Cá Ngừ Xuất Khẩu Sang Mỹ Lao Đao Vì Nhiễm Vi Sinh

Nhiều lô hàng cá ngừ xuất qua Mỹ bị trả về do nhiễm vi sinh. Nguyên nhân là tại cảng cá Hòn Rớ (xã Phước Đồng, TP. Nha Trang) hiện không có hệ thống nước sạch để rã đông cá ngừ khi cập cảng. Các vựa thu mua cá phải dùng nước bơm dưới cảng lên xử lý khiến cá bị nhiễm vi sinh…
Rã đông bằng nước bẩn
Hiện nay, tại chợ thủy sản Nam Trung bộ cảng cá Hòn Rớ có gần 20 vựa thu mua hải sản, trong đó nhiều vựa thu mua cá ngừ để xuất khẩu sang Mỹ, Canada... Theo quy trình, tàu câu cá ngừ đại dương khi câu được cá sẽ rải lần lượt một lớp đá xay, lớp cá, đến lớp đá xay, rồi lớp cá khác...
Sau chuyến biển dài ngày, tàu cập cảng, lúc này các lớp cá ngừ và đá đã đông cứng thành một khối. Muốn lấy cá ra nguyên vẹn bắt buộc phải dùng nước biển để rã đông. Tuy nhiên, nhiều năm nay, tại đây không có hệ thống nước sạch để rã đông, các chủ vựa phải thuê ngư dân bơm nước ngay dưới cảng lên để rã đông cá.
Một chủ vựa cá cho biết: “Thói quen sinh hoạt của người dân ven biển thường xả nước thải ngay khu vực cảng khiến nước ở đây ô nhiễm nặng và nhiễm vi sinh rất cao. Việc rã đông bằng nước này là bất đắc dĩ. Điều đó khiến chúng tôi luôn lo lắng nguy cơ hàng bị trả về khi xuất khẩu qua Mỹ”.
Việc cá ngừ xuất qua Mỹ bị trả về do nhiễm vi sinh E.Coli và Salmonella đối với các chủ vựa cá ở chợ thủy sản Nam Trung bộ là chuyện không hiếm. Bà Nguyễn Thị Thu Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Hải sản Bền Vững cho biết, năm 2012, lô hàng 20 tấn cá ngừ phi lê của công ty bà bị FDA (Cơ quan quản lý chất lượng thực phẩm Mỹ) phát hiện nhiễm vi sinh Salmonella.
Không những bị trả hàng về, Công ty còn bị FDA liệt vào sách đỏ, yêu cầu kiểm tra gắt gao. Nếu 12 lần liên tục kiểm tra cá ngừ không nhiễm chất vi sinh thì FDA sẽ cho ra khỏi sách đỏ. Mỗi lần bị trả hàng, Công ty lỗ khoảng 8.000 USD chi phí tiền vận chuyển ngược về, lưu container, phí kiểm tra...
Bên cạnh đó, việc công bố bị nhiễm vi sinh khiến Công ty mất uy tín với đối tác, không được ứng trước 50% giá trị lô hàng, rất thiệt thòi. Ngoài ra, những doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ qua Mỹ như Hải Vương, Tín Thịnh... cũng từng bị liệt vào danh sách đỏ và trả hàng về do cá ngừ nhiễm vi sinh.
2 năm nữa mới có nước sạch
Các doanh nghiệp đều có những quy trình rất chặt chẽ về vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm hạn chế tối đa nguy cơ cá nhiễm vi sinh do rã đông bằng nước bẩn. Theo các đơn vị xuất khẩu, khi đưa cá về công ty, từng con cá ngừ sẽ được rửa kỹ bằng nước sạch, sau đó ngâm trong nước có pha Chlorine khoảng 15 phút, vớt ra rửa tiếp bằng nước sạch rồi mới phi lê.
Tuy nhiên, dù kỹ đến đâu, thỉnh thoảng vẫn có những lô hàng bị nhiễm bẩn. Chính vì vậy, nguyện vọng của các doanh nghiệp là có một hệ thống nước sạch để rã đông cá, loại bỏ nguy cơ nhiễm vi sinh ngay từ khâu đầu tiên.
Ông Đỗ Trung Hiệp, Trưởng Ban quản lý Cảng cá Hòn Rớ và chợ thủy sản Nam Trung bộ cho biết, trước kia chợ cũng có đầu tư hệ thống xử lý nước biển đạt tiêu chuẩn để rã đông, rửa cá, nhưng công suất rất thấp, không đáp ứng được nhu cầu của các vựa cá. Hệ thống này cũng chỉ hoạt động cầm chừng vì càng chạy càng lỗ, sau đó thì hư hỏng hoàn toàn. Tình trạng này khiến cá ngừ khi cập cảng phải dùng nước bơm trực tiếp dưới cảng lên để rã đông, khiến cá bị nhiễm vi sinh rất cao.
Theo ông Hiệp, Dự án nâng cấp cảng Hòn Rớ và chợ thủy sản Nam Trung bộ do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư sẽ được khởi công vào cuối năm nay.
Kinh phí nâng cấp dự kiến 41 tỷ đồng, tập trung vào các hạng mục chính gồm: kéo dài thêm 150m cầu cảng, làm mái che cầu cảng, nâng cấp nền cầu cảng và nền chợ thủy sản Nam Trung bộ, lắp đặt các hệ thống cung cấp nước ngọt, xử lý nước thải. Dự án dự kiến hoàn thành vào đầu năm 2016. Sau khi nâng cấp, chợ thủy sản Nam Trung bộ sẽ được đầu tư hệ thống xử lý nước biển đạt tiêu chuẩn để rửa cá ngừ, đáp ứng nhu cầu của các vựa cá hiện nay.
Có thể bạn quan tâm

Bảo vệ nguồn lợi hải sản ven bờ là một trong những hoạt động thiết thực thể hiện tình yêu biển đảo của ngư dân Quảng Nam. Mô hình “đồng quản lý vùng biển” là ví dụ sinh động.

Chỉ trong hơn 2 tháng đầu năm 2013, ngư dân tỉnh Bạc Liêu đã khai thác gần 20.000 tấn thủy sản các loại, trong đó tôm đạt gần 2.800 tấn, còn lại là các loại thủy sản khác như cá và mực. Hiện tại, dù giá thủy sản không tăng so với năm trước, nhưng hầu hết ngư dân đều có lãi sau mỗi chuyến biển vì đạt sản lượng. Cụ thể, đối với tàu lưới lãi từ 1 - 3 triệu đồng/ngày, nghề lưới cá chim lãi từ 12 - 17 triệu đồng/chuyến/5 - 6 ngày; nghề lưới tôm thẻ lãi 6 - 10 triệu đồng/chuyến; nghề lưới cá chét lãi từ 10 - 15 triệu đồng/chuyến/ 3 - 4 ngày… Riêng tàu đánh bắt xa bờ, lãi từ 100 triệu đến vài trăm triệu đồng/chuyến đi biển từ 1 - 3 tháng.

Nghề nuôi ong lấy mật ở xã Thạnh Tây đã có từ khá lâu, tuy nhiên trước đây phần lớn là do Vườn quốc gia Gò Gò - Xa Mát tổ chức nuôi. Đến khoảng đầu năm 2013, khi VQG mở lớp đào tạo kỹ thuật và cung cấp con giống cho người dân ở xã Thạnh Tây thì nghề nuôi ong lấy mật mới được nông dân tiếp cận và phát triển. Tuy đây là một mô hình còn khá mới mẻ nhưng bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, giúp người dân nâng cao thu nhập.

Công ty cổ phần kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn (APT Co.) cho biết, công ty đã ký hợp đồng đại lý độc quyền và tiêu thụ nhiều mặt hàng thủy sản với thương hiệu APT tại Hàn Quốc. Ngoài ra, công ty hiện đang sản xuất thêm nhiều mặt hàng thủy sản tinh chế như chả giò, chạo tôm, há cảo… và thủy hải sản khô như cá chỉ vàng, cá điêu hồng... để chào hàng vào thị trường EU, Nhật, Hàn Quốc… Đây là nhóm mặt hàng giá trị gia tăng đem lại hiệu quả cao.

Theo Chi cục Thủy sản TP Cần Thơ, từ đầu năm đến nay, diện tích thả nuôi cá tra của thành phố là 667 ha bằng 96% so với cùng kỳ năm 2012. Sản lượng thu hoạch 12.095 tấn, bằng 66% so với cùng kỳ, năng suất bình quân 212 tấn/ha. Trong tháng 1 và 2, giá cá tra nguyên liệu từ 19.500 – 20.000 đồng/kg, các hộ nuôi lỗ từ 3.500 – 4.000 đồng/kg. Sang đầu tháng 3, giá cá tra nguyên liệu đã tăng lên 22.500 – 23.000 đồng/kg, các hộ nuôi hòa vốn. Về tình hình sản xuất giống cá tra, sau thời gian phát triển nóng từ năm 2012, đến nay, diện tích ương cá tra giống chỉ bằng 56 % so với cùng kỳ năm 2012 tương đương 595 ha, với sản lượng ước đạt 128 triệu con. Nguyên nhân khiến diện tích ương nuôi cá tra giống giảm là do cung vượt cầu trong năm 2012 khiến tình hình tiêu thụ khó khăn. Hiện tại, giá cá tra giống loại 2 phân (2 cm) đã tăng nhẹ lên 25.000 đồng/kg nhưng nguồn thả nuôi còn thấp.