Cá Chết Hàng Loạt Khiến Nông Dân Điêu Đứng

Những ngày qua, hàng chục hộ nông dân nuôi cá ở xã Gia Thủy, huyện Nho Quan (Ninh Bình) đứng ngồi không yên, đắng lòng nhìn hàng tấn cá sắp đến kỳ thu hoạch bị chết hàng loạt.
Theo phản ánh của các hộ nuôi cá ở đây, tình trạng cá nuôi chết ở đây diễn ra từ đầu tháng 8, song những ngày gần đây cá chết nhiều hơn, nổi trắng đầm, tấp vào bờ và bốc mùi hôi thối, gây thiệt hại lớn về kinh tế và ảnh hưởng đến môi trường. Ông Đinh Ngọc Quang, một trong những hộ nuôi cá cho biết: Khu đầm có 100 ha, tôi cùng 7 hộ nuôi khác đã thả gần 5 tấn cá giống, chủ yếu là cá trắm đen và cá chép với số vốn đầu tư 450 triệu đồng. Sau cơn bão số 5 và số 6, cá bỗng chết hàng loạt. Số tiền lớn mà mỗi hộ đã bỏ ra coi như mất trắng.
Còn anh Nguyễn Văn Kiên, chủ đầm nuôi cá ở xóm 8, Gia Thủy than thở: tỷ lệ cá chết lên tới 60 - 70%, mỗi con khoảng 1 - 2 kg. Hơn 4 tấn cá giống thả vụ này coi như mất trắng. Cá chết, chúng tôi còn phải bỏ tiền ra thuê người vớt, gom lại để chôn, dùng một số hóa chất để xử lý nguồn nước. Tuy nhiên, do diện tích nuôi cá lớn, nước sâu, lượng cá chết nhiều nên việc xử lý hiện nay cũng rất khó khăn.
Những người nuôi cá ở Gia Thủy hết sức lo lắng vì cá chết không có những biểu hiện của các loại bệnh thường gặp. Một số người cho biết: Đầu vụ chúng tôi đã thực hiện đầy đủ các quy trình làm vệ sinh ruộng nuôi, giống cá được mua ở những đơn vị có uy tín, mật độ thả cá cũng không lớn. Những ngày đầu mới thả, cá sinh trưởng, phát triển tốt, không có biểu hiện nào của dịch bệnh nhưng không hiểu vì sao mấy ngày nay cá lại chết hàng loạt như vậy.
Theo ông Đinh Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Thủy, những năm gần đây, nhờ phát triển mô hình lúa-cá nên đời sống người dân trong xã được nâng lên. Thu nhập từ việc nuôi cá cao gấp 5 - 7 lần so với cấy lúa. Toàn xã hiện có trên 150 ha thực hiện theo mô hình lúa - cá, tập trung ở các thôn Mỹ Thượng, Mỹ Lộc và Mỹ Thịnh.
Năm nay, do thời tiết diễn biến bất thường, đặc biệt là sau cơn bão số 5 và số 6, từ đầu tháng 8 đến nay đã xuất hiện tình trạng cá của các hộ dân chết hàng loạt. Trước thực trạng trên, UBND xã đã báo cáo với huyện để có biện pháp hỗ trợ, giúp các hộ dân tìm ra nguyên nhân cá chết để có biện pháp xử lý, khắc phục kịp thời. Trước mắt xã đã hướng dẫn các hộ dân thu gom cá chết mang đi tiêu hủy, đồng thời xử lý nguồn nước, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Trước thực trạng cá nuôi của các hộ dân chết hàng loạt, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản, Chi cục Thú y tỉnh phối hợp với Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT lấy mẫu cá chết để tiến hành các bước xác minh, phân tích các mẫu cá nhằm làm rõ nguyên nhân vì sao cá nuôi ở Gia Thủy bị chết.
Ông Hà Quốc Thịnh, Chi cục Phó Chi cục Thú y tỉnh cho biết: Qua kiểm tra ban đầu cho thấy, cá chết không có những biểu hiện của các loại dịch bệnh thường gặp như xuất huyết, đốm đỏ, mang cá cũng không bị tổn thương… Hiện chúng tôi đã lấy mẫu gửi đi cơ quan kiểm giám Thú y Trung ương để xét nghiệm cụ thể 9 loại bệnh truyền nhiễm của cá, đồng thời phối hợp với Chi cục Thủy sản kiểm tra môi trường vì nhiều khả năng do cơn bão số 5, 6 đã làm ô nhiễm môi trường ruộng nuôi dẫn đến cá chết nhiều.
Ngay sau khi nhận được thông tin cá chết nhiều tại Gia Thủy, Chi cục Thủy sản tỉnh đã cử cán bộ kỹ thuật trực tiếp hướng dẫn cho các chủ hộ các biện pháp phòng bệnh, nhanh chóng thu gom cá chết để tiêu hủy, vệ sinh ao đầm, dùng các hóa chất, chế phẩm sinh học để xử lý môi trường, bảo vệ những con nuôi còn sống.
Như vậy, nguyên nhân cá chết ở Gia Thủy không phải do dịch bệnh, nhưng vì sao cá nơi đây chết hàng loạt thì rất cần các cơ quan chức năng nhanh chóng nghiên cứu tìm ra để người dân sớm có những biện pháp xử lý tiếp theo.
Có thể bạn quan tâm

Theo Chi cục Thú y Hậu Giang, đến nay, tỉnh đã phê duyệt kế hoạch về phòng, chống dịch bệnh cá tra giai đoạn 2015 - 2020. Theo đó, hàng năm sẽ phấn đấu có 100% cơ sở sản xuất cá tra giống được thu mẫu giám sát dịch bệnh và được kiểm soát việc sử dụng thuốc, hóa chất, thức ăn thủy sản theo danh mục được phép lưu hành.

Những năm gần đây, người nuôi tôm ở xã Vạn Hưng (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) liên tục chịu cảnh trắng tay vì dịch bệnh và thời tiết. Vì thế, ngoài một số diện tích chuyển sang nuôi ốc hương, hàng chục hecta đìa nuôi tôm khác tại địa phương, nhất là vùng đìa K18 đang bỏ hoang…

Theo báo cáo của UBND huyện Bình Đại và Ba Tri (Bến Tre), những giếng khoan lấy nước mặn do nông dân khoan trái phép trong quy hoạch ngọt hóa đã được san lấp. Tuy nhiên, việc nông dân tự thay đổi mô hình làm ăn kinh tế phù hợp với điều kiện ngọt hóa thì vẫn còn rất chậm. Nguyên nhân là do có nhiều gia đình đã lâm vào kiệt quệ, nợ nần nên không thể tự chuyển mình. Hiện nay, một số ao bị bỏ không hoặc chỉ nuôi tôm cầm chừng…
Hiện mỗi năm Khánh Hòa có khoảng từ 25.000 - 28.000 lồng nuôi thương phẩm tôm hùm, tập trung tại các khu vực nuôi như: Vịnh Vân Phong - huyện Vạn Ninh, Vịnh Nha Trang và TP.Cam Ranh. Số lượng thả nuôi nhiều nhưng nguồn con giống khai thác tự nhiên tại địa phương chỉ đủ cung cấp từ 30 - 40% nhu cầu thả nuôi của các hộ dân.

Trong 6 tháng đầu năm 2015, tổng giá trị XK NT2MV đạt 40,21 triệu USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2014. Top 9 thị trường chiếm 92% tổng giá trị XK NT2MV của Việt Nam.Trong 6 tháng đầu năm 2015, Việt Nam XK NT2MV sang 48 nước, giảm 4 nước so với cùng kỳ năm 2014.