Cá Basa Việt Nam Vượt Vũ Môn

Từ năm 2000 - 2009, riêng kim ngạch xuất khẩu cá tra, basa đã tăng 930 lần về sản lượng và 560 lần về kim ngạch.
Trong khoảng thời gian chưa tới 10 năm, từ vài chục triệu USD, cá basa đã đem lại kim ngạch xuất khẩu trên 1,4 tỷ USD/năm với sản lượng 1,2 triệu tấn. Cá basa Việt Nam đã có mặt ở hơn 120 nước và dự báo sẽ càng tiến xa hơn nữa.
Ngược dòng Mekong tìm nơi cá đẻ
Cá tra, cá basa đã có ở Việt Nam từ trước năm 1975. Nhưng những năm 1980 - 1985 mới bắt đầu được thế giới biết đến khi có một công ty Úc qua Việt Nam tìm mua cá biển, cá thịt trắng và được giới thiệu cá basa.
Anh Ngô Phước Hậu - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thủy sản Agifish (An Giang), nhớ lại: "Lúc đó họ rất ưng ý cá basa, đã đặt hàng chúng tôi xuất khẩu. Sau đó một số nước ở châu Á, châu Âu biết tiếng cũng tìm qua mua với số lượng ngày càng lớn. Tình thế lúc ấy đặt ra cho chúng tôi nếu muốn tiếp tục phát triển con cá này ngày một lớn mạnh thì phải ương được giống nhân tạo. Nhưng lúc ấy ở Việt Nam rất khó tìm ra được con cá có trứng".
"Đó là vào đầu năm 1995. Đoàn gồm có ba thành phần: doanh nghiệp với đại diện là tôi, địa phương với đại diện là anh Bảy Nhị (ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch tỉnh An Giang - PV) cùng 2 nhà khoa học của Viện Cirad - Pháp và ĐH Cần Thơ. Cá ngược dòng sông Mekong, vượt hơn cả ngàn cây số lên đến tận thác Khổng của Lào để đẻ trứng" - anh Hậu kể lại.
Cá lội dưới nước, người đi theo trên bờ. Lúc đến Lào, ra chợ thấy người ta bày bán quá trời cá basa, cả đoàn mừng rỡ vì biết là đã sắp đến "ổ" của chúng. Sau khi đã tìm hiểu kỹ về điều kiện, môi trường sinh sản, đoàn nghiên cứu trở về Việt Nam. Mấy tháng sau đó, tin vui đã đến với bà con chài lưới ĐBSCL: Cá ở ao nghiên cứu ĐH Cần Thơ sau khi đẻ trứng đã nở thành cá!
...Đến vai trò thay thế của cá tra
Khi thị trường nước ngoài bắt đầu chuộng và yêu cầu cung cấp ngày một nhiều hơn thì con cá basa ngày càng thể hiện sự đuối sức. Các nhà nhập khẩu nước ngoài yêu cầu các doanh nghiệp Việt Nam tìm con cá khác thay thế. Họ cử các đoàn chuyên gia, nhà khoa học sang cùng phía Việt Nam nghiên cứu. Sau đó tất cả đã thống nhất chọn con cá tra thay thế vì nó có đặc điểm sinh trưởng, thịt phi lê tương tự cá basa.
Cá tra cũng đã có tại Việt Nam từ rất sớm, khoảng thập niên 50 - 60 đã thấy có cá tra ở vùng Đồng Tháp, An Giang. Cá tra có nguồn gốc từ Biển Hồ Campuchia, cũng xuôi theo dòng Mekong xuống Việt Nam. Sau đó lội ngược dòng về Biển Hồ để đẻ trứng.
Thịt cá tra không ngon bằng cá basa nhưng trứng nhiều, nuôi dễ hơn cá basa. Thời gian nuôi cũng chỉ bằng phân nửa thời gian nuôi cá basa. Cá tra lại có thể nuôi trong ao, rộng rãi hơn nhiều so với nuôi trong nhà bè của các basa. Năng suất cũng cao hơn.
Chính những lợi thế kinh tế này đã khiến cá tra dễ nuôi đại trà hơn và cùng với cá basa, phát triển với tốc độ vũ bão trong những năm sau đó, trở thành sản vật thần kỳ của Việt Nam trong công cuộc chinh phục người tiêu dùng thế giới. Chính cá tra và cá basa (mà Bộ NN&PTNT vừa chính thức ghép chung, coi như một với tên gọi cá basa) đã làm thay đổi toàn bộ diện mạo đời sống, cơ sở hạ tầng, kinh tế của người dân ĐBSCL.
Có thể bạn quan tâm

Tại Hội nghị sơ kết hoạt động XTTM các tỉnh, thành phố phía Nam 6 tháng đầu năm 2015, nhiều ý kiến cho rằng, hoạt động XTTM thời gian tới muốn hiệu quả hơn cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Sở Công Thương với Cục XTTM.

Huyện Chư Pah-tỉnh Gia Lai có diện tích gần 1.000 km2 , trong đó diện tích đất nông nghiệp chiếm hơn 37.430 ha. Sau 5 năm, nền kinh tế nông nghiệp của huyện đã có nhiều thay đổi, đời sống nông dân có nhiều khởi sắc, một phần nhờ vào việc chuyển đổi đúng hướng cơ cấu cây trồng trên địa bàn.

Một thời gian ngắn nữa chính sách mới về tín dụng dành cho nông nghiệp, nông thôn sẽ có hiệu lực thi hành. Đây là tín hiệu mừng cho doanh nghiệp và nông dân, góp phần vào việc khơi thông nguồn vốn tín dụng phục vụ lĩnh vực này…

Nhằm trang bị kiến thức khoa học kỹ thuật giúp cho nông dân, hàng năm, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã phối hợp với các cấp, các ngành đẩy mạnh việc chuyển giao khoa học kỹ thuật và mở các lớp dạy nghề bám sát nhu cầu thực tế của hội viên.

“Trong những năm qua, nhằm đẩy mạnh phát triển trồng trọt, ngành Nông nghiệp huyện Yên Minh đã chuyển đổi thành công nhiều bộ giống cây trồng mới với năng suất, chất lượng vượt trội; phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng của các địa phương. Qua đó nâng cao sản lượng lương thực, góp phần thúc đẩy sản xuất hàng hóa”. Đó là chia sẻ của đồng chí Hoàng Quang Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Minh.