Cà Phê Khánh Sơn (Khánh Hòa) Cần Giải Pháp Nâng Cao Chất Lượng

Cà phê là một trong những cây trồng chủ lực của nông dân huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa). Tuy nhiên, hiện nay, người trồng cà phê tại Khánh Sơn đang gặp nhiều khó khăn trong việc nâng cao sản lượng và chất lượng cây trồng.
Đến cuối năm 2014, tổng diện tích cà phê trên địa bàn huyện Khánh Sơn là 536ha, trong đó, 320ha đang trong thời kỳ thu hoạch. Tuy nhiên, theo ông Lê Anh Quang, cán bộ khuyến nông xã Sơn Bình, do thời tiết diễn biến bất thường, cà phê lâu năm trổ bông đúng thời điểm nhiều mưa nên năng suất không cao, thậm chí giảm so với mọi năm.
Nhưng những diện tích cà phê trồng bằng giống cao sản, được tưới tiêu, bón phân kịp thời vụ, năng suất tăng khá hơn nhiều so với niên vụ trước. Niên vụ 2014 - 2015, tổng sản lượng nhân khô toàn huyện ước gần 590 tấn, tăng khoảng 50 tấn so với niên vụ trước.
Hiện tại giá cà phê đang ở mức 38.000 - 41.000 đồng/kg nhân khô (tăng 5.000 - 10.000 đồng/kg so với niên vụ trước) nên những hộ đạt năng suất thấp vẫn có lãi. Ông Cao Hoàng Giáo (thôn Liên Hòa, xã Sơn Bình) cho biết: “Gia đình tôi có khoảng 2.000 cây cà phê, trong đó một nửa là giống cà phê cao sản cho năng suất cao hơn nhiều so với năm ngoái, tuy diện tích cà phê giống cũ năng suất thấp, nhưng tổng sản lượng vẫn tăng, lãi cao hơn mọi năm”.
Còn ông Nguyễn Văn Hải (thôn Chi Chay, xã Sơn Trung) có 8ha cà phê, phần lớn là giống cao sản. Tuy nhiên, do mưa kéo dài, lại không có lò sấy nên cà phê của ông đang có nguy cơ bị thối, mốc cả tấn quả.
“Đang vào thời điểm thu hoạch cà phê mà trời cứ mưa suốt nên nhu cầu sấy hạt tăng mạnh. Trong khi đó, số lượng lò sấy tại các xã, thị trấn chỉ có vài cái, không đáp ứng đủ nhu cầu. Nếu 3 - 4 ngày nữa mà không có nắng thì hàng tạ cà phê của gia đình tôi buộc phải bỏ.
Vì cà phê bị giảm chất lượng, giảm giá trị nên nhiều người muốn bán nhanh, dẫn đến giá bán bị ép xuống. Tôi rất mong chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ xây dựng thêm lò sấy cà phê để đảm bảo chất lượng nông sản”, ông Hải chia sẻ.
Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, hầu hết cây cà phê Khánh Sơn đều do người dân tự ươm từ giống cũ nên năng suất thấp. Còn đầu tư cà phê giống cao sản rất đắt đỏ, chi phí khoảng 4 - 5 triệu đồng/ha, chưa kể mua thiết bị, dụng cụ, phân bón để tưới tiêu, chăm sóc cũng phải mất hàng chục triệu đồng nữa.
Ông Cao Hoàng Giáo nói: “Không phải gia đình nào cũng có khả năng chuyển đổi giống cà phê cũ sang giống cao sản và mua dụng cụ tưới tiêu, phân bón chăm sóc. Vì vậy, nếu Nhà nước quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện về vốn thì người dân rất mừng”.
Ông Nguyễn Ngọc Hiếu, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, Phòng đã khuyến nghị người dân từng bước chuyển đổi sang trồng giống cao sản, hạn chế sử dụng giống kém chất lượng. UBND huyện cũng đã triển khai thí điểm mô hình ghép chồi cà phê để nâng cao năng suất một số diện tích đã già cỗi.
Hiện nay, các ngành chuyên môn đang phổ biến các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại trên cây cà phê, đồng thời tăng cường hướng dẫn bà con kỹ thuật chăm sóc cây trồng đúng thời vụ. Trong năm 2015, Sở Khoa học và Công nghệ cũng sẽ triển khai đề tài “Thâm canh cây cà phê”, nhằm nâng cao sản lượng cũng như chất lượng cà phê Khánh Sơn, góp phần tăng giá trị sản xuất nông nghiệp của địa phương.
Có thể bạn quan tâm

Thông tin trên được đưa ra tại Diễn đàn chính sách nông nghiệp thường niên 2015 do tổ chức Liên minh Nông nghiệp tổ chức ngày 4.11 tại Hà Nội.

Mua bơ về ăn rồi quăng hột ra vườn, bất ngờ, cây bơ sáp lại bén duyên vùng sông nước ĐBSCL Ông chủ của nó nhờ đó đã trở thành tỷ phú không chỉ ở Miền Tây mà còn nổi tiếng ở Campuchia khi vừa lập một trang trại “khủng” ở đất chùa Tháp.

Như Dân Việt đã phản ánh, ông Nguyễn Hoàng Dũng- Giám đốc Nghiên cứu và phát triển, Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM đã đề xuất gói 100.000 tỷ đồng hỗ trợ nông nghiệp. Nhiều chuyên gia, người dân đã bày tỏ sự đồng tình với việc cần lập gói hỗ trợ này.

Trong khi các mặt hàng nông sản khác đang khó tìm đầu ra, thì sản phẩm chuối thời điểm này lại đang thiếu hàng để xuất khẩu. Nguyên nhân là do sản phẩm chuối của nước ta không đáp ứng được về mặt kích cỡ, độ đồng đều trên từng sản phẩm… theo yêu cầu của đối tác.

Lũ thấp bất thường không chỉ khiến người nông dân thất thu mà các làng nghề cũng rơi vào tình trạng ế ẩm vì không tiêu thụ được sản phẩm... Rốn cá miền Tây giờ phải nhập ngược cá từ phía bên kia biên giới về để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tại chỗ...