Cà phê chồn vẫn bí đầu ra

Ông Nguyễn Cảnh Thảo, Bí thư Đảng ủy xã Phú Sơn cho biết: “Với đặc thù là xã thuần nông, tại Đại hội Đảng bộ xã khóa III, nhiệm kỳ 2015 - 2020, chúng tôi đã đề ra nhiều mục tiêu để phát triển ngành nông nghiệp. Trong đó chú trọng phát triển kinh tế trang trại theo hướng đa canh, đa tầng, kết hợp nhiều loại cây - con giống trên cùng đơn vị diện tích. Xã phấn đấu đến năm 2020, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 4%”.
Hai trong một
Chúng tôi đến thăm rẫy của gia đình anh Trương Văn Hướng. Diện tích không nhiều, chỉ với 2,5 ha, anh Hướng trồng xen nhiều loại cây để nâng cao thu nhập và tận dụng đất. Anh dành 1 ha để trồng điều, 1,5 ha trồng cà phê xen hồ tiêu. Ngoài ra, anh nuôi 35 con chồn hương. Qua sách báo, anh bắt đầu tìm hiểu về mô hình nuôi chồn để có sản phẩm cà phê độc đáo. Năm 2012, anh mua 1 cặp chồn về nuôi và nhân giống để tăng đàn. Vốn là loài sinh sản tốt, chỉ sau 2 năm gia đình anh đã có đàn chồn 35 con. Năm 2014, anh thu về 35kg cà phê chồn. Đây là mùa thu hoạch cà phê mang thương hiệu chồn đầu tiên của gia đình.
Anh Hướng cho biết: Từ lúc chồn thải ra hạt cà phê, phải qua rất nhiều công đoạn mới có ly cà phê chồn ngon và đảm bảo chất lượng. Trong đó, khâu chọn hạt, phơi nắng hay ủ cát 343 ngày là công đoạn phải tìm hiểu thật kỹ. Suốt mùa cà phê, 35 con chồn chỉ ăn khoảng 35 - 40kg trái cà phê và tất cả hạt đều được chồn thải ra. Muốn cà phê ngon, phải để chồn ăn tự nhiên, không ép. Ăn tự nhiên năng suất tuy không cao, nhưng sản phẩm bảo đảm chất lượng. Hết mùa cà phê, chồn ăn chuối, rau.
Đầu ra chưa ổn định
Đến tháng 10 hàng năm, khi cà phê bắt đầu chín, chồn sẽ tự ra vườn, trèo lên cây và chọn những trái chín, ngọt, bắt mắt nhất để ăn. Chồn ra vườn từ 6 giờ chiều hôm trước đến khoảng 6 giờ sáng hôm sau thì quay về chuồng. Mùa cà phê kéo dài gần 3 tháng nhưng gia đình anh Hướng chỉ thu được 30 - 35kg hạt do chồn tiêu hóa và thải ra. Sản phẩm làm ra công phu là vậy, nhưng gia đình anh vẫn chưa tìm được nguồn tiêu thụ ổn định. Mùa thu hoạch vừa qua, gia đình anh chủ yếu bán cho khách quen và một vài khách thập phương ghé tìm hiểu rồi mua.
Để cà phê chồn ngon và đảm bảo chất lượng, người trồng phải gom hạt đem phơi hoặc ủ ngay, đồng thời chọn phương pháp rã phân và vỏ tự nhiên thay vì dùng máy. Với sản phẩm được ủ từ đất, chỉ cần dùng tay là đã bóc tách được lớp phân và vỏ hạt. Còn loại phơi nắng thì hạt cứng hơn, phải dùng đến máy để tách vỏ. Giá của loại phơi nắng khoảng 1,2 triệu đồng/kg sản phẩm thô. Nếu làm đúng quy trình kỹ thuật cũng như để tận hưởng chất cà phê chồn, đa phần người dân đem ủ sản phẩm. Trong vòng 24 giờ sau khi chồn thải ra hạt cà phê, người nuôi phải đem ủ trong lu sành, bên trong có lớp cát dày khoảng 10 phân. Quá trình ủ này phải mất 1 năm liên tục, khi đó cà phê có giá 3 triệu đồng/kg sản phẩm thô.
“Hiện cà phê chồn bán với giá 3 triệu đồng/kg. Nếu chịu đầu tư thì hiệu quả mang lại gấp 30 lần so với trồng lấy hạt cà phê (trên thị trường cà phê tươi hiện có giá 40 ngàn đồng/kg). Vì đang làm ăn manh mún, chưa tiếp cận được thị trường nên tôi chưa tìm được nguồn tiêu thụ ổn định. Sắp tới, tôi sẽ liên hệ với các cơ quan chức năng để đăng ký sở hữu thương hiệu. Sau đó mới tiếp cận các nguồn đầu ra mang tính ổn định” - anh Hướng nói.
Với các tỉnh Tây Nguyên, thương hiệu cà phê chồn không còn lạ, nhưng với Bình Phước, đây là cách làm ăn mới. Từ cách tạo cà phê chồn của gia đình anh Trương Văn Hướng, rất cần sự giúp đỡ của ngành chức năng, chính quyền cơ sở và doanh nghiệp để nông dân không chỉ canh tác đúng kỹ thuật mà còn tìm đầu ra ổn định, giúp người dân nâng cao giá trị các loại cây, con trên cùng đơn vị diện tích.
Có thể bạn quan tâm

Ở miền Nam, cây đậu phộng (lạc) trồng nhiều ở các tỉnh Tây Ninh, Long An, Trà Vinh, An Giang…. Sản phẩm đậu phộng ngoài quả (củ), còn tận dụng thân lá ủ làm phân hữu cơ, hoặc làm thức ăn cho gia súc.

Việc ký kết đưa mặt hàng này về tiêu thụ tại Hà Nội đã khiến hàng nghìn hộ chăn nuôi ở Yên Thế (Bắc Giang) hy vọng đổi đời. Tuy nhiên, đến nay không ít hộ nuôi đã phải cầm cố sổ đỏ, nợ ngân hàng chồng chất, vì thua lỗ.

Gần đây, việc bùng phát nuôi tôm thẻ chân trắng ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung, An Giang nói riêng đã khiến cho chính quyền và các nhà chuyên môn vô cùng lo lắng, bởi đi liền với hiệu quả kinh tế thì có không ít rủi ro với đối tượng nuôi mới này.

Một lần nữa ngành chăn nuôi rơi vào cảnh lao đao. Cách đây hai năm, ngành chăn nuôi cũng rơi vào khó khăn. Năm 2012, để cứu ngành này, nhiều ý kiến đề xuất gói cứu trợ 9.000 tỷ đồng. Giờ đây, một đề xuất tương tự đang lặp lại.

Nhiều người cho rằng để ao “trắng” như vậy khá là phí, khi mà ngay sau vụ tôm có thể nuôi kế vài loại cá khác. Thế nhưng theo ông Việt khẳng định, là người nuôi tôm có kinh nghiệm thì không nên tiếc rẻ như vậy, ngược lại nên chuẩn bị tốt các điều kiện để tập trung cho vụ nuôi mới.