Cá Mú Nghệ Khó Bán

Hiện cá mú nghệ thương phẩm tại Khánh Hòa được thương lái thu mua ở mức 140-150 ngàn đ/kg, giảm 100 ngàn đ/kg so với những năm trước. Mặc dù giá thấp nhưng vẫn khó tiêu thụ.
Người nuôi cá mú nghệ đang điêu đứng vì điều này.
Ông Nguyễn Hoá, tổ dân phố Bãi Giếng Nam, thị trấn Cam Đức (Cam Lâm, Khánh Hòa), một người có thâm niên nuôi cá mú đen và mú nghệ cho biết: “Thời điểm này giá cá mú đen thương phẩm được thương lái thu mua ở mức từ 200-210 ngàn đ/kg (loại 1-1,4kg/con) giảm từ 30-50 ngàn đ/kg so với đầu năm.
Tuy nhiên, với mức giá trên nếu người nuôi không bị hao hụt trên 50%, thì vẫn có lãi khá, từ 20-30 ngàn đ/kg. Nhưng với cá mú nghệ thì ngược lại, hiện giá chỉ ở mức từ 140-150 ngàn đ/kg, giảm 100 ngàn đ/kg so với mọi năm, đã vậy lại còn rất khó bán.
“Như gia đình tôi có 2 ao với tổng diện tích 6.000m2, thả 1.200 con cá mú nghệ, đến nay đã nuôi được 30 tháng. Trong quá trình nuôi cá bị hao hụt chỉ còn khoảng 500 con. Lứa cá này gia đình tôi đầu tư gần tỷ đồng nhưng vẫn chưa bán được. Hiện mất thêm khoảng 3 triệu đ/ngày tiền mua cá mồi cho ăn, rất tốn kém”, ông Hoá buồn rầu.
Còn ông Phan Hữu Cầu, người nuôi cá mú nghệ than vãn: “Mọi năm giờ này thương lái đã lùng sục các chủ đìa để thu mua tập kết tại cảng Cam Ranh rồi XK sang Trung Quốc tiêu, nhưng nay chẳng thấy ai hỏi han gì. Thấy xót ruột quá gia đình tôi đành bán lẻ, mỗi đợt từ 10-15 con, với giá 150 ngàn đ/kg. Trong ao vẫn còn tồn khoảng 300 con chưa có người mua”.
Theo ông Cầu, chi phí đầu tư tiền giống, thức ăn, công cho lứa cá này suốt 3 năm nay lên trên 1 tỷ đồng. Thả hơn 1.000 con, nay hao hụt còn một nửa, với giá hiện nay nếu bán sạch ao thua lỗ từ 100-150 triệu đ.
Ông Nguyễn Văn Thư, cán bộ quản lý nông nghiệp thị trấn Cam Đức cho biết: Hiện tại địa phương có 7 hộ đầu tư nuôi cá mú nghệ. Giai đoạn từ năm 2003-2012, cá mú nghệ có giá ổn định từ 200-240 ngàn đ/kg người nuôi có lãi cao.
Tuy nhiên khoảng 2 năm nay, cá mú nghệ bắt đầu rớt giá khiến người nuôi điêu đứng. Hiện khu vực thị trấn còn tồn khoảng 40 tấn cá.
Tại các phường Ba Ngòi, Cam Phúc Nam (TP Cam Ranh), cũng xảy ra tình cảnh tương tự. Nhiều bè nuôi cá mú đến kỳ thu hoạch không bán được.
Ông Trần Văn Tâm, một thương lái thu mua cá mú ở phường Cam Nghĩa cho hay: Cá mú nghệ hiện chỉ tiêu thụ nội địa, chủ yếu TP HCM nên giá thấp và lượng không nhiều. Còn nguyên nhân vì sao 2 năm nay khách hàng Trung Quốc không sang mua thì các thương lái cũng không rõ!.
Có thể bạn quan tâm

Tham gia vào Hội có 50 thành viên. Mục đích chính của Hội là xây dựng môi trường sản xuất, kinh doanh có tổ chức theo hướng thương mại hóa, cung cấp dịch vụ khoa học công nghệ cho các hội viên trong sản xuất, kinh doanh "cá Tràu tiến vua".

Nguyên nhân diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến tăng nhanh là do mô hình này có chi phí đầu tư thấp, ít rủi ro, cho thu nhập ổn định. Hiện nay, người dân từng bước chuyển đổi diện tích nuôi tôm quảng canh truyền thống sang quảng canh cải tiến, nhằm tăng thu nhập.

Là vùng đất có tiềm năng lớn trong nuôi trồng thuỷ sản, cùng với việc đầu tư phát triển nuôi tôm, nuôi cá lồng bè, những năm gần đây, Quảng Ninh phát triển mạnh nghề nuôi nhuyễn thể như: Tu hài, ốc đá, ốc màu, ốc nhảy, ốc hương, hàu biển... góp phần xoá đói, giảm nghèo và nâng cao đời sống của nhân dân.

Theo báo cáo của Tổng cục Thuỷ sản Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2014 ngành thuỷ sản đóng góp khoảng 3,7% vào GDP chung của cả nước. Lĩnh vực này hiện đang giải quyết việc làm cho trên 4,5 triệu lao động. Tổng sản lượng thuỷ sản năm 2014 ước khoảng 6,2 triệu tấn cho giá trị sản xuất vào khoảng 300 nghìn tỉ đồng.

Chính quyền địa phương và Hội Nông dân xã Cam Thịnh Đông cũng đã hỗ trợ cho nông dân vay vốn, mở các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi trồng ốc hương, hướng dẫn người dân tìm đầu ra ổn định để tiêu thụ sản phẩm, hạn chế tình trạng "được mùa mất giá". Mặc dù ốc hương là đối tượng nuôi có nhiều triển vọng, nhưng hiện nay chưa thể khuyến khích phát triển đại trà. Các ngành chức năng đang tiến hành quy hoạch vùng nuôi ốc hương và khuyến khích người dân nuôi tại vùng đã quy hoạch.