Bưởi da xanh cây trồng đột phá

Bưởi da xanh có giá tại vườn khoảng 40-45 ngàn/kg, 1 ha bưởi từ sau 5 năm trở đi có thể cho sản lượng khoảng 30 tấn trái.
Vài năm trở lại đây, phong trào trồng bưởi da xanh được nhiều hộ nông dân ở xã Bảo Quang ra sức đầu tư phát triển.
Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang trồng bưởi da xanh khiến nhiều hộ trong xã không chỉ thoát nghèo mà đã vươn lên làm giàu, nhiều hộ thu nhập hàng tỷ đồng/năm.
Thương hiệu bưởi da xanh Bảo Quang đang ngày càng được thị trường đón nhận.
Cây bưởi da xanh đang là cây trồng đột phá kinh tế của người dân xã Bảo Quang.
Chúng tôi ghé thăm vườn bưởi da xanh của anh Trần Ngọc Cơ, ấp 18 Gia Đình, một trong những vườn bưởi mẫu, có quy mô và được đầu tư bài bản nhất xã Bảo Quang.
Lúc này, vợ chồng anh Cơ đang miệt mài kiểm tra chất lượng trái trước khi xuất bán cho thương lái.
Để có được vườn bưởi hái tiền tỷ mỗi năm này, đối với anh Cơ đó là cả một quá trình vươn lên, dám nghĩ dám làm.
Anh Cơ tâm sự: “Trước đây, hầu hết nông dân trong xã đều trung thành tuyệt đối với cây cà phê nhưng thu nhập rất bấp bênh.
Sau đó, cơn sốt hồ tiêu bùng lên tại địa phương, hàng trăm hộ nông dân lại vội vàng chặt bỏ cà phê, hồ hởi chuyển sang trồng tiêu. Gia đình tôi không bị cuốn theo “cơn lốc” lợi nhuận ấy.
Tuy nhiên, khi hàng trăm gốc hồ tiêu trong vườn chuẩn bị cho thu hoạch thì chúng lần lượt bị héo dây, rũ lá, thấy hết hy vọng nên buộc tôi phải nhổ bỏ để cải tạo lại vườn”.
Theo anh Cơ, sau đợt đó, anh không chạy theo phong trào “trồng chặt, chặt trồng” nữa vì thấy không bền vững nên quyết tâm đi tìm một loại cây trồng mới, đột phá làm kinh tế.
Tình cờ được người bạn giới thiệu về mô hình trồng bưởi da xanh ở các tỉnh miền Tây cho hiệu quả kinh tế rất cao, anh Cơ lặn lội đi học hỏi kinh nghiệm rồi mua cây giống về trồng.
Lúc đầu, anh chỉ trồng thử vài chục cây bưởi giống xen vào những trụ tiêu vừa bị chết.
Chỉ sau 3 năm những gốc bưởi này đồng loạt cho trái bói, mỗi cây trung bình đậu được gần 20 quả, thu về trên dưới 50 triệu đồng.
Trên đà phát triển, anh Cơ mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ diện tích vườn tiêu sang trồng bưởi da xanh.
Đến nay, gia đình anh đã có vườn bưởi rộng đến 2,5 ha với 200 gốc bưởi lớn đã 9 năm tuổi và 150 gốc bưởi nhỏ 4 năm tuổi, mỗi năm thu 40 - 45 tấn bưởi thương phẩm.
Với giá bán được thương lái thu mua tận vườn ổn định 40.000 đồng/kg, mỗi năm gia đình anh thu về trên dưới 1,5 tỷ đồng.
Sau khi trừ chi phí, vợ chồng anh bỏ túi gần 1 tỷ đồng tiền lãi.“So với cây cà phê thì hiệu quả kinh tế từ cây bưởi mang lại gấp hàng chục lần, con số này tương đương với trồng hồ tiêu.
Hơn nữa, khi chuyển đổi sang trồng cây ăn trái như bưởi da xanh sẽ giúp người nông dân giảm thiểu rất nhiều rủi ro.
Chưa bao giờ tôi thấy bưởi da xanh tại địa phương gặp khó về đầu ra”, anh Cơ nói.
Theo kinh nghiệm của anh Cơ, bưởi da xanh là loại cây trồng rất thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu của địa phương.
Đây là loại cây khá dễ trồng và chăm sóc, ít dịch bệnh.
Thị trường tiêu thụ bưởi da xanh hiện nay rất thuận lợi.
Bưởi da xanh có giá trung bình khoảng 40.000 đồng/kg, gia đình anh thu hoạch được bao nhiêu, thương lái vào thu mua hết bấy nhiêu.
Trao đổi với PV, ông Trần Công Nghị, Chủ tịch UBND xã Bảo Quang cho biết: “Nhiều năm trước, người dân trong vùng không ai nghĩ có thể trồng được bưởi da xanh ở đây.
Việc bà con mạnh dạn đưa cây bưởi da xanh vào sản xuất tại địa phương là một hướng đi mới, hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai.
Bởi địa bàn xã Bảo Quang nói riêng và TX Long Khánh nói chung là vùng chuyên canh các loại cây ăn trái.
Cùng với việc khuyến khích bà con mở rộng diện tích trồng bưởi da xanh, địa phương còn đang vận động bà con tham gia thành lập các tổ hợp tác, liên kết SX để tạo tiền đề xây dựng các mô hình SX bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP”.
Theo ông Nghị, phong trào trồng bưởi da xanh được bà con trong xã phát triển mạnh từ 5 năm trở lại đây.
Qua thực tiễn sản xuất tại một số hộ dân cho thấy, cây bưởi da xanh rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương.
Nếu canh tác tốt, mỗi năm loại cây này có thể cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha.
Hiện nay, diện tích trồng bưởi da xanh trên địa bàn xã đã phát triển lên 60 ha, trong đó 40 ha đang cho thu hoạch trái ổn định...
Có thể bạn quan tâm

Cuối năm 2011, từ Dự án Thoát nghèo bền vững, huyện Thuận Nam đã triển khai Chương trình Nuôi bò vỗ béo cho nông dân Trà Nô, xã Phước Hà. Sau một năm thực hiện, chương trình đã mang lại tín hiệu vui cho nhiều hộ nghèo.

Các doanh nghiệp xuất khẩu và nhiều hộ nuôi tôm ở ĐBSCL đang lo lắng khi Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa có quyết định sơ bộ, cho rằng các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu tôm của Việt Nam được trợ cấp từ Chính phủ Việt Nam nên DOC áp thuế chống trợ cấp tôm nước ấm từ Việt Nam lên mức rất cao 5,08% - 7,05%. Đây là mức thuế vô cùng bất lợi đối với các doanh nghiệp xuất khẩu tôm vào thị trường Mỹ.

Mấy tháng gần đây, nghêu giống trong nước rớt giá mạnh do nghêu giống có nguồn gốc từ Trung Quốc tràn sang ồ ạt với giá rất thấp. Điều này khiến nhiều người ương nghêu giống ở ven biển Tân Thành (Gò Công Đông, Tiền Giang) không bán được giống, thua lỗ vì đã mua nghêu cám (nghêu giống loại nhỏ hơn) trước đó để ương với giá cao.

Đây là nhận định của ông Trần Thanh Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản TP.Cần Thơ nêu ra tại hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp TP.Cần Thơ năm 2012, diễn ra ngày 3.1.

Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ thực vật thị xã Hồng Ngự (Đồng Tháp) vừa tổ chức hội thảo mô hình “Sử dụng nước thải ao nuôi cá tra tưới lúa” vụ lúa thu đông năm 2012. Trên 30 bà con nông dân trên địa bàn thị xã tham dự.