chính quyền và người dân địa phương đang triển khai trồng thay thế giống mới hoặc ghép giống mới, nhằm “trẻ hóa” vườn cây.
Tại huyện Đắk Mil, đến đầu tháng 7, địa phương đã hoàn thành việc cấp giống hơn 130.000 cây giống gồm cây ghép và cây cà phê con cho các hộ gia đình.
Trước đó, khi chưa bắt đầu mùa mưa, ngành nông nghiệp huyện cũng đã tổ chức các lớp tập huấn về quy trình, kỹ thuật tái canh cho bà con và cử cán bộ chuyên môn xuống từng địa bàn hướng dẫn, theo dõi việc tái canh của mỗi xã, thị trấn.
Theo UBND xã Đức Minh thì mùa mưa năm nay, bà con trên địa bàn đã nhận được trên 18.300 cây giống để trồng trên diện tích 18,3 ha. Hiện nay, nhiều người dân đã xuống giống, cây bén rễ, xanh trở lại và phát triển, chưa có biểu hiện nào của sâu bệnh. Để đẩy nhanh chương trình, xã vận động bà con triển khai việc tái canh theo từng phần.
Anh Cao Vương Tâm ở thôn Vinh Đức, xã Đức Minh cho biết: “Năm nay, tôi tiến hành tái canh gần 1 ha với 900 cây giống được cấp. Theo sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, tôi đã tiến hành các bước như cày xới, phơi đất để tiêu diệt bớt mầm bệnh, nhổ bỏ và tiêu hủy đúng cách những cây bị bệnh nhằm hạn chế các bệnh lây lan từ rễ cây”.
Ông Lê Văn Điệp, Trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện cho rằng: “Đắk Mil đã huy động được sự vào cuộc của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thu mua, chế biến cà phê có tiếng của Việt Nam vào cuộc, giúp nông dân nâng tầm cho sản phẩm.
Cụ thể như năm nay, với hàng trăm ngàn cây giống nhưng tính ra nhà nông chỉ bỏ 50% chi phí, còn lại đều được Công ty Nétle hỗ trợ. Việc tái canh này sẽ làm tiền đề cho sự hợp tác giữa doanh nghiệp và người dân trong cả quá trình chăm sóc, thu hái, bảo quản, chế biến theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm sau này”.
Tương tự, tại Đắk Glong, UBND huyện đã giao cho Phòng Nông nghiệp - PTNT gieo ươm 120 kg hạt giống cà phê vối lai đa dòng TRS1, do Sở Nông nghiệp - PTNT cấp thông qua chương trình hỗ trợ cây giống cà phê tái canh của Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam.
Hiện nay, huyện đã có 277 hộ dân, trong đó có 183 hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã gồm Đắk Som, Quảng Khê, Đắk Ha, Đắk R’măng, Quảng Hòa đã được cấp 121.000 cây giống để tái canh 110 ha. Theo ông Nguyễn Hiền, Trưởng Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện thì cây giống trước khi cấp phát cho dân được theo dõi, kiểm tra và đánh giá chất lượng của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh.
Theo đó, cà phê sau hơn 6 tháng xử lý hạt và gieo ươm cây có chiều cao đạt từ 25-30 cm, kích thước bầu 12 x 24 cm, có 5 cặp lá, rễ trắng đều, không bị tuyến trùng và các loại sâu bệnh hại.
Cà phê đưa ra khỏi vườn ươm đảm bảo tiêu chuẩn cây giống đã tạo niềm tin cho bà con nông dân, đồng thời là tiền đề giúp người dân tái canh có hiệu quả. Ở các địa phương còn lại như Krông Nô, Chư Jút, Đắk R’lấp, thị xã Gia Nghĩa, thời gian này, bà con cũng đã và đang tiến hành việc tái canh nhiều diện tích cà phê.
Theo Sở Nông nghiệp-PTNT thì rút kinh nghiệm từ những năm trước, năm nay, việc nhận hạt rồi ươm giống được các địa phương tiến hành sớm hơn so với mọi năm nên khi cấp giống cho bà con đều đảm bảo trồng đúng thời vụ.
Qua đánh giá sơ bộ, chất lượng cây giống cũng được nâng cao, cộng với việc ngành nông nghiệp, chính quyền các địa phương tích cực giúp nông dân tiến hành các bước về chuẩn bị đất đai, vật tư, kỹ thuật xuống giống, chăm sóc nên chắc chắn hiệu quả tái canh sẽ bền vững.
Có thể bạn quan tâm

Mặc dù mô hình nuôi ba ba còn khá mới đối với nông dân huyện Mỹ Xuyên, thế nhưng gia đình ông Thái Văn Quận, ở ấp Hòa Lời, xã Ngọc Đông đã tiên phong nuôi thử nghiệm mô hình này và hiệu quả rất cao, ước tính thu hoạch đợt này trên 200 triệu đồng.

Hiện sản phẩm từ sắn (khoai mì) và tinh bột khoai mì của Việt Nam đã đạt tiêu chuẩn thế giới và đáp ứng được yêu cầu của nhiều thị trường khó tính. Vì thế, nếu có chiến lược đúng đắn, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp này có thể đạt 2 tỉ đô la Mỹ.

Trong những năm qua, nuôi trồng thủy sản được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện Bình Đại (Bến Tre), trong đó nghề nuôi tôm biển, nhất là hình thức nuôi thâm canh và bán thâm canh.

Diễn biến này đầy bất ngờ và hoàn toàn bất lợi cho các nhà xuất khẩu (XK) VN, khiến cánh cửa XK cá tra, ba sa vào thị trường Mỹ của các công ty VN sẽ gần như khép lại hoàn toàn. Nếu mức thuế trên chính thức có hiệu lực, các DN XK cá sẽ phải nộp ký quỹ theo mức thuế mới, chưa kể phải đóng bù mức thuế chênh lệch cho những lô hàng đã XK trong giai đoạn từ 1.8.2010 đến 31.7.2011.

Chị Lệ, một tiểu thương mua bán cá tại chợ Mỹ Long (TP. Long Xuyên - An Giang) vừa mua con cá mè vinh nặng 10 kg, dài 50 cm, bề hoành 30 cm của một ngư dân mới đánh bắt được.