Cả Thôn Xây Nhà, Sắm Ô Tô Nhờ... Cây Cảnh

Từ việc trồng sanh, si, duối… để phục vụ thú chơi cây, đến nay hàng chục hộ dân ở thôn Thượng Phường, xã Yên Thành (Yên Mô, Ninh Bình) đã trở thành triệu phú, trong đó không ít hộ thu nhập lên tới tiền tỷ.
Thôn Thượng Phường hiện có 165 hộ dân thì có tới trên 80% số hộ trồng và kinh doanh cây cảnh. Là người có thâm niên hơn 30 năm trong nghề, ông Bùi Thiện Toại (80 tuổi) cho biết: Sau khi đất nước giải phóng, làng tôi đã bắt đầu có người trồng sanh, si, duối... nhưng chủ yếu để phục vụ thú chơi cây trong gia đình.
Mãi đến những năm 1990, khi cây cảnh được thị trường ưa chuộng, nhiều người săn tìm mua cây nên dân trong làng mới trồng nhiều hơn để kinh doanh, hộ ít trồng vài cây, hộ nhiều ngót trăm cây.
“Nghề trồng cây cảnh tưởng làm chơi mà ăn thật, cả thôn Thượng Phường giờ đa phần sống bằng nghề trồng và cắt tỉa cây cảnh, nhiều hộ bỏ túi từ vài trăm đến cả tỷ đồng mỗi năm” - ông Toại tự hào nói.
Ông Vũ Đức Thuận – Trưởng thôn Thượng Phường cho biết thêm: “Nhờ làm cây cảnh mà bộ mặt thôn Thượng Phường thay da, đổi thịt. Tỷ lệ hộ nghèo từ hơn 50% vào năm 2005, đến cuối năm 2013 chỉ còn dưới 10%, trong đó một số hộ có thu nhập “khủng” như anh Mai Văn Phú, Vũ Văn Sở, Vũ Văn Hoàn… Càng vinh dự hơn khi làng nghề làm cây cảnh Thượng Phường có anh Bùi Thanh Khiết và Bùi Văn Bạch được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân sinh vật cảnh”.
Trò chuyện với phóng viên, Nghệ nhân sinh vật cảnh Bùi Thanh Khiết tâm sự: Sau gần chục năm đầu tư vào nghề làm cây cảnh, gia đình tôi không chỉ xây được nhà khang trang, nuôi con ăn học đầy đủ mà còn mua được ô tô. Dù những năm gần đây, thị trường cây cảnh không “sốt” như trước nữa, nhưng không vì thế mà cây cảnh mất đi giá trị, ngược lại, cây đẹp vẫn luôn “cháy” hàng.
“Hiện nay cây sanh, hoa giấy, duối là những loại cây cảnh chủ lực ở Thượng Phường, do vừa dễ nhân giống, dễ trồng, giá cả vừa phải nên cũng dễ bán. Không chỉ tiêu thụ mạnh ở địa bàn trong tỉnh, mà cây cảnh Thượng Phường còn được khách hàng từ Bắc chí Nam biết tới, nhờ những lần đem cây đi giới thiệu ở các triển lãm sinh vật cảnh” - anh Khiết nói thêm.
Ngoài nghề trồng cây cảnh, ở Thượng Phường còn có nghề cắt, tỉa thuê cũng rất phát triển. Ông Vũ Đức Thuận cho biết, trước nhu cầu lớn của thị trường, người trồng và chơi cây ngày càng nhiều nên ngoài việc làm cây ở hộ gia đình, một số hộ còn cầm kéo đi khắp nơi cắt tỉa thuê cây cảnh. Tùy vào tay nghề, mỗi người cũng đút túi từ vài trăm ngàn đến tiền triệu mỗi ngày.
Có thể bạn quan tâm
Tận dụng diện tích đất trống sau khai thác, trước khi chờ thời gian trồng vụ tràm mới, nhiều hộ dân trên lâm phần rừng tràm U Minh Hạ (Cà Mau) trồng vụ lúa thần nông (gọi là vụ lúa lỡ) để kiếm thêm thu nhập, hiện lúa đã đến ngày thu hoạch.

Từ lâu hành tăm đã là cây trồng truyền thống của nông dân Nghi Lâm (Nghi Lộc, Nghệ An) nhưng nay hành tăm đang là cây trồng cho thu nhập cao nhất trong vụ đông ở đây, đạt trên 200 triệu đồng/ha.

Huyện Càng Long, Tiểu Cần, Cầu Kè đang bước vào thu hoạch lúa thu đông sớm 2015. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh, đến nay nông dân các địa phương đã thu hoạch khoảng 15.000 ha, đạt 17% diện tích xuống giống, năng suất trung bình 5,29 tấn/ha.

Những năm qua, nhờ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp nên kinh tế nhiều hộ nông dân ở huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước trở nên khá hơn.

Sản xuất thanh long đóng một vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn của tỉnh Bình Thuận; là mặt hàng xuất khẩu chiến lược của trái cây Bình Thuận.