Cà Phê Ghép Cho Năng Suất Cao

Cà phê là loại cây trồng chủ lực của tỉnh nhưng những năm qua, nhiều hộ đã thay trồng loại cây khác cho kinh tế cao hơn. Tuy nhiên, vẫn không ít hộ thành công nhờ thực hiện mô hình cà phê ghép, trong đó có hộ ông Nguyễn Văn Tằm ở thôn 2, xã Long Bình (Bù Gia Mập - Bình Phước).
Từ vườn cà phê già cỗi
Nhiều năm gắn bó với cây cà phê nhưng năng suất thấp, sức kháng bệnh kém nên nhiều lần ông Nguyễn Văn Tằm có ý định chuyển sang trồng cây khác. Năm 2012, ông trồng thí điểm cà phê ghép do Trạm khuyến nông huyện Bù Gia Mập triển khai trên 2 sào cà phê già.
Theo đó, vườn cà phê của ông được ghép bằng giống TR4 của Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, đồng thời trạm hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công ghép và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc.
Ông Tằm cho biết: Đối với cây cà phê ghép, sau khi cưa, gốc cà phê già phải được chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật để bảo đảm chất dinh dưỡng, thúc cây nảy chồi.
Chồi ghép cũng chỉ chọn 2 nhánh khỏe, thân mập, không bị nấm bệnh. 2 chồi ghép không non quá hay già quá và tương đồng về kích cỡ để chồi phát triển nhanh. Nếu để nhiều chồi sẽ làm cây còi cọc, chậm phát triển sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây. Người trồng còn phải thường xuyên theo dõi quá trình chồi liền mắt ghép để có biện pháp xử lý kịp thời.
Cà phê ghép có ưu điểm sức kháng bệnh tốt, trái to, đều, tỷ lệ nhân loại 1 cao hơn...Do vậy, ông Tằm đã tự chọn những cây khỏe, cho năng suất cao, trái mọng để ghép thay thế số cây già. Hiện có nhiều hộ trên địa bàn đang học hỏi kỹ thuật, tự ghép trong vườn nhà và bước đầu cho hiệu quả.
Đến đạt năng suất cao
Hiện 2 sào cà phê ghép của gia đình ông Tằm đã cho thu hoạch, thể hiện rõ sự khác biệt. Cà phê thuần chủng chỉ đạt năng suất từ 2,5 - 3 tạ nhân/sào, còn cà phê ghép cho năng suất cao hơn từ 30 - 50% (khoảng 5 tạ nhân/sào).
Thấy rõ hiệu quả của cà phê ghép, mùa mưa năm 2013 ông Tằm tiếp tục ghép thêm 3 sào. Đến nay, vườn cây mới hơn 1 năm tuổi đang phát triển tốt, đồng đều, thân cây chắc. Nhiều cây đã cho trái bói và đến năm thứ 3 sẽ cho thu hoạch chính.
Ông Lê Danh Biên, Phó chủ tịch UBND xã Long Bình cho biết: Ghép cây cà phê là biện pháp kỹ thuật đơn giản, vừa tiết kiệm chi phí sản xuất, vừa nâng cao hiệu quả kinh tế và đang được nông dân trong xã học tập, làm theo. Đây còn là giải pháp giúp nông dân gắn bó lâu dài với loại cây trồng này, tránh làm theo phong trào như thời gian qua.
Có thể bạn quan tâm

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh: Ngành khuyến nông phải tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp để xây dựng mô hình liên kết sản xuất – tiêu thụ sản phẩm.

Phú Yên có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển khai thác thủy sản. Hiện tại toàn tỉnh có khoảng 6.139 chiếc tàu thuyền, với tổng công suất 302.511CV. Trong đó tàu thuyền có công suất từ 90CV trở lên là 1.033 chiếc, còn lại có công suất dưới 90CV hoạt động khai thác ở vùng lộng và gần bờ.

Bà Mai Kim Thi, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản thuộc Sở NN-PTNT, cho biết: Đến nay, đơn vị đã phối hợp với Đài Thông tin Duyên hải Quy Nhơn tiến hành lắp đặt 238 thiết bị công nghệ Movimar (còn gọi là thiết bị quan sát tài cá qua vệ tinh) cho các tàu cá khai thác xa bờ trên địa bàn toàn tỉnh Bình Định.

Kể từ khi phong trào nuôi tôm công nghiệp tự phát tăng cao, nhu cầu về điện phục vụ sản xuất và thắp sáng “nóng” lên hơn bao giờ hết. Bên cạnh đó, tình trạng sử dụng điện không an toàn đang là vấn đề đáng báo động.

165ha mặt nước nuôi thuỷ sản ở phường Hà An (TX Quảng Yên, Quảng Ninh) đã được đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng từ năm 2010 với tổng mức đầu tư trên 30 tỷ đồng, trong đó người dân đóng góp hơn 10 tỷ đồng. Do được đầu tư đồng bộ nên nhiều hộ dân trên địa bàn phường đã đầu tư kinh phí nuôi nhiều giống thuỷ sản mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình phải kể tới là hộ anh Nguyễn Hữu Phước.