Cá ngừ đại hạ giá

SÁNG sớm, nhiều phương tiện lưới vây ở xã Bình Minh (Thăng Bình) cập bờ chở đầy ắp cá ngừ trong khoang. Ngư dân chuyển cá xuống thúng chai, hối hả bơi vào bãi để kịp phiên chợ sáng. Chợ cá trên bãi biển Bình Minh cũng la liệt những thúng, rổ chứa tràn trề cá ngừ tươi rói.
Bình Minh hiện có khoảng 170 phương tiện lưới vây, sau một đêm đánh bắt ở ngư trường lộng, nhiều phương tiện thu được hàng tấn cá ngừ. Ông Nguyễn Quang Thành (ngư dân làm nghề lưới vây ở thôn Hà Bình, xã Bình Minh) cho biết: “Hơn nửa tháng nay cá ngừ vào ngư trường lộng, loại hải sản này đứng đèn, chạy nổi nên phương tiện lưới vây đánh bắt dễ dàng.
Cá ngừ đi theo từng đàn với số lượng lớn, nếu gặp đàn cá đứng đèn, một vác lưới có thể thu được hàng tấn cá…”.
Cá ngừ bán ở chợ biển Tam Tiến, giá dao động 7 - 10 nghìn đồng/kg.
Tại các làng chài ven biển Tam Tiến, Tam Hòa (Núi Thành), những ngày qua ngư dân cũng liên tiếp có những chuyến biển bội thu cá ngừ. Ở các địa phương này, ngư dân chủ yếu khai thác hải sản bằng các nghề gần bờ, trong đó phương tiện lưới vây lộng (hay còn gọi là mành mùng) chiếm số lượng lớn.
Từ đầu mùa biển đến nay, nghề mành mùng ở Tam Tiến khai thác không hiệu quả bằng mọi năm, gần đây nhiều phương tiện mới có những chuyến bội thu cá ngừ, cá cơm… “Năm nay mới thấy loại cá ngừ nhỏ vào tuyến lộng nhiều như ri, mọi năm cũng có nhưng ít hơn. Gần một tháng nay hầu như ghe mành mùng nào cũng được cá ngừ, chủ yếu là ngừ chù loại nhỏ.
Được nhiều nhưng cá đại hạ giá nên thu nhập của ngư dân không cao” - ông Huỳnh Sơn (ngư dân ở thôn Phước Lộc, xã Tam Tiến) nói.
Hiện ở chợ biển Bình Minh và Tam Tiến, giá mỗi ký cá ngừ (loại khoảng 6 con/kg) dao động 7 - 10 nghìn đồng. Ông Sơn cho biết phương tiện của ông vừa khai thác được hơn 1 tấn cá nhưng bán chỉ được 7 triệu đồng bởi vào bờ trễ, bán không được giá; trừ chi phí, mỗi bạn biển chỉ thu nhập khoảng 300 nghìn đồng.
Theo nhiều tư thương, hiện loại cá ngừ nhỏ này chưa có đầu ra với sản lượng lớn, chủ yếu được các rổi cá mua đi tiêu thụ lẻ ở các chợ trên địa bàn tỉnh nên giá rất thấp. Trong khi đó hải sản cùng loại từ các địa phương khác như Đà Nẵng chuyển vào, Bình Thuận, Khánh Hòa… chuyển ra tiêu thụ ở địa bàn tỉnh khá nhiều nên ứ đọng.
Ông Trương Công Thuấn - Trưởng thôn Hà Bình (xã Bình Minh) cho biết, cá ngừ loại này không thể chế biến, dự trữ với sản lượng lớn. Hiện địa phương có gần 10 cơ sở hấp cá, làm mắm nhưng nguyên liệu chủ yếu là cá cơm nên số lượng cá ngừ hàng ngày khai thác không thể tiêu thụ tại chỗ hết được. “Loại cá này cũng ít người khơi phô, mà nếu có phơi thì cũng xẻ ra rất mất công, rồi phải phụ thuộc vào thời tiết, trong khi đó cá ngừ khô ít được ưa chuộng, khó tiêu thụ.
Ở vùng bãi ngang hiện nhiều ghe giã cào khai thác được loại cá kình nhỏ, giá cũng chỉ vài nghìn đồng mỗi ký, chủ yếu tiêu thụ ở các nhà máy chế biến thức ăn gia súc…” - ông Thuấn nói.
Có thể bạn quan tâm

Trong năm qua, toàn tỉnh Ninh Thuận đã thực hiện thả tôm nuôi với diện tích 1.470 ha (67% tập trung tại khu vực Đầm Nại, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận), vượt 40% kế hoạch năm, trong đó có 194 ha tôm sú và 1.276 ha tôm thẻ chân trắng. Song do bệnh hội chứng tôm chết sớm (EMS) xuất hiện, lây lan trên diện rộng tại các vùng nuôi trọng điểm với diện tích 625 ha (chiếm 45% diện tích thả nuôi toàn tỉnh và tập trung 82% diện tích bệnh tại Đầm Nại) đã làm cho sản lượng thu hoạch chỉ đạt 87% kế hoạch.

Qua nhiều năm, ông Võ Văn Vân (KP. Đông, phường Vĩnh Phú, TX.Thuận An - Bình Dương) thử nhiều mô hình nông nghiệp khác nhau từ trồng cây ăn trái, đến chăn nuôi… nhưng đều không mang lại hiệu quả. Chỉ khi quyết định nuôi cá tai tượng, ông mới thực sự thoát nghèo.

Trong tháng 2/2013, diện tích nuôi trồng thuỷ sản (ở nước ngọt và nước lợ) toàn tỉnh Thừa Thiên – Huế đạt hơn 570 ha, tăng 11,2% so cùng kỳ năm trước.

Cá bống bớp là loài cá nước lợ, thuộc họ cá bống đen, thân hình trụ tròn, mắt nhỏ, mõm tầy, có nguồn dinh dưỡng cao, giá trị xuất khẩu lớn. Cá bống bớp đã được nhiều địa phương tổ chức nuôi song đến nay chỉ có vùng nuôi mặn lợ của huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) là nuôi được cá bống bớp với quy mô lớn. Nghề nuôi cá bống bớp ở Nghĩa Hưng khởi phát từ xóm Chùa, xã Nghĩa Thắng khoảng trước năm 1990. Mặc dù điều kiện tưới tiêu nước ở đây chưa được quy hoạch nhưng năng suất nuôi cá bống bớp đã đạt 4 - 6 tấn/ha…

Trong nhiều năm qua, năng suất, sản lượng lúa ở vùng ĐBSCL không ngừng tăng lên nhờ sự liên kết 4 nhà trong sản xuất lúa. Bà con nông dân ngày càng thích nghi và biết ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc sản xuất, nhân giống lúa tạo ra năng suất, sản lượng vụ sau cao hơn vụ trước. Năm 2012, sản lượng lúa toàn vùng ĐBSCL ước đạt 24,6 triệu tấn, tăng 1,1 triệu tấn so năm 2011, đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới với sản lượng hơn 7,2 triệu tấn, đạt trị giá hơn 3,2 tỉ USD. Lúa đông xuân 2012 - 2013 đang vào vụ thu hoạch được đánh giá là vụ lúa trúng mùa, năng suất bình quân ban đầu trên 7 tấn/ha. Đạt được kết quả đó là do nông dân thường xuyên quan tâm sử dụng giống lúa mới, giống lúa chất lượng cao.