Cà Mau Thêm Nguồn Giống Mới

Hằng năm, trại giống luôn tổ chức khảo nghiệm và chọn ra những giống lúa tốt, giống mới, có triển vọng để bổ sung vào cơ cấu bộ giống lúa sản xuất của tỉnh Cà Mau, đồng thời phục tráng những giống lúa đã bị thoái hoá nhằm cung ứng kịp thời nhu cầu bà con nông dân trong tỉnh.
Năm nay, trong điều kiện khắc nghiệt của thời tiết, mưa nắng thất thường, kéo theo là dịch bệnh bùng phát, thế nhưng công tác khảo nghiệm, chọn lọc, sản xuất giống đã cho những kết quả hết sức khả quan.
Ông Phạm Văn Mịch, Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh, phấn khởi: “Ðây là năm công tác sản xuất lúa giống gặp nhiều khó khăn ngay từ đầu vụ đến khi sắp thu hoạch. Thế nhưng, trong điều kiện khó khăn đó đã “nẩy nở” những giống lúa chất lượng, vừa có khả năng kháng sâu bệnh, vừa thích nghi với vùng đất phèn mặn như Cà Mau. Ðây cũng là một tín hiệu đáng mừng”.
Với tổng diện tích canh tác 120 ha, vụ hè thu năm 2014 trại giống đã tiến hành khảo nghiệm 39 giống, trong đó 23 giống lúa thuần và 16 giống lúa lai. Song song đó, trại sản xuất thử và trình diễn 21 giống lúa mới nhằm tìm ra những giống lúa thật sự triển vọng. Ngoài ra, trại đã tiến hành sản xuất giống siêu nguyên chủng đối với 2 loại giống: OM 9676, OM 6677, chọn ra được 22 dòng ưu tú/giống và chọn được 300 dòng thuần/giống đối với giống ST5, ST20, Một bụi đỏ và Tép hành.
Bên cạnh, để bảo đảm nhu cầu sử dụng giống của nông dân, trại đã sản xuất trên 22 ha với các loại giống cấp nguyên chủng được người dân ưa chuộng và một số loại giống mới như: OM 5451, OM 6162, OM 2395, OM 10636, CXT 30… Ðồng thời, sản xuất 40 ha các giống cấp xác nhận như: OM 6162, nếp 87, Jasmine… năng suất trung bình các loại ước đạt từ 5-6 tấn/ha.
Thạc sĩ Bùi Ngọc Tuyển, Phó Giám đốc Trung tâm Khảo nghiệm giống sản phẩm cây trồng và phân bón vùng Nam Bộ, đánh giá: “Trung tâm Giống nông nghiệp Cà Mau là một trong những trung tâm có quy mô lớn của khu vực ÐBSCL. Vụ hè thu năm nay thời tiết khó khăn nhưng nhiều giống của trung tâm phát triển rất tốt.
Ðặc biệt nhiều giống có khả năng chịu phèn cao như: OM 5451, OM 2395, OM 10636. Ngoài ra, có một số giống lúa mới ngắn ngày, chất lượng gạo cao, có tiềm năng như: RVT, CXT 30, chống chọi tốt trong điều kiện khắc nghiệt, sâu bệnh. Qua đánh giá thực tế trên đồng ruộng, đây là những giống rất triển vọng”.
Khảo sát thực tế tại ruộng thử nghiệm, nhiều nông dân bất ngờ và vui mừng về chất lượng của một số giống lúa khảo nghiệm, nhất là đối với những giống lúa mới. Ông Hồ Hoàng Việt, ấp 2, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, cho biết: “Tôi sẽ chọn giống CXT 30 cho vụ lúa đông xuân sắp tới bởi đặc tính kháng sâu bệnh rất tốt, cho năng suất cao, phù hợp với vùng đất phèn như Khánh Bình Tây Bắc”.
Nhiều năm kinh nghiệm trồng lúa, ông Lê Quốc Chánh, nông dân ấp 15, xã Khánh Lâm, huyện U Minh, bộc bạch: “Hầu như ai cũng bất ngờ về kết quả khảo nghiệm, riêng tôi nhận thấy các giống mới như OM 10636, hay OM 2395 đều có thể áp dụng được cho vùng đất này”.
Tuy nhiên, để việc sản xuất của nông dân đạt kết quả cao, ngoài giống còn cần nhiều yếu tố khác. Phó Viện trưởng Viện Lúa ÐBSCL Nguyễn Thị Triều Tiên kiến nghị: “Sở NN&PTNT Cà Mau nên có sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, liên kết 4 nhà để hỗ trợ nông dân khi thí nghiệm, sử dụng những giống lúa mới, góp phần thay đổi tập quán, nâng cao hiệu quả sản xuất trong thời gian tới”.
Có thể bạn quan tâm

Trong số các đề án chăn nuôi triển khai trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn trong nhiều năm qua thì Đề án phát triển đàn lợn nái Móng Cái thuần được đánh giá là một đề án thành công, bởi nó được xây dựng trên cơ sở xuất phát từ nhu cầu thực tế tập quán chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ của nông thôn miền núi cũng như xu thế thị trường tiêu thụ sản phẩm hiện nay.

Ngày 21-3, UBND tỉnh Tiền Giang ban hành Quyết định 619/QĐ-UBND về việc hỗ trợ khôi phục sản xuất cho người nuôi tôm bị thiệt hại do bệnh nguy hiểm gây ra trên địa bàn tỉnh.

Giá tôm thẻ chân trắng không ổn định, xuống thấp như hiện nay, nhiều hộ dân nuôi tôm ở Cà Mau đang chuyển sang nuôi tôm sú truyền thống. Từ đó, diện tích nuôi tôm sú đang tăng trở lại sau một thời gian bị tôm thẻ chân trắng thống trị hơn 80% diện tích nuôi công nghiệp.

Năm 2014, tổng diện tích cây điều ở Bình Phước khoảng 135.000 ha, trong đó, diện tích đang cho thu hoạch là 132.575 ha. Dự kiến năng suất gần 1tấn/ ha thì sản lượng điều của tỉnh đạt hơn 132 ngàn tấn. Từ một loại cây trồng chủ lực, cây điều đã trở thành cây làm giàu cho hàng ngàn hộ dân trên đất Bình Phước.

Sau khi được hợp nhất, hợp tác xã (HTX) nuôi nghêu tưởng chừng sẽ trở thành điểm tựa cho người dân nghèo xứ bãi bồi cũng như người nghèo thập phương. Thế nhưng, sau một thời gian thả nuôi, mục tiêu ấy giờ đây không được hiện thực hoá khi giá nghêu giảm thê thảm. Tình trạng giá nghêu thịt xuống thấp làm cho các xã viên HTX nuôi nghêu thương phẩm Đất Mũi lâm vào tình cảnh lao đao.