Cá Mú Nghệ Khó Bán

Hiện cá mú nghệ thương phẩm tại Khánh Hòa được thương lái thu mua ở mức 140-150 ngàn đ/kg, giảm 100 ngàn đ/kg so với những năm trước. Mặc dù giá thấp nhưng vẫn khó tiêu thụ.
Người nuôi cá mú nghệ đang điêu đứng vì điều này.
Ông Nguyễn Hoá, tổ dân phố Bãi Giếng Nam, thị trấn Cam Đức (Cam Lâm, Khánh Hòa), một người có thâm niên nuôi cá mú đen và mú nghệ cho biết: “Thời điểm này giá cá mú đen thương phẩm được thương lái thu mua ở mức từ 200-210 ngàn đ/kg (loại 1-1,4kg/con) giảm từ 30-50 ngàn đ/kg so với đầu năm.
Tuy nhiên, với mức giá trên nếu người nuôi không bị hao hụt trên 50%, thì vẫn có lãi khá, từ 20-30 ngàn đ/kg. Nhưng với cá mú nghệ thì ngược lại, hiện giá chỉ ở mức từ 140-150 ngàn đ/kg, giảm 100 ngàn đ/kg so với mọi năm, đã vậy lại còn rất khó bán.
“Như gia đình tôi có 2 ao với tổng diện tích 6.000m2, thả 1.200 con cá mú nghệ, đến nay đã nuôi được 30 tháng. Trong quá trình nuôi cá bị hao hụt chỉ còn khoảng 500 con. Lứa cá này gia đình tôi đầu tư gần tỷ đồng nhưng vẫn chưa bán được. Hiện mất thêm khoảng 3 triệu đ/ngày tiền mua cá mồi cho ăn, rất tốn kém”, ông Hoá buồn rầu.
Còn ông Phan Hữu Cầu, người nuôi cá mú nghệ than vãn: “Mọi năm giờ này thương lái đã lùng sục các chủ đìa để thu mua tập kết tại cảng Cam Ranh rồi XK sang Trung Quốc tiêu, nhưng nay chẳng thấy ai hỏi han gì. Thấy xót ruột quá gia đình tôi đành bán lẻ, mỗi đợt từ 10-15 con, với giá 150 ngàn đ/kg. Trong ao vẫn còn tồn khoảng 300 con chưa có người mua”.
Theo ông Cầu, chi phí đầu tư tiền giống, thức ăn, công cho lứa cá này suốt 3 năm nay lên trên 1 tỷ đồng. Thả hơn 1.000 con, nay hao hụt còn một nửa, với giá hiện nay nếu bán sạch ao thua lỗ từ 100-150 triệu đ.
Ông Nguyễn Văn Thư, cán bộ quản lý nông nghiệp thị trấn Cam Đức cho biết: Hiện tại địa phương có 7 hộ đầu tư nuôi cá mú nghệ. Giai đoạn từ năm 2003-2012, cá mú nghệ có giá ổn định từ 200-240 ngàn đ/kg người nuôi có lãi cao.
Tuy nhiên khoảng 2 năm nay, cá mú nghệ bắt đầu rớt giá khiến người nuôi điêu đứng. Hiện khu vực thị trấn còn tồn khoảng 40 tấn cá.
Tại các phường Ba Ngòi, Cam Phúc Nam (TP Cam Ranh), cũng xảy ra tình cảnh tương tự. Nhiều bè nuôi cá mú đến kỳ thu hoạch không bán được.
Ông Trần Văn Tâm, một thương lái thu mua cá mú ở phường Cam Nghĩa cho hay: Cá mú nghệ hiện chỉ tiêu thụ nội địa, chủ yếu TP HCM nên giá thấp và lượng không nhiều. Còn nguyên nhân vì sao 2 năm nay khách hàng Trung Quốc không sang mua thì các thương lái cũng không rõ!.
Có thể bạn quan tâm

Sau gần 18 năm nghiên cứu, GS.TS Dương Tấn Nhựt và cộng sự (thuộc Viện Sinh học Tây Nguyên) đã thu được những kết quả bước đầu trong việc nhân giống vô tính cây sâm Ngọc Linh.

Ngày 22 tháng 5 năm 2013, ông Nguyễn Văn Phong, phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh ký ban hành công văn số 1717/UBND-NN về việc đề nghị hỗ trợ hóa chất xử lý mầm bệnh, xử lý môi trường vùng nuôi tôm nước lợ tỉnh của tỉnh. Theo nội dung công văn: hiện tượng tôm chết có dấu hiệu lây lan, phải được khống chế kịp thời, nhưng lượng Chlorine của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp cho tỉnh trong năm 2012 đến nay đã sử dụng hết.

Sáng ngày 25/7, tại Hậu Giang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức Hội nghị tổng kết sản xuất mía đường niên vụ 2012 – 2013.

Hiện nay, các địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long đang xúc tiến xây dựng các cánh đồng mẫu lớn nhằm hướng tới nền sản xuất nông nghiệp hiện đại.

Hàng triệu hộ chăn nuôi trong cả nước đang đối mặt với muôn vàn khó khăn khi heo, gà, vịt, cá tra… rớt giá thê thảm, cộng với dịch bệnh hoành hành trên diện rộng khiến người nuôi thua lỗ. Giá gà công nghiệp trong tháng 5-2013, rớt xuống mức thấp kỷ lục 13.000 - 15.000 đồng/kg, chưa bằng 50% chi phí giá thành sản xuất; gà tam hoàng từ 38.000 đồng/kg vào tháng trước, nay giảm còn 30.000 đồng/kg; trong khi giá heo cũng giảm còn 3,5 - 3,6 triệu đồng/tạ, thấp hơn giá thành nuôi là 4 - 4,1 triệu đồng/tạ… Giá rẻ đã đành, song người chăn nuôi muốn bán sản phẩm dù chấp nhận lỗ cũng rất khó.