Cá Tra Đi Vào Nhu Cầu Của Thị Trường

Giá cá tra ở ĐBSCL sau ba tháng giảm, một tháng cầm cự, từ đầu tháng 10/2011 tiếp tục tăng mạnh lên 27.000 đồng/kg cá loại 1 và các nhà máy chế biến xuất khẩu lại trở nên sôi động.
Phó chủ tịch VASEP Dương Ngọc Minh cho biết, 9 tháng đầu năm 2011, kim ngạch xuất khẩu cá tra đã vượt 1,2 tỷ USD. Trong quý 4/2011 đạt thêm khoảng 300 triệu USD, ước tính cả năm vượt mức 1,5 tỷ USD. Như thế, xuất khẩu cá tra tiếp một năm thành công dù trải qua nhiều thăng trầm.
Rõ nhất của ngành sản xuất và kinh doanh cá tra năm 2011 là phải đối mặt với tình trạng biến động nguyên liệu thường xuyên. Tuy nhiên, sự biến động có vẻ khớp với năm 2010 là đầu năm tăng liên tục, cuối quý 2 giảm cho đến đầu quý 3 và tiếp theo lại tăng. Dường như đã lộ ra một quy luật nào đó. Qua biến động, việc xây dựng vùng nguyên liệu tập trung và ổn định, đảm bảo quản lý tốt chất lượng, giảm chi phí đầu vào đã được các doanh nghiệp nỗ lực đầu tư.
Nhiều doanh nghiệp lớn đã có vùng nuôi quy mô. Theo Sở Công thương thành phố Cần Thơ, trong 9 tháng năm 2011, xuất khẩu thủy sản đạt trên 305,1 triệu USD, tăng 9,9% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 35,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của thành phố. Trong đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đã chủ động được 40 - 60% nguyên liệu chế biến cho nhà máy.
Khó khăn từ những rào cản thương mại, kỹ thuật ở các nước nhập khẩu cũng là trở ngại lớn mà doanh nghiệp phải đối mặt. Và đây cũng là những khó khăn tất yếu mà sản xuất và kinh doanh cá tra Việt Nam phải vượt qua, khi đã chiếm thị phần lớn trên nhiều nơi, lấn sân nhiều sản phẩm khác. Việc xử lý trục trặc với một số thị trường để vượt qua các rào cản khá thành công chứng tỏ sự trưởng thành.
Theo lãnh đạo một công ty xuất khẩu thủy sản ở Khu công nghiệp Trà Nóc 2, Cần Thơ, hiện công ty có 2 xưởng sản xuất cá tra fillet, công suất thiết kế 80 tấn sản phẩm/ngày, nhưng chỉ vận hành 50% công suất. Mặc dù đơn vị đã tập trung đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu 40 ha tại Cần Thơ và Hậu Giang phục vụ nhà máy chế biến, nhằm quản lý tốt đầu vào - đầu ra, đảm bảo chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, một doanh nghiệp muốn đứng vững trên thị trường xuất khẩu không chỉ có vùng nguyên liệu là đủ mà còn thực hiện rất nhiều việc khác. Đó là chất lượng hàng hóa và thị trường.
Có một nghịch lý, khi giá cá tra hạ, người nuôi kêu khó bán nhưng doanh nghiệp chế biến lại hoạt động cầm chừng, thậm chí kêu thiếu nguyên liệu. Đó là hậu quả của việc sản xuất và kinh doanh chưa xuất phát từ thị trường, nhất là chưa gặp nhau giữa doanh nghiệp chế biến xuất khẩu với người nuôi. Tại cuộc họp sản xuất và tiêu thụ cá tra vùng ĐBSCL do Bộ NN&PTNT tổ chức ở Cần Thơ cuối tháng 7/2011, trong khi người nuôi kêu khó bán cá tra và còn tồn đọng nhiều thì đại diện VASEP lại nói, đang thiếu nguyên liệu. Đại diện VASEP khẳng định, nếu cá kích cỡ 0,75 kg/con, thịt trắng thì có bao nhiêu mua hết bấy nhiêu. Còn tồn đọng là cá không đạt tiêu chuẩn và quá lứa.
Con cá tra có thịt trắng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường khó tính phải được nuôi bằng thức ăn công nghiệp đủ chuẩn với quy trình kỹ thuật chặt chẽ. Điều này chỉ đạt được bằng phương thức nuôi công nghiệp, được đầu tư lớn; không thể nuôi kiểu "tăng gia cải thiện" của phong trào "xóa đói giảm nghèo". Lại còn kích cỡ cá tra mỗi thị trường yêu cầu có khác nhau. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám chủ trì hội nghị khi đó đã yêu cầu cơ quan chuyên môn nghiên cứu về hiệu quả kinh tế của việc nuôi cá tra, với kích cỡ nào đạt được cao nhất và theo quy trình kỹ thuật như thế nào, để khuyến cáo người nuôi. Nghĩa là nuôi theo quy hoạch và kế hoạch, gắn kết chặt chẽ với chế biến xuất khẩu để chủ động đáp ứng nhu cầu của từng thị trường.
Nuôi cá tra ngày càng đòi hỏi phải nguồn vốn lớn, trong khi sản xuất gặp nhiều rủi ro vì phụ thuộc phần lớn vào thị trường xuất khẩu, đã có tác động tích cực thúc đẩy ngành kinh tế quan trọng này thoát nhanh khỏi tính tự phát. Mấy năm nay, lãnh đạo VASEP luôn đề nghị quy hoạch nuôi cá tra dừng lại ở mức dưới 1 triệu tấn/năm, để tăng chất lượng, tăng giá trị, chủ động hơn trên thị trường và năm 2011 kinh tế thế giới còn suy thoái mà xuất khẩu cá tra vẫn tiến triển có thể thấy sư đúng đắn của hướng đi.
Phó chủ tịch VASEP Dương Ngọc Minh cho biết, từ đầu tháng 9, nhiều nhà nhập khẩu ở thị trường châu Âu đã sang Việt Nam đặt hàng cá tra. Hầu hết, các nhà đặt hàng yêu cầu cá tra loại 0,85 kg/con. Dù còn nhiều khó khăn, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu vẫn đáp ứng, chứng tỏ sản xuất và kinh doanh cá tra Việt Nam đã rất năng động.
Có thể bạn quan tâm

Huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) nằm giữa hai con sông lớn là sông Ninh Cơ và sông Đáy, lại có 12km bờ biển nên thuận lợi cho việc phát triển nuôi thủy sản. Để đẩy mạnh phát triển nuôi thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững, huyện đã chỉ đạo triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, từ quy hoạch vùng sản xuất, xác định cơ cấu con nuôi phù hợp với trình độ thâm canh của các hộ nuôi và đặc điểm tự nhiên của từng vùng.

Vào những năm 1990, phong trào nuôi trăn ở Cà Mau rất phát triển, đem lại thu nhập khá cao và ổn định cho người nuôi. Tuy nhiên, về sau giá trăn bấp bênh, thị trường tiêu thụ yếu, khó bán, có người phải mang trăn con thả vào rừng, nhiều hộ đã nghỉ nuôi hoặc nuôi cầm chừng. Trong 2 năm trở lại đây, phong trào nuôi trăn thịt và trăn đẻ đã phát triển trở lại trên địa bàn tỉnh.

Những năm qua, nhất là từ khi triển khai thực hiện Đề án tôm - lúa, diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến trong huyện Phú Tân (Cà Mau) không ngừng tăng lên. Phát triển nuôi tôm quảng canh cải tiến góp phần đáng kể trong việc tăng sản lượng tôm nuôi, nâng cao thu nhập trên cùng đơn vị diện tích.

Chẳng hiểu do thời tiết hay sâu bệnh mà na Chi Lăng (Lạng Sơn) năm nay ra hoa ít hơn hẳn, thậm chí có diện tích không ra hoa. Bằng biện pháp kỹ thuật, người dân vùng na đã tuốt lá để kích thích cây ra hoa đợt hai, nhưng câu hỏi đặt ra là tại sao lại có hiện tượng bất thường này?

Sau 3 năm triển khai thực hiện “Cánh đồng mẫu lớn”, tổng diện tích lúa đạt trên 10.000 héc-ta của trên 6.400 lượt nông dân tham gia. Kỹ sư Châu Ngọc Thi, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Châu Thành (An Giang) tâm đắc: Mô hình liên kết hợp tác sản xuất và tiêu thụ nông sản cho nông dân mang lại hiệu quả kinh tế cao nên diện tích lúa “Cánh đồng mẫu lớn” đang ngày càng mở rộng.