Bưởi trái vụ hốt bạc

Ông Mai Văn Rẩy, ấp Hội Thành, xã Tân Hội (huyện Mỏ Cày Nam, Bến Tre) canh tác 6.000 m2 vườn dừa xen bưởi da xanh cho biết, bưởi da xanh rải vụ đang hút hàng mạnh và đứng ở mức giá rất cao. Bưởi da xanh loại 1,4 kg/trái trở lên được thương lái thu mua với giá 57.000đ/kg, loại 1,2 kg/trái giá 48.000đ/kg.
Với giá này nhà vườn trồng bưởi da xanh với diện tích lớn, điều khiển cho trái rải vụ đều hốt bạc tỷ. Việc cho bưởi ra trái nghịch vụ đối với người làm vườn ĐBSCL bây giờ không quá khó. Họ có thể điều khiển cho cây ra trái rải đều theo ý muốn để tránh dội chợ.
Ông Đặng Văn Nám, nhà vườn canh tác 3 ha bưởi da xanh ở ấp Kênh Giữa 2, xã Kế Thành (huyện Kế Sách, Sóc Trăng) khoe khoảng 20 ngày nữa là ông thu hoạch trên 15 tấn bưởi da xanh. Hiện tại, thương lái đã vào vườn ngã giá bưởi có trọng lượng từ 1,2 kg trở lên mua 53.000đ/kg. Với mức giá này ông ước tính lứa bưởi rải vụ này thu gần 800 triệu đồng...
Không chỉ bưởi da xanh có giá, mà bưởi Năm Roi cũng tăng cao. Ông Nguyễn Văn Mài, ấp Hòa Thành (xã Xuân Hòa, huyện Kế Sách, Sóc Trăng) cho biết, bưởi Năm Roi vụ nghịch cũng đang đứng ở mức trên 27.000đ/kg loại 1,2 kg/trái; loại 1 kg/trái trở lên có giá 24.000đ/kg. Tuy nhiên, để có được trái chín vào mùa này thì tháng 9, 10 năm trước nhà vườn phải điều khiển cho cây ra hoa, giờ mới có trái bán.
Ông Nguyễn Văn Lọ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Tân, Phú Hữu (huyện Châu Thành, Hậu Giang) phấn khởi cho biết, nhà vườn trồng bưởi Năm Roi ở xã Phú Tân đang trúng đậm với mùa bưởi nghịch vụ. Hiện Châu Thành có khoảng 1.500 ha bưởi Năm Roi đang cho trái. Tuy năng suất chỉ bằng 1/3 so với chính vụ, nhưng bù lại giá cao gấp 2 – 3 lần.
Ông Đàm Văn Hưng, chủ cơ sở thu mua bưởi da xanh Hương Miền Tây ở Ngã Ba Bềnh, xã Phước Mỹ Trung (huyện Mỏ Cày Bắc, Bến Tre) cho biết, bưởi da xanh và Năm Roi đang thiếu hụt nguồn cung. Mỗi ngày cơ sở chỉ thu mua được 10 tấn bưởi da xanh và Năm Roi, trong khi đó nhu cầu thị trường cần khoảng 30 tấn/ngày. Không chỉ trong nước mà ngay cả thị trường XK cũng đang có nhu cầu rất lớn.
Từ đầu năm 2015 đến nay đã có nhiều đối tác nước ngoài đến tham quan, đặt hàng mà cơ sở phải từ chối vì không đủ nguồn cung.
Ông Hưng khuyến cáo, để bảo vệ thương hiệu cho trái bưởi da xanh, bảo vệ người tiêu dùng, các nhà vườn không nên bán "bưởi non" cho các thương lái trong lúc thị trường khan nguồn cung. Bởi như vậy trái bưởi chưa đạt chất lượng nên sẽ mất dần uy tín với người tiêu dùng.
Có thể bạn quan tâm

Vụ trồng atiso năm 2013 - 2014, huyện Sa Pa (Lào Cai) hỗ trợ người dân trồng mới 15,2 ha cây atiso, nâng tổng diện tích cây dược liệu atiso của toàn huyện lên 47,2ha.

Với ưu điểm quả ngon, cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng lúa nên những năm gần đây, nhãn chín muộn đã trở thành cây làm giàu cho nhiều hộ dân trên địa bàn phường Phố Cò, T.X Sông Công (Thái Nguyên).

“Bò nuôi rẽ” là tên gọi do các gia đình tham gia mô hình đặt. Với mô hình này, người có bò sẽ cho người nghèo, người không có vốn sản xuất nhận nuôi. Sau khi bò mẹ đẻ bò con, người nhận nuôi được các chủ bò chia một nửa tổng giá trị.

Mấy năm trở lại đây, nông dân huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) chuyển đổi diện tích vườn cây kém hiệu quả sang trồng những loại cây có giá trị kinh tế cao như: sầu riêng, măng cụt, bưởi Năm Roi,... Riêng ấp Phương Bình, xã Phương Phú, nông dân đã chuyển gần 200ha sang trồng quít đường, thu lợi hàng trăm triệu đồng.

Các con vật lạ thường khó nuôi nhưng anh Mai Thế Hệ (ấp Bàu Trư, xã An Bình, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương) lại có đam mê tìm hướng làm ăn từ những vật khó nuôi đó và bước đầu anh đã đạt những kết quả khả quan.