Cá sông Đà

Ông Nguyễn Thành Viên ở TP Hòa Bình là con người quảng giao, nhiều bạn bè, đam mê với cá sông Đà từ nhỏ. Ông kể: Trải nghiệm vùng hồ, thưởng thức cá sông Đà đã trở thành niềm đam mê và nhu cầu của biết bao người. Tìm kiếm, săn lùng cá sông Đà, đắt mấy cũng mua là nhu cầu của những người “sành” ăn.
Có người rình phục tận thượng nguồn Đồng Nghê, Suối Nánh, Ngòi Hoa, Vầy Nưa (Hòa Bình), Tạ Bú, Phù Yên (Sơn La) tìm mua những chú cá mè, cá trắm nặng hàng chục cân để đãi khách. Có người mải mê săn lùng cá quất, cá lăng của dân làng chài mới đánh bắt mua về không kể ngày đêm...
Cũng là hấp bia, om dưa nhưng cá trắm, chép, trôi sông Đà ngon bậc nhất. Cá chắc thịt, ít mỡ, thơm và sạch. Cá chiên, lăng, quất, lươn, trạch là đặc sản. Ba ba sông Đà trú trong hang hốc, chỉ cần hơn 1 kg chế biến các món thông thường sẽ “tuyệt đỉnh” hơn các loại ba ba nơi khác.
Ngay cả những loại các phổ thông trên sông Đà như mương, măng, chầy, thiểu, vền dễ tìm, dễ bắt cũng hết sức hấp dẫn. Mương cỡ 1 lạng, sắt thành hai lát làm gỏi, trộn thính, gói thưởng thức thì không thể quên được. Rồi cá vền, thiểu, chày, măng tẩm ướp, sấy khô giờ đã trở thành quà của Hòa Bình biếu bạn bè mọi phương.
Các loại cá như anh vũ, lăng, chiên, lươn, chạch sông đang trở thành món ăn đặc sản làm nên thương hiệu “Cá sông Đà”. Đặc biệt một số bộ phận của cá sông Đà có giá trị dinh dưỡng, vừa có giá trị chữa bệnh như cá trê, diếc, lươn. Cá chép sông Đà dưới 1 kg bồi bổ phụ nữ thời kỳ mang thai vừa lành, vừa sạch và giàu dinh dưỡng...
Hồ Hòa Bình có tổng diện tích mặt nước 16.800 ha, địa phận tỉnh ta có 8.900 ha thuộc 19 xã của 4 huyện Đà Bắc, Mai Châu, Cao Phong, Tân Lạc và TPHB. Dung tích hồ chứa 9 tỷ m3 nước được coi là kho tàng quý về thủy, sinh vật và nguồn lợi thủy sản của vùng Tây Bắc.
Qua một số đề tài khoa học được nghiên cứu những năm gần đây, các khu vực sông Đà hiện có tới 174 loài cá, thuộc 85 giống, 19 họ, 6 bộ. Trong đó, bộ cá chép có thành phần phong phú nhất với 123 loài thuộc 59 giống, chiếm 70,6% tổng loài. Tiếp đến là bộ cá nheo với 28 loài thuộc 12 giống, chiếm 16% tổng số loài.
Đặc biệt có 19 loài có giá trị kinh tế cao, 8 loài cá quý được ghi trong sách đỏ Việt Nam, trong đó có cá chiên, anh vũ, lăng, dầm xanh. Khu vực sông Đà có 13 loài cá nuôi có vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế của nhân dân gồm: trắm cỏ, mè trắng, chép, trôi, rô phi, trê lai, mè hoa, trắm đen, chày mắt đỏ, chiên, măng, tầm Siberi, hồi vân.
Trong đó cá tầm và hồi vân được nhập từ các vùng ôn đới, trong những năm gần đây được nuôi thử nghiệm và có kết quả khả quan, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, cá trê lai và trắm đen đã được phát triển theo hình thức nuôi lồng tại xã Hiền Lương và khu vực Suối Rút cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Hoàng Văn Son, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết: Tận dụng tiềm năng vùng hồ sông Đà, tỉnh đang triển khai thực hiện một số giải pháp phát triển và bảo vệ nguồn lợi thủy sản bền vững, hỗ trợ người dân, các tổ chức, cá nhân phát triển nghề cá, trong đó sẽ thực hiện xây dựng sản phẩm thương hiệu một số loài cá sông Đà đặc trưng như chiên, lăng, quất... gắn với phát triển du lịch tạo điều kiện cải thiện đời sống bà con vùng hồ Hòa Bình.
Có thể bạn quan tâm

Giữa cánh đồng rau xanh của người dân ở thôn Giãn Dân, xã Lạc Xuân, Đơn Dương là trang trại chăn nuôi bò sữa của anh Nguyễn Hữu Tuấn. Với quy mô nuôi hơn 100 bò sữa, anh Nguyễn Hữu Tuấn được mệnh danh là “Vua bò sữa” ở xứ rau Đơn Dương.

Trao đổi với chúng tôi, TS Phạm Quý Hiệp, Viện trưởng Viện Nghiên cứu hỗ trợ phát triển nông thôn, Hội Khoa học Đông Nam Á thừa nhận một thực tế đáng lo ngại với gạo Việt Nam trong khi người dân vốn đã chán ruộng, tìm đường sinh sống khác.

Nguyên nhân do thời tiết khắc nghiệt tại các nước sản xuất lương thực và cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine, quốc gia xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới.

Tính bình quân 1 sào thu 1,5 tấn dưa, 1 ha thu 15 tấn thì 140 ha sẽ có 2.100 tấn dưa nên sắp tới, dưa sẽ tràn các ngõ ngách của Đức Linh, nếu như khâu tiêu thụ bị ứ đọng.

Ở xã Lát và thị trấn Lạc Dương được vốn Nhà nước hỗ trợ 30%, hộ nông dân đối ứng vốn 70% để chuyển đổi các giống vật nuôi mới gồm: 10 con bò cái sinh sản cho 10 hộ (đơn giá 26 triệu đồng/con); 9 con trâu cái cho 9 hộ (đơn giá 28 triệu đồng/con); 23 con heo nái hậu bị cho 23 hộ (đơn giá 7 triệu đồng/con).