Cá Tra Xuất Khẩu Tăng, Còn Diện Tích Nuôi Lại Giảm

Xuất khẩu phục hồi, giá cá tra nguyên liệu tăng trở lại trong hơn một tháng qua, nhưng người nuôi cá tra tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn rất dè chừng, không dám đầu tư khôi phục sản xuất.
Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), kết thúc quí 1-2014, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt 1,65 tỉ đô la Mỹ, tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, xuất khẩu cá tra đạt 409 triệu đô la Mỹ, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhờ xuất khẩu tăng nên giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL trong những tháng đầu năm nay nhìn chung cũng tăng theo. Đặc biệt, từ tháng 3-2014 đến nay, giá cá tra liên tục tăng mạnh và hiện dao động ở mức giá 24.500-26.000 đồng/kg (tùy chất lượng).
Theo ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm HTX nuôi cá tra Thới An, quận Ô Môn, TP. Cần Thơ, với giá bán như trên, sau khi trừ đi các khoản chi phí đầu tư như giống, thức ăn, nhân công…, người nuôi còn lãi khoảng 2.000-3.000 đồng/kg.
Dù tình hình xuất khẩu, giá nguyên liệu diễn biến theo hướng có lợi cho người nông dân nhưng diện tích nuôi cá tra ở ĐBSCL vẫn tiếp tục sụt giảm do mức độ rủi ro cao, người nuôi ngại tái đầu tư sản xuất.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến cuối tháng 4-2014, diện tích, sản lượng cá tra ở nhiều tỉnh ĐBSCL tiếp tục giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, tại Vĩnh Long, diện tích nuôi đạt 419 héc ta với sản lượng 30.400 tấn, lần lượt giảm 3,6% về diện tích và 27,8% về sản lượng so với cùng kỳ năm ngoái; tại An Giang diện tích nuôi giảm 38,9% (đạt 476 héc ta), sản lượng thu hoạch giảm 30,8% (đạt 45.689 tấn) so với cùng kỳ năm ngoái…
Lý giải nguyên nhân khiến diện tích nuôi sụt giảm, ông Hải cho biết: “Một phần do những hộ nuôi nhỏ thua lỗ trước đây đã hết vốn tái đầu tư sản xuất, còn với những hộ có khả năng thì họ cho rằng đợt tăng giá lần này vẫn chưa bền vững nên chưa dám thả nuôi”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Nguyên, Chủ nhiệm HTX nuôi cá tra huyện Châu Phú, An Giang, là thành viên của Hiệp hội thủy sản An Giang (AFA) giải thích, chủ trương cho vay ưu đãi với lãi suất 8%/năm vẫn chưa đến tay người nông dân hay chính sách khoanh nợ, tái cấp vốn cho hộ nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã nuôi cá tra (có phương án làm ăn hiệu quả) chưa được hệ thống ngân hàng triển khai quyết liệt nên họ không tiếp cận được nguồn vốn để đầu tư thả nuôi trở lại.
Theo ông Nguyên, phần diện tích nuôi đang được duy trì chủ yếu là do doanh nghiệp tự đầu tư hoặc doanh nghiệp liên kết đầu tư với nông dân. “Còn hộ nuôi nhỏ lẻ hầu như đã rệu rã vì thua lỗ hết rồi”, ông nói.
Theo VASEP, trong quí 1-2014, xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã mở rộng được thêm 11 thị trường mới, nâng tổng số thị trường xuất khẩu thủy sản của Việt Nam là 146 so với con số 135 của cùng kỳ năm ngoái.
Mỹ, Nhật Bản và EU là ba thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm 56% tổng kim ngạch xuất khẩu trong quí 1-2014.
Có thể bạn quan tâm

Nhằm tận dụng diện tích đất và thời gian nông nhàn, giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng lợi nhuận trên cùng diện tích đất, vừa qua, UBND thị trấn Lai Vung (Đồng Tháp) đã thông qua mô hình trồng xen canh cây dưa lê giữa hai vụ lúa, đồng thời tổ chức cho nông dân trên địa bàn đi tham quan, học tập mô hình trồng dưa lê tại tỉnh Tiền Giang.

Nuôi gà trên đệm lót sinh học có nhiều ưu điểm: hạn chế mùi hôi, ô nhiễm môi trường, các bệnh về đường ruột và hô hấp trên gà, hạn chế lây truyền dịch bệnh, ít tốn công chăm sóc… Phú Mỹ là xã điển hình của huyện Mỏ Cày Bắc (Bến Tre) đã thử nghiệm hiệu quả và đang nhân rộng mô hình này.

Vụ mùa năm 2013, Công ty cổ phần Công nghệ nông nghiệp xanh (Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội) hỗ trợ 10/13 huyện, Thành phố của tỉnh (trừ Bảo Lạc, Bảo Lâm, Hạ Lang) xây dựng 40 mô hình sản xuất lúa, ngô sử dụng phân viên nén nhả chậm.

Trên bờ biển phía đông Thái Lan, có các ao, hồ, kênh xen kẽ rừng ngập mặn dọc theo kênh dẫn từ sông Rayong; gần đó có 5 trang trại nuôi tôm của nhóm nông dân ở Neonpra.

Trước nay, nhiều hộ dân trồng rau màu ở Đức Trọng đã phải chịu cảnh “Được mùa rớt giá, được giá mất mùa” và thường bị thương lái ép giá với những lý do về chất lượng sản phẩm. Từ khi áp dụng sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, chất lượng sản phẩm được đảm bảo, đầu ra ổn định và kinh phí đầu tư cũng giảm.