Cá ruộng chờ giá và nước lũ

Năm 2015, nông dân huyện Cờ Đỏ đã thả nuôi hơn 4.500ha cá ruộng.
Nhưng năm nay nước lũ về chậm, thậm chí thấp hơn nhiều so với mọi năm, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cá.
Không chỉ vậy, giá cá cũng đang giảm khiến nhiều nông dân lo lắng.
Đón mùa nước lũ, ông Trần Văn Trí ở ấp 1, xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ thả nuôi 70kg cá chép, 80kg cá mè trắng trên 30 công đất của gia đình với tổng chi phí hơn 12 triệu đồng.
Đã 7 năm nuôi cá ruộng, nhưng chưa năm nào ông Trí thấy khó như năm nay bởi nước lũ về thấp khó đảm bảo cho cá sinh trưởng và phát triển.
Gần 2 tháng qua, ngày nào ông cũng phải canh mực nước trên đồng và tốn gần 1 triệu đồng để bơm nước vào ruộng.
Không những vậy, tỷ lệ cá chết cao, còn cá sống chẳng lớn được bao nhiêu.
Theo ông Trí, thời điểm này mấy năm trước, nước lũ về nhiều, mang lượng thức ăn dồi dào, giúp cá phát triển nhanh, nhờ đó, sản lượng cá cũng tăng.
Để tránh thu hoạch rộ, nên vào khoảng đầu tháng 9 Âm lịch, gia đình ông bắt đầu thu hoạch cá.
Năm trước, 30 công đất nuôi cá ruộng đạt sản lượng trên 4 tấn, thương lái thu mua giá cao (cá chép 20.000 đồng/kg, cá mè là 11.000 đồng/kg) đem lại nguồn thu đáng kể cho gia đình ông.
Nhưng hiện nay, giá cá đang có xu hướng sụt giảm.
Ông Trí lo lắng nói: "Hiện nay, một số nông dân đã bán cá rồi nhưng giá thấp lắm.
Cá chép chỉ khoảng 15.000 đồng/kg, cá mè trắng chỉ có 8.000 đồng/kg.
Nước lũ ít, cá nuôi không lớn, sản lượng lại thấp nên dễ bị thương lái ép giá.
Năm nay, nuôi cá ruộng phá huề là mừng rồi!".
Ông Trần Văn Trí ở ấp 1, xã Thạnh Phú kiểm tra mực nước trên đồng, để kịp thời bơm nước vào ruộng.
Lo thương lái ép giá nên dự kiến khoảng cuối tháng 9 âm lịch gia đình bà Phạm Thị Phượng Liên ở ấp 1, xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ mới thu hoạch cá.
Bà Liên cho biết: Nhận thấy mô hình nuôi cá ruộng cho nguồn thu nhập khá ổn định, có thêm chi phí trang trải cho cuộc sống trong mùa lũ và chuẩn bị cho vụ lúa đông xuân nên 3 năm qua, sau khi thu hoạch lúa hè thu, gia đình bà tìm mua cá giống để thả nuôi trên 30 công đất lúa của gia đình.
Năm nay, bà tiếp tục đầu tư hơn 11 triệu đồng thả nuôi 150kg cá chép và cá mè trắng.
"Mỗi khi trời nắng nóng tôi rất sợ vì cá cứ nổi đầu.
Lúc cá nhỏ không sao, nhưng cá lớn dễ bị chết.
Từ sáng sớm cá nổi đầu cho đến chiều tối mới ăn được nên cá chậm lớn.
Hy vọng đến khi thu hoạch giá cá bằng với cùng kỳ năm ngoái" – bà Liên cho biết.
Năm 2015, nông dân huyện Cờ Đỏ đã thả nuôi hơn 4.500 ha cá ruộng.
Do năm nay, nước lũ về chậm và thấp hơn nhiều so với mọi năm, làm giảm đi lượng thức ăn.
Thêm vào đó, năm nay mưa ít, nhiệt độ không khí tăng, ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cá.
Trước tình hình này, bà Trần Thị Nhung Em, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cờ Đỏ, khuyến cáo:
"Hiện nay, mực nước lũ vẫn ở mức thấp, bà con nông dân cần chủ động bơm nước vào ruộng để cá đủ nước phát triển, cũng như bổ sung lượng thức ăn cho cá, để cá đủ chất dinh dưỡng, đảm bảo sản lượng khi thu hoạch.
Tránh tình trạng rớt giá vào thời điểm thu hoạch rộ, bà con nông dân nên chủ động ao trữ cá, chờ giá cao để đảm bảo lợi nhuận".
Có thể bạn quan tâm

Theo các chủ tàu cá trên địa bàn tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, hiện nay lượng cá sau khi đánh bắt vẫn còn phải bảo quản theo phương pháp truyền thống nên khả năng giữ lạnh thấp, ảnh hưởng đến chất lượng và giá thành sản phẩm. Muốn khắc phục những hạn chế trên, cần áp dụng công nghệ và quy trình tiên tiến để bảo quản sản phẩm trên tàu cá.

Diện tích trồng cây thanh long đang phát triển với tốc độ nhanh, tự phát, không theo quy hoạch, đã làm phát sinh nhiều bất cập trong tổ chức, quản lý điều hành, chỉ đạo sản xuất, gây nhiều khó khăn trong việc bảo vệ đất trồng lúa và các loại cây trồng đặc sản truyền thống khác. Nếu không có các giải pháp đồng bộ, kiên quyết sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường...

Hiện nay, an toàn vệ sinh thực phẩm đang trở thành vấn đề bức xúc của xã hội. Vì vậy, từ năm 2008 đến nay, Sở NN&PTNT Hà Nội đã hỗ trợ nhiều chương trình xây dựng thực phẩm sạch nhằm phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Nuôi tôm hùm lồng trên biển ở Việt Nam đã bắt đầu từ những năm 90 của thế kỷ XX và phát triển mạnh từ năm 2000 cho đến nay. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển đó, cần phải có sự quản lý và quy hoạch một cách hợp lý nhằm đưa nghề nuôi có giá trị kinh tế cao này hướng đến sự phát triển một cách bền vững.

Trong những năm qua, ngành chăn nuôi nói chung, chăn nuôi lợn nói riêng của tỉnh Hưng Yên ngày càng phát triển mạnh, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu ngành nông nghiệp, đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân, đóng góp vào sự phát triển kinh tế địa phương.