Cá Tra Nguyên Liệu Có Xu Hướng Tăng Giá

Ông Nguyễn Văn Đời, nông dân nuôi cá tra ở ấp Tân An, xã Tân Phong, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) cho biết, sau thời gian dài nằm ở mức dưới giá thành sản xuất, tuần qua giá cá tra đã tăng thêm 1.000 đồng/kg giúp nông dân nuôi cá vượt qua ngưỡng thua lỗ, bắt đầu có lời.
Hiện nay, cá tra đủ tiêu chuẩn xuất khẩu loại I (thịt trắng, trọng lượng 700 - 850 gam/con) được các doanh nghiệp thu mua tại ao với giá 23.000 - 23.500 đồng/kg (trả tiền sau 1 tháng bắt cá), cá tra chất lượng kém được thu mua với giá thấp hơn 500 - 1.000 đồng/kg.
Theo nhiều nông dân nuôi cá tra ở huyện, đây là mức giá cá tra cao nhất từ đầu năm đến nay được thương lái thu mua. Trước đây gần 2 tháng, có một số thông tin giá cá tra ở một số địa phương thuộc các tỉnh lân cận đã vượt lên mức 24.000 - 24.500 đồng/kg, tuy nhiên, ở huyện chưa có hộ nuôi nào bán được với giá đó mà bán phổ biến ở mức 21.000 - 22.000 đồng/kg.
Theo Chi cục Thủy sản Tiền Giang, hiện nay, giá thành nuôi cá tra bao gồm các chi phí: con giống, thức ăn, hóa chất, thuốc thú y, nhân công,... dao động từ 22.000 - 23.000 đồng (tùy kỹ thuật nuôi), sau khi trừ chi phí nông dân còn lãi 500 - 1.500 đồng/kg. Bình quân mỗi hecta nuôi cá tra ở địa phương này đạt năng suất khoảng 300 tấn/ha, do vậy nếu nông dân thu hoạch cá thời điểm này có thể có lợi nhuận 150 - 450 triệu đồng/ha.
Dù giá cá đã tăng trở lại, nhưng do giá dưới giá thành sản xuất một thời gian dài nên hiện nay gần như các hộ nuôi nhỏ lẻ không có cá để bán. Nguyên nhân là do thua lỗ trong những vụ nuôi trước nên hầu như nông dân nuôi cá thiếu vốn sản xuất. Quan trọng hơn là do giá cá bấp bênh, giá bán cá thấp hơn chi phí nuôi cá nên phần lớn diện tích nuôi cá của nông dân nuôi riêng lẻ phải bỏ ao hay nuôi cầm chừng. Do đó, hoạt động nuôi cá tra trên địa bàn tỉnh hiện nay chủ yếu diễn ra tại vùng nuôi cá nguyên liệu của doanh nghiệp chế biến xuất khẩu.
Theo số liệu thống kê, tổng diện tích ao nuôi cá tra trên địa bàn tỉnh hiện nay khoảng 130 ha. Thời điểm này, diện tích thả nuôi cá tra của doanh nghiệp có nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu là 48,7 ha, chiếm 54,4% tổng diện tích cá tra thả nuôi toàn tỉnh; doanh nghiệp không có nhà máy chế biến là 7,6 ha, chiếm 8,5%; hộ gia đình là 27,7 ha, chiếm 31%; hợp tác xã là 5,5 ha, chiếm 6,1%.
Có thể bạn quan tâm

Theo hiệp hội Mía đường Việt Nam, hiện nay các nhà máy đang gặp rất nhiều khó khăn, phải “ôm” hàng trăm ngàn tấn đường vì thị trường tiêu thụ ế ẩm…

Chăn nuôi gia súc, gia cầm theo trang trại là hình thức sản xuất đang có xu hướng ngày càng phát triển ở tỉnh Ninh Thuận… Nhờ chủ động được nguồn giống, công tác phòng chống dịch bệnh và nguồn thức ăn, nên chăn nuôi theo hình thức trang trại đem lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình là mô hình trang trại chăn nuôi gà “siêu trứng” với hơn 9.000 con của anh Vũ Yên Sơn, ở thôn Suối Giếng (xã Công Hải, Thuận Bắc).

Nhiều hộ dân ở huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) đang có nguồn thu nhập 70- 80 triệu đồng/ha từ vụ màu, chủ yếu trồng dưa hoàng kim, dưa hấu, bí xanh… xen canh trên đất lúa.

Tốt nghiệp ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội, được nhận học bổng và học thạc sĩ tại ĐH Southern Taiwan (Đài Loan), nhưng chàng trai 8X Nguyễn Hoàng Hà đã từ bỏ nhiều cơ hội làm việc ở thành phố để về quê… nuôi lợn.