Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Cà Mau Thiếu Con Giống Chất Lượng, Ngành Chăn Nuôi Gặp Khó

Cà Mau Thiếu Con Giống Chất Lượng, Ngành Chăn Nuôi Gặp Khó
Ngày đăng: 11/08/2014

Tập quán lâu đời của người dân miền sông nước là chăn nuôi vài con gà, con vịt để cải thiện bữa ăn hằng ngày, hay nuôi cặp heo để tận dụng thức ăn thừa và để giải quyết khó khăn lúc túng bấn.

Tuy nhiên, cũng từ suy nghĩ trên mà đã nhiều năm nay ngành chức năng khó kiểm soát được dịch bệnh trên gia súc, gia cầm (GSGC).

Việc thiếu con giống chất lượng trong chăn nuôi cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát dịch bệnh, gây khó khăn trong quản lý về chăn nuôi của ngành nông nghiệp.

Nằm trong quy hoạch chung của ngành nông nghiệp, đến năm 2020 Cà Mau sẽ có tổng đàn heo hướng nạc là 350.000 con, gia cầm 2,575 triệu con. Tổng sản lượng thịt hơi các loại là 52.560 tấn, trứng gia cầm là 15 triệu quả.

Tuy quy hoạch là vậy, nhưng đến thời điểm tháng 6/2014, tổng đàn heo trong tỉnh đã là 516.461 con, tổng đàn gia cầm hơn 5 triệu con… Như vậy, ngành chăn nuôi có nhiều bước phát triển đáng kể, thế nhưng vẫn chưa có quy hoạch riêng cho ngành này, việc chăn nuôi đa phần vẫn là nhỏ lẻ, manh mún, thiếu tập trung.

Anh Ðoàn Ðình Toàn, chuyên viên Phòng Kỹ thuật, Sở NN&PTNT, cho hay: “Thực tế hiện nay phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán và tình trạng chăn nuôi tự phát chưa có kiểm soát khá phổ biến, khó áp dụng các tiến bộ kỹ thuật nên năng suất và chất lượng còn hạn chế, công tác phòng, chống dịch bệnh còn gặp nhiều khó khăn”.

Thiếu con giống chất lượng là thực tế tồn tại nhiều năm nay ở Cà Mau. Anh Ðoàn Ðình Toàn cho biết thêm, hiện nay việc thiếu con giống chất lượng là rào cản lớn nhất để phát triển ngành chăn nuôi. Các công ty lớn cũng ngại đầu tư trang trại trên địa bàn tỉnh cũng vì một trong những lý do này.

Theo đánh giá của ngành chức năng, hiện nay giá thành thức ăn chăn nuôi và con giống ở mức cao, chưa có chiều hướng giảm. Ðã vậy, Cà Mau lại không có nhà máy sản xuất thức ăn công nghiệp và thiếu các cơ sở sản xuất giống, do đó chưa khuyến khích được các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các trại sản xuất gia súc, gia cầm tập trung. Người dân cũng chưa mặn mà với các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học do chi phí cao lại phải tìm nguồn con giống rất khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Trí, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Lộc, huyện Thới Bình, bộc bạch: “Các mô hình chăn nuôi được thí điểm cũng ít. Ðã vậy, sau khi thực hiện xong mô hình, người dân muốn nhân rộng rất khó khăn do không tìm được nguồn con giống chất lượng. Vì vậy, người dân mặc dù đã được tập huấn chăn nuôi an toàn nhưng vẫn quay về với tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, hộ gia đình”.

Cà Mau có trung tâm giống, mỗi năm cung cấp cho thị trường một lượng con giống nhất định nhưng chủ yếu là giống gia súc, chưa có giống gia cầm. Trong khi đó, nhu cầu chăn nuôi gia súc, gia cầm của người dân bình quân mỗi năm khoảng vài triệu con.

Anh Toàn cho biết thêm, con giống chất lượng hiện nay rất khó tìm, đặc biệt là với giống gia cầm. Ða số người dân tự liên hệ lên vùng trên hoặc mua giống trôi nổi ngoài chợ nên năng suất không cao, lại tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh.

Toàn tỉnh có gần 20 cơ sở ấp trứng gia cầm đã đăng ký với Chi cục Thú y, hằng năm xuất lò khoảng vài trăm ngàn con giống, trong khi nhu cầu của người chăn nuôi (luỹ kế 6 tháng đầu năm 2014) trên 2,6 triệu con.

Chính việc cung cấp con giống có chất lượng không đáp ứng nhu cầu đã tạo điều kiện cho con giống trôi nổi có điều kiện xâm nhập thị trường. Hệ luỵ là dịch bệnh xảy ra thường xuyên, hằng năm tỉnh phải tốn hàng tỷ đồng để phòng, chống dịch.

Chi Cục trưởng Chi cục Thú y Cà Mau Nguyễn Thành Huy cho biết, xuất phát từ tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, thiếu tập trung, con giống chất lượng không đủ đáp ứng nên công tác tiêm phòng không đạt chất lượng cao, từ đó vấn đề dịch bệnh khó kiểm soát triệt để.


Có thể bạn quan tâm

Sử Dụng Thuốc Trừ Sâu Vô Tội Vạ Làm Bùng Phát Dịch Sử Dụng Thuốc Trừ Sâu Vô Tội Vạ Làm Bùng Phát Dịch

Tại Hội nghị quốc tế Mối đe dọa về lạm dụng thuốc trừ sâu trong hệ sinh thái lúa - Tìm kiếm giải pháp khắc phục do Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức tại Hà Nội vào sáng nay (16/12), các chuyên gia của Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) cho biết việc sử dụng thuốc trừ sâu sai mục đích hoặc phun thuốc bừa bãi đã vô tình tiêu diệt nhiều loài thiên địch bắt mồi, làm gia tăng dịch bệnh.

19/12/2011
Nấm Xanh Phát Huy Hiệu Quả Trên Đồng Ruộng Nấm Xanh Phát Huy Hiệu Quả Trên Đồng Ruộng

Hiện nay, nấm xanh đang được nhân rộng tại các địa phương và hầu hết bà con nông dân đều quan tâm đến mô hình này. Cán bộ bảo vệ thực vật thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A Nguyễn Thanh Phong cho biết: Được sự hỗ trợ của Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh, địa phương đã gieo cấy nấm xanh khoảng 15ha lúa Đông xuân tại ấp 3B. Từ thực tế cho thấy, mô hình nấm xanh đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho bà con nông dân trong công tác phòng trừ sâu hại, đặc biệt là không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

10/02/2012
Phòng Trừ Sâu Bệnh Hại Lạc Xuân Phòng Trừ Sâu Bệnh Hại Lạc Xuân

Theo báo cáo của ngành BVTV và phản ảnh của một số Sở NN-PTNT các tỉnh phía Bắc thì tình hình sâu bệnh hại trên cây lạc đang có chiều hướng phát triển mạnh, gây hại nặng trên diện rộng, đặc biệt là những vùng chuyên canh lạc như Ninh Bình, Nghệ An, Bắc Giang, Vĩnh Phúc…

15/07/2012
Giải Đáp Thắc Mắc Về Giống Lúa Lai B-TE1 Cho Vụ Mùa Giải Đáp Thắc Mắc Về Giống Lúa Lai B-TE1 Cho Vụ Mùa

Giống B-TE1 có xuất xứ từ đâu và được các cơ quan chức năng đánh giá như thế nào?

16/07/2012
Khánh Hòa: Lúa Bị Ngộ Độc?! Khánh Hòa: Lúa Bị Ngộ Độc?!

Theo báo cáo của Phòng NN- PTNT huyện Vạn Ninh, bệnh xuất hiện đã 2 tháng nay, lúc đầu chỉ vài hecta, sau lan rất nhanh, tập trung chủ yếu ở các xã Vạn Phú, Vạn Bình, Vạn Thắng… Ngay từ khi diện tích lúa bị bệnh và có dấu hiệu lan rộng, UBND huyện đã kết hợp với Chi cục BVTV tỉnh Khánh Hoà và Trung tâm BVTV miền Trung tiến hành thu thập mẫu gửi giám định tại Chi cục Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II ở TPHCM và Viện BVTV ngoài Hà Nội.

17/07/2012