Cá Trê Vàng Hốt Bạc

Sau khi thất bại với con cá rô đầu vuông, anh Phan Văn Khiêm, ở ấp Hòa Bình, thị trấn Kinh Cùng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang chọn nuôi cá trê vàng và bước đầu đã mang lại hiệu quả.
Chọn nuôi cá trê vàng cách nay khoảng 4 tháng, nhưng anh Phan Văn Khiêm đã thu về khoản lợi nhuận trên 80 triệu đồng từ tiền bán cá giống. Hiện tại, anh đang thả nuôi 2 ao cá thịt với gần 40.000 con, diện tích 2.300 m2 mặt nước. Trong đó, ao cá lớn đã đến thời điểm thu hoạch, ước sản lượng khoảng 3 tấn cá. Hiện giá cá trê vàng trên thị trường được các thương lái thu mua là 40.000 đồng/kg. Theo tính toán, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận mang về từ ao cá khoảng 70 triệu đồng. Anh Khiêm vui vẻ cho biết: “Sau thất bại của lần nuôi cá rô đầu vuông trước đó, tôi quyết định đầu tư để nuôi thử con cá trê vàng.
Do lần đầu ít kinh nghiệm nên cũng hơi lo, nhưng con cá trê vàng rất dễ nuôi nên đợt cá này trúng đậm”. Theo anh Khiêm, thời gian qua, nhờ thường xuyên tham gia các lớp tập huấn, học cách ương cá giống do địa phương tổ chức nên anh cũng biết cách tự nhân giống một số loại cá. Nhờ có sẵn kinh nghiệm ương cá giống nên tìm đến các cơ sở ương cá giống để mua cá bột về ương nhằm giảm chi phí đầu tư mua con giống để vừa phục vụ cho việc nuôi cá của gia đình và bán con giống ra thị trường.
Anh Khiêm cho biết thêm: Con cá trê vàng rất dễ nuôi. Trong thời gian 2 tháng, nếu cho ăn đầy đủ thì cá sẽ cho thu hoạch. So với nuôi cá rô thì chi phí đầu tư nhẹ hơn rất nhiều do ít tốn thức ăn. Trung bình để có 1 kg cá thịt chỉ tiêu tốn khoảng 1,2 kg thức ăn, trong khi cá rô phải đến 1,5 kg thức ăn. Bên cạnh đó, do cá trê vàng thích hợp với nước ao tù, nên người nuôi không phải thay nước nhiều lần hay bón vôi xử lý ao… nên chi phí đầu tư giảm đi rất nhiều. Ngoài ra, giá cá trê vàng ít bị biến động, đặc biệt vào mùa khô, cá khan hiếm, có lúc thương lái vào tận ao thu mua tới 60.000 - 70.000 đồng/kg. Tuy nhiên, đầu ra của cá trê vàng còn nhiều khó khăn do chỉ bán cho thương lái tại các chợ để tiêu thụ nội địa, số lượng mỗi lần thu mua tối đa chỉ một vài tấn sẽ gây khó cho người nuôi với số lượng lớn.
Ông Trần Thanh Hoàng, Chủ tịch UBND thị trấn Kinh Cùng, cho biết: Cây lúa luôn chiếm vị trí chủ đạo tại địa phương, nhưng những năm qua, thị trấn cũng phát triển thêm nghề nuôi thủy sản. Hiện tại, toàn thị trấn có khoảng 30 ha diện tích ao nuôi cá các loại. Đã có rất nhiều hộ gia đình trên địa bàn đạt mức lợi nhuận trên 50 triệu đồng/năm nhờ nuôi thủy sản. Thời gian tới, địa phương tiếp tục tăng cường mở các lớp chuyển giao kỹ thuật, tập huấn về chăn nuôi, trồng trọt ngắn hạn để người dân có điều kiện áp dụng vào sản xuất, góp phần tăng thêm lợi nhuận, cải thiện kinh tế hộ gia đình…
Có thể bạn quan tâm

Thực hiện Đề án chuỗi giá trị sản xuất tôm càng xanh tỉnh An Giang giai đoạn 2013-2015 (do Sở Công thương chủ trì), Trung tâm Giống thủy sản tỉnh đã khảo sát và thống kê các hộ đăng ký tham gia chuỗi giá trị, với tổng diện tích 41,7 héc-ta, năng lực cung cấp 50,04 tấn/năm.

Vài năm gần đây anh Huỳnh Văn Hạnh ở ấp Mỹ Bình, xã Mỹ Hạnh Đông (Cai Lậy - Tiền Giang) đã thành công với mô hình nuôi cá lóc trong vèo, góp phần nâng cao mức sống gia đình.

Được giao khoán 10 ha, những năm qua, bên cạnh trồng và bảo vệ rừng khoảng 70% diện tích, số còn lại 30% nằm trong diện được phép canh tác, ông Huỳnh Văn Sen ở ấp Thuận Tạo, xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi, đã bố trí sản xuất đa cây, đa con hiệu quả.

Những ngày qua, người dân ở xã Phổ Thạnh (Đức Phổ - Quảng Ngãi) “đứng ngồi không yên” vì thủy sản chết hàng loạt tại khu vực bùng binh đồng Cù Lao, nằm cạnh đầm nước mặn và đồng muối Sa Huỳnh.

Thực hiện nội dung đột phá “Nhà sạch-vườn đẹp và làm đường giao thông nông thôn” trong Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) của huyện Quản Bạ trong năm 2013, xã Quyết Tiến đã chọn thôn Vĩnh Tiến thực hiện làm điểm. Sau 6 tháng triển khai, đến nay đã có 48/48 hộ gia đình của thôn đạt tiêu chí “Nhà sạch - vườn đẹp”.