Cá Hồng Mỹ Đối Tượng Nuôi Mới

Khá phổ biến ở các tỉnh phía Bắc nhưng cá hồng Mỹ còn xa lạ với người nuôi ở Khánh Hòa. Vì thế, đề tài cấp tỉnh “Chuyển giao công nghệ sản xuất giống nhân tạo cá hồng Mỹ tại Khánh Hòa” được thực hiện nhằm phát triển thêm đối tượng nuôi mới cho người dân địa phương.
Theo Thạc sĩ Ngô Văn Mạnh (Viện Nuôi trồng thủy sản Trường Đại học Nha Trang) - chủ nhiệm đề tài, cá hồng Mỹ là loài có giá trị kinh tế cao, lớn nhanh, dễ nuôi, có thể sử dụng thức ăn công nghiệp, nuôi được ở nước mặn, lợ và ngọt. Kết quả nuôi thử nghiệm tại Vũng Ngán (TP. Nha Trang) cho thấy, cá sinh trưởng nhanh, tỷ lệ sống cao. Sau 10 tháng nuôi bằng thức ăn công nghiệp (cá con cỡ từ 6 đến 7cm), cá đạt khối lượng 1,3 - 2,2kg, tỷ lệ sống gần 72%. Giá bán cá thương phẩm trên thị trường 100.000 - 120.000 đồng/kg.
Hiện nay, đã có một số tỉnh phía Bắc triển khai thành công mô hình nuôi thương phẩm cá hồng Mỹ như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Hà Tĩnh.
Trong khi đó, các tỉnh Nam Trung bộ và Nam bộ - nơi có tiềm năng to lớn để phát triển nuôi đối tượng này lại chưa được người nuôi quan tâm. Điều này có thể do nguồn cá giống tại đây chưa có hoặc còn thiếu. Mặt khác, mùa sản xuất giống tại các tỉnh phía Bắc không phù hợp với mùa thả giống ở khu vực phía Nam cũng là nguyên nhân hạn chế sự phát triển nuôi loài cá này.
Trên cơ sở kế thừa những thành tựu về kỹ thuật sản xuất giống cá hồng Mỹ tại các tỉnh phía Bắc, Viện Nuôi trồng thủy sản Trường Đại học Nha Trang đã thử nghiệm cho sinh sản và sản xuất giống cá hồng Mỹ thành công trong điều kiện khí hậu, thời tiết tại Khánh Hòa. Qua thực tế kiểm tra đàn cá bố mẹ ở Trạm Nghiên cứu nuôi biển Vũng Ngán cho thấy, tại đây, đàn cá bố mẹ có 84 con đang được nhóm thực hiện đề tài nuôi vỗ thành thục và cho sinh sản.
Cá hồng Mỹ có hình dáng thon dài, mình dày, trọng lượng khá lớn. Đàn cá bố mẹ có trọng lượng trung bình 4 - 5kg/con. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu đang ương nuôi khoảng 80.000 con cá hương và cá giống tại Trại sản xuất giống hải sản (Đường Đệ, phường Vĩnh Hòa, TP. Nha Trang). Khi số cá hương và cá giống này đạt cỡ 6 - 8cm là có thể chuyển cho người dân nuôi thương phẩm.
Đề tài “Chuyển giao công nghệ sản xuất giống nhân tạo cá hồng Mỹ tại Khánh Hòa” được thực hiện trong 2 năm (2014 - 2016) với kinh phí hơn 900 triệu đồng. Trong đó, kinh phí từ ngân sách sự nghiệp khoa học hơn 800 triệu đồng, nguồn kinh phí tự có của tổ chức hơn 100 triệu đồng. Mục tiêu cụ thể của đề tài là chuyển giao công nghệ sản xuất giống nhân tạo cá hồng Mỹ cho 6 cơ sở sản xuất giống ở Khánh Hòa.
Trên cơ sở kế thừa những kết quả nghiên cứu, sản xuất giống cá hồng Mỹ của các nước trên thế giới và nhiều tỉnh phía Bắc, cũng như sử dụng có chọn lọc kết quả nghiên cứu về sinh học, kỹ thuật sản xuất giống các loài cá biển khác, đề tài sẽ tập trung xây dựng mô hình mẫu về sản xuất giống nhân tạo cá hồng Mỹ phù hợp với điều kiện Khánh Hòa trước khi chuyển giao nhân rộng mô hình.
Hiện nay, các trại sản xuất giống cá biển tại Khánh Hòa chủ yếu sản xuất giống cá chẽm, cá giò, cá chim vây vàng, chưa có trại nào sản xuất giống cá hồng Mỹ. Do vậy, thông qua quá trình tập huấn chuyển giao công nghệ sản xuất giống cá hồng Mỹ, đội ngũ kỹ thuật viên các trại sẽ hiểu biết thêm về đặc tính sinh học cũng như giải pháp kỹ thuật để sản xuất giống đối tượng này. Việc phát triển sản xuất giống cá hồng Mỹ ở quy mô đại trà và chủ động sản xuất con giống chất lượng tốt tại địa phương sẽ góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi mới, thúc đẩy sự phát triển của các trại sản xuất giống hải sản cũng như các trang trại nuôi cá biển.
Sản phẩm của mô hình sản xuất giống cá hồng Mỹ gồm: 30 cặp cá bố mẹ (trọng lượng đạt từ 4 đến 5kg/con); 100.000 con cá hương (cỡ 1,5 - 2cm); 60.000 con cá giống (cỡ 6 - 7cm). Sản phẩm cá giống mà các cơ sở tiếp nhận công nghệ là 10.000 con/trại (kích thước đạt 6 - 7cm). Nhóm thực hiện đề tài sẽ nghiên cứu, xây dựng quy trình công nghệ sản xuất giống cá hồng Mỹ đạt tỷ lệ sống của cá bố mẹ >80%, tỷ lệ thành thục >70%, tỷ lệ trứng thụ tinh và tỷ lệ nở >80%; tỷ lệ sống của cá hương 10 - 12%; tỷ lệ sống cá giống 60 - 70%.
Nguồn bài viết: http://www.baokhanhhoa.com.vn/kinh-te/201411/ca-hong-my-doi-tuong-nuoi-moi-2354443/
Có thể bạn quan tâm

Trong khi nhiều hộ nông dân còn đang loay hoay tìm kiếm mô hình sản xuất phù hợp thì không ít người đã tự tìm ra hướng đi mới, đem lại lợi nhuận kinh tế ổn định cho gia đình. Mô hình trồng rong sụn kết hợp với nuôi cá ngựa của nông dân Lê Văn Hoàng, ở phường Cam Phúc Bắc, TP Cam Ranh (Khánh Hòa) là một hướng mới.

Liên bang Nga sẽ nghiên cứu khả năng cung cấp cho Việt Nam vật liệu di truyền cá hồi có nguồn gốc Nga và đề xuất một số loại cá thích hợp để tiến hành nghiên cứu khả năng thích nghi của loài này tại Việt Nam.

Thời gian qua, chăn nuôi bò sữa trên địa bàn tỉnh Bình Dương phát triển khá nhanh. Chi cục Thú y tỉnh đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, tham quan các mô hình để giúp người dân chăn nuôi bò sữa nâng cao kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng nhằm giảm chi phí, tăng lợi nhuận...

Việc phát triển các trang trại chăn nuôi ở các địa phương tuân thủ theo quy hoạch nông thôn mới, tạo ra sản lượng sản phẩm thịt, trứng lớn cung ứng cho thị trường nội địa và xuất khẩu với giá trị sản phẩm hàng hóa đạt hơn 100 tỷ đồng/năm, trong đó tỷ lệ lãi so với doanh thu đạt hơn 20%.

Mô hình trám ghép được đưa vào trồng trên đất xã Cẩm Tâm (Cẩm Thủy - Thanh Hóa) từ năm 2002 - 2003, do trạm khuyến nông huyện triển khai thực hiện. Theo đó, các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ toàn bộ tiền giống, tập huấn về quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc cây trám ghép.