Cá Tra Khởi Sắc

Không chỉ giá bán tăng, người nuôi bắt đầu có lãi mà xuất khẩu cá tra cũng đang có dấu hiệu khởi sắc khi phục hồi tại thị trường Mỹ
TS Võ Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, cho biết xuất khẩu cá tra từ đầu năm đến nay đạt giá trị hơn 408 triệu USD, tăng 5,17% so với cùng kỳ năm 2013. Đặc biệt, xuất khẩu cá tra sang Mỹ tăng, trong khi thị trường EU có xu hướng giảm.
Vì vậy, Mỹ đã vươn lên dẫn đầu về nhập khẩu cá tra của Việt Nam. Một số thị trường tuy có giảm sản lượng nhập khẩu cá tra phi lê đông lạnh của Việt Nam nhưng lại tăng về giá trị như: Thái Lan, Nhật Bản. Các nước Úc, Thụy Sĩ, Thổ Nhĩ Kỳ nhập khẩu cá tra có dấu hiệu gia tăng. Điều này cho thấy sự phục hồi lòng tin của người tiêu dùng tại các thị trường khó tính này.
Giá cá tra thương phẩm tại ĐBSCL đang có dấu hiệu phục hồi, dao động từ 24.500-25.600 đồng/kg. Theo ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, với giá bán này, người nuôi lãi từ 2.000-3.000 đồng/kg. Khi có lợi nhuận, người nuôi sẽ bắt đầu chú ý đầu tư cho chất lượng sản phẩm.
Tuy nhiên, theo ông Quỳnh, để cá tra không bị làm khó ở nhiều thị trường khó tính như thời gian qua, cần tăng đầu tư chế biến đa dạng thay vì chỉ xuất khẩu cá phi lê đông lạnh. “Tại hội chợ cá được tổ chức ở Bỉ vừa qua, cá tra phi lê nướng được người tiêu dùng tại đây ưa chuộng. Cần tạo nhiều mặt hàng đa dạng để người tiêu dùng lựa chọn vì nhiều khi họ mua cá phi lê về không biết chế biến như thế nào” - ông Quỳnh đề xuất.
Tin vui cho ngành cá tra là mới đây, Chính phủ ban hành nghị định về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra có hiệu lực từ ngày 20-6. Theo đó, đến ngày 31-12-2015, các cơ sở nuôi cá tra thương phẩm phải áp dụng và được chứng nhận thực hành nuôi trồng thủy sản tốt theo VietGAP hoặc chứng chỉ quốc tế phù hợp quy định của pháp luật Việt Nam. Thương nhân xuất khẩu sản phẩm cá tra phải đăng ký hợp đồng xuất khẩu với Hiệp hội Cá tra…
TS Võ Hùng Dũng đánh giá: “Sự ra đời của nghị định này như một thông điệp mạnh mẽ đến với cộng đồng quốc tế rằng Việt Nam đặc biệt quan tâm đến sự phát triển bền vững của ngành cá tra; chú trọng hàng đầu đến vấn đề bảo đảm chất lượng, an toàn từ vùng nuôi đến chế biến xuất khẩu”.
Có thể bạn quan tâm

Theo thông cáo của chính phủ Sri Lanka, việc Nga cho phép Sri Lanka XK thủy sản sang nước này là minh chứng về chất lượng và tiêu chuẩn của sản phẩm thủy sản Sri Lanka cung cấp cho các thị trường quốc tế và cũng cho thấy khả năng đáp ứng các yêu cầu cao trong XK của Sri Lanka.

Theo Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm nay, các DN nước ta đã XK TĂCN và nguyên liệu TĂCN đạt giá trị 205,482 triệu USD, tăng tới 22,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc là nước NK TĂCN và nguyên liệu từ Việt Nam nhiều nhất, với giá trị 62,268 triệu USD.

Tháng 8/2014, kim ngạch XK thủy sản của Ireland sang Trung Quốc (bao gồm cả Hồng Kông) tăng 34% so với cùng kỳ. Trung Quốc là một thị trường quan trọng đối với hải sản Ireland. Mức độ đô thị hóa cao và tầng lớp trung lưu làm tăng nhu cầu thủy sản an toàn, và thuỷ sản Ireland đáp ứng được nhu cầu này.

5 doanh nghiệp bán lẻ lớn của Hà Nội đã ký thỏa thuận hợp tác thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nước mắm mang chỉ dẫn địa lý “Phú Quốc” tại hội thảo “Bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Phú Quốc” cho sản phẩm nước mắm và kinh nghiệm đăng ký ở châu Âu” diễn ra sáng nay (22/7).

Pelagia là công ty thuỷ sản có niêm yết cổ phiếu duy nhất ở Oslo có lợi nhuận tăng trong quý 3. thu nhập trước thuế, lãi vay, khấu hao tài sản (EBITDA) đạt 176,1 triệu NOK, gần gấp 3 lần giá trị 60 triệu NOK của cùng kỳ; trong khi lợi nhuận trước thuế tăng gần gấp đôi từ 75, 4 triệu NOK lên 134 triệu NOK. Doanh thu thuần tăng 30 triệu NOk lên mức 1,331 tỷ NOK.