Cà phê Việt Nam trước sức ép giảm giá của Brazil

Theo ước tính của Hiệp hội cà phê - Ca cao (Vicofa) sản lượng cà phê niên vụ 2014 - 2015 giảm tới 20%, giá cà phê hiện đang xuống thấp nhất trong vòng mấy năm qua.
Cụ thể, tại thị trường trong nước, giá cà phê hồi đầu vụ ở mức 41.000 đồng/kg và xuất khẩu bán giá FOB (HCM) ở mức trên 2.000 USD/tấn.
Sau đó, giá liên tục giảm, mặc dù có phục hồi nhưng cũng không lên mạnh. Giảm mạnh nhất là tháng 8 với 36.500 đồng/kg cà phê nhân xô và FOB (HCM) chỉ ở mức 1.723 USD/tấn, lần lượt giảm 7,4% và 12,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về tình hình xuất khẩu, do sản lượng cà phê Việt Nam đang ở mức thấp, 8 tháng đầu năm 2015 lượng xuất khẩu chỉ đạt 873.493 tấn với kim ngạch đạt 1 tỷ 795 triệu USD, giảm 29% về lượng và giảm 29,4% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, dự kiến lượng xuất khẩu 11 tháng đầu niên vụ 2014 - 2015 chỉ đạt 1.168.816 tấn với kim ngạch đạt 2 tỷ 455 triệu USD, giảm 22,3% về lượng và giảm 19,8% về kim ngạch so với cùng kỳ vụ trước.
Dự kiến cả niên vụ 2014 - 2015 Việt Nam chỉ xuất khẩu được khoảng trên 1,2 triệu tấn, giảm tới 22% so với niên vụ 2013 - 2014 và giảm 12% so với niên vụ 2012 - 2013.
Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam cho hay, sản xuất cà phê giảm, giá giảm mạnh đã khiến cho doanh nghiệp xuất khẩu và người trồng cà phê bị thua lỗ lớn. Hiện nay, một số nông dân đã quyết định chuyển sang trồng cây khác như tiêu, bơ, mắc ca,…
Trong khi đó, doanh nghiệp xuất khẩu cũng phải bỏ nghề, tìm cách kinh doanh ngành khác.
"Với tình hình thời tiết vẫn đang diễn ra bất ổn, giá cà phê xuống thấp và chương trình tái canh cây cà phê già cỗi vẫn đang ở mức trì trệ, niên vụ tới 2015-2016 sản lượng không thể phục hồi, thậm chí có thể còn thấp hơn vụ này", Vicofa khuyến cáo.
Báo cáo tại cuộc họp mới đây về thương mại nông sản Việt Nam, bà Phạm Kim Dung (Bộ môn Thị trường và Ngành hàng, Viện Chính sách và Chiến lược, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho hay so với 8 tháng năm 2014, xuất khẩu cà phê 8 tháng đầu năm 2015 giảm 14% về lượng, 16% về giá trị.
Các thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam đều giảm nhập khẩu, chẳng hạn như thị trường Đức giảm 22% về lượng trong 7 tháng đầu 2015 so với cùng kỳ 2014, thị trường Mỹ giảm 18%, thị trường Ý giảm 9%, thị trường Nhật Bản giảm 0,1%. Ngược lại, xuất khẩu sang thị trường Tây Ban Nha tăng 4%.
Theo bà Dung, suy giảm năng lực cạnh tranh về giá đối với cà phê xuất khẩu do các đối thủ cạnh tranh lớn phá giá như cà phê từ Brazil, Colombia. Giá cà phê Arabica của Brazil và Colombia giảm mạnh nhờ phá giá đồng tiền đã gây sức ép đối với xuất khẩu cà phê Robusta của Việt Nam.
"Trong khi tồn kho cà phê của các nước đều đang cao, Brazil có thể hạ giá để thúc đẩy xuất khẩu thì Việt Nam ghìm giữ cà phê điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến tình hình xuất khẩu trong thời gian tới", bà Dung khẳng định.
Theo dự báo của IMF, giá cà phê Robusta năm 2016 giảm 10% so với năm 2015, WB dự báo giá cà phê Robusta (cố định) giảm 3% năm 2016, 5% năm 2017, giảm sâu 13% năm 2020 (so với năm 2015).
Để thúc đẩy xuất khẩu cà phê trong thời gian tới, ông Nguyễn Trung Kiên (Viện Chính sách và Chiến lược, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho rằng, trong thời gian tới, tận dụng thị trường Mỹ do đồng USD còn có mức giá cao, Việt Nam cần khơi thông thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng Việt Nam có lợi thế vào thị trường này như cà phê...
"Các cơ quan quản lý nhà nước, Chính phủ phải xem xét cảnh báo việc doanh nghiệp và người dân dự trữ quá nhiều cà phê để chờ được giá vì các mặt hàng này có hiện tượng dư cung và giá có thể giảm trong những năm tới. Đồng thời, phải đẩy mạnh tái canh cà phê theo tiến độ hợp lý, bắt kịp với mức độ tái canh của các nước xuất khẩu lớn", ông Kiên nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm

Trên đường cùng chúng tôi đến trang trại của ông Đoàn Quang Ngọc ở khu Tân Lập (phường Phương Đông, TP Uông Bí, Quảng Ninh), anh Lưu Quang Trung, Chủ tịch UBND phường Phương Đông, giới thiệu: Ông Ngọc là một trong những hộ điển hình về phát triển kinh tế trang trại, cũng là người tiên phong nuôi lợn rừng thương phẩm tập trung với quy mô lớn nhất, nhì của thành phố.

Khoảng 13 giờ ngày 22/8, trên địa bàn thị trấn Lạc Dương (huyện Lạc Dương), đã xảy ra trận mưa đá với mật độ dày đặc, làm hư hại nhiều diện tích rau màu và dâu tây của người dân.

Được trồng làm nguyên liệu giấy từ năm 2004, đã 10 năm trôi qua kể từ ngày đưa vào trồng, hơn 60ha cây luồng đến thời kỳ khai thác không có người đến thu mua, tưởng chừng sẽ chẳng để làm gì, nay luồng đã bắt đầu đem lại một nguồn thu nhập đáng kể cho người trồng ở xã Mỹ Phương (Ba Bể - Bắc Kạn).

Chuyên gia về chè đã bóc mẽ sự mập mờ, lừa dối người tiêu dùng của công ty URC Việt Nam trong việc thông tin nguồn gốc sản giống chè làm nguyên liệu chế biến trà xanh C2 Ô Long.

Ông Hoàng Văn Lập (69 tuổi, xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom) là nông dân trồng tiêu giỏi tại địa phương, luôn tiên phong ứng dụng cái mới vào sản xuất. Nhờ đó, vườn tiêu rộng hơn 1 hécta 14 năm tuổi của ông luôn cho năng suất cao, ổn định với chi phí sản xuất thấp.