Bưởi có giá, nông dân phấn khởi

Mô hình trồng bưởi da xanh của ông Lê Văn Chiến
Theo như các hộ trồng bưởi, hiện giá hai loại bưởi năm roi và da xanh đang ở mức khá cao. Từ đầu năm đến nay, bưởi da xanh được thương lái thu mua với giá dao động 35.000 - 60.000 đồng/kg và từ 20.000 - 35.000 đồng/kg đối với bưởi năm roi.
Ông Lê Văn Chiến, ở ấp Long Trị, xã Bình Phú, huyện Càng Long cho biết: Gia đình tôi có 1,2ha chuyên trồng bưởi da xanh (0,2ha trồng được 07 năm tuổi, 01ha mới trồng). Bưởi da xanh từ đầu năm đến nay được giá và ổn định từ 35.000 - 60.000 đồng/kg (tùy theo mùa).
Với 0,2ha bưởi đang cho trái ổn định, năng suất ước đạt 06 tấn/năm, bán với giá nêu trên, ước lợi nhuận 70 triệu đồng. Riêng bưởi năm roi, nhiều nông dân ở địa phương bán với giá dao động từ 20.000 - 35.000 đồng/kg.
Dự báo giá bưởi sẽ còn tiếp tục tăng cao trong thời gian tới. Hiện các nhà vườn trồng bưởi ở đây đang ra sức chăm sóc vườn bưởi của gia đình sao cho trái đạt chất lượng, mẫu mã tốt nhất phục vụ thị trường.
Còn ông Võ Văn Lan, ở ấp Sóc Thát, xã Nguyệt Hóa, huyện Châu Thành nói: Gia đình tôi có 02ha đất vườn chuyên trồng dừa. Để tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích đất canh tác, vừa qua tôi trồng 100 cây bưởi da xanh xen trong vườn dừa đang cho trái.
Hiện bưởi da xanh đã cho trái, với giá bưởi như hiện nay, mỗi năm lợi nhuận từ bưởi gia xanh khoảng 20 triệu đồng.
Nguyên nhân bưởi liên tục tăng giá và ổn định trong thời gian qua là do những năm trước dịch bệnh trên cây bưởi tăng cao, nhất là bệnh vàng lá Greening, sâu đục trái bưởi làm giảm năng suất và diện tích nên sản lượng “cung không đủ cầu”.
Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh, ông Lê Văn Bé cho biết: Công tác phòng trị sâu bệnh trên cây ăn trái trong thời gian qua còn nhiều hạn chế, hiện có khoảng 3.800ha cây có múi bị nhiễm vàng lá Greening, bệnh ghẻ, vàng lá thối rễ… đặc biệt là sâu đục trái bưởi làm giảm năng suất, đến nay vẫn chưa được phòng trị hiệu quả.
Để nâng cao chất lượng và phòng, trị hiệu quả các loại sâu bệnh vườn cây ăn trái trên địa bàn tỉnh, đòi hỏi các địa phương quan tâm quy hoạch lại việc sản xuất, chuyển giao khoa học-kỹ thuật, chế biến và tiêu thụ trái cây.
Chú ý chọn lọc các giống cây ăn trái chất lượng, giống đặc sản có giá trị cao để có chính sách khuyến khích nông dân phát triển trồng và có đầu tư đúng mức cho các khâu bảo quản, chế biến và xúc tiến thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Đồng thời, tích cực vận động người dân cải tạo các vườn cây ăn trái, mạnh dạn chặt bỏ các vườn cây và giống cây ăn trái già cỗi, kém chất lượng để chuyển sang các loại cây trồng khác có hiệu quả hơn.
Bưởi hiện đang có giá và ổn định, nhưng nhiều nhà vườn trồng bưởi rất lo lắng bởi đầu ra không ổn định, rất dễ bị thương lái ép giá.
Nhiều nhà vườn đang mong muốn ngành hữu quan thành lập nhiều tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất bưởi để trao đổi kinh nghiệm trồng và hướng dẫn kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, nhằm đảm bảo nhu cầu thị trường xuất khẩu.
Có thể bạn quan tâm

Ngày 5-12, tại Hội nghị tổng kết niên vụ 2013-2014, ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa), cho biết tổng lượng cà phê xuất khẩu toàn vụ đạt gần 1,7 triệu tấn với kim ngạch 3,4 tỉ USD (tăng hơn 17% về lượng, 12,5% về giá trị so với niên vụ trước).

Quản lý dịch bệnh trong chăn nuôi là biện pháp hữu hiệu trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, hiện nay công tác này của ngành chức năng Tuyên Quang đang gặp khó khăn bởi nguồn giống phục vụ chăn nuôi không bảo đảm và kết quả công tác tiêm phòng hằng năm cho đàn gia súc, gia cầm vẫn đạt thấp.

Mấy năm gần đây, tại thôn 5, xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang (Đà Nẵng), hoạt động nuôi thỏ giống nhập ngoại rất phát triển, các trang trại nuôi quy mô lớn thi nhau ra đời. Một trong số đó là trại thỏ Quốc Cường của chàng trai trẻ Dương Văn Chính (ngụ tại phường Hòa Khánh Nam, Liên Chiểu, Đà Nẵng).

Theo tính toán của ông Liệt, trung bình mỗi năm, vườn măng cụt, sầu riêng của gia đình thu được khoảng 20 triệu đồng (chưa tính tiền mua phân bón, thuốc), nhưng nhờ trồng thêm các loại cây kiểng bán lá nên thu nhập đã tăng thêm khoảng 20 triệu đồng/năm (cứ 1,5 tháng, ông Liệt thu hoạch lá bán 1 lần, thu về khoảng 3 triệu đồng).

Sáng 17-7, Ban Quản lý dự án “Hợp tác tăng cường phát triển ca cao bền vững” (thuộc Cục Trồng trọt) tổ chức hội thảo “Bài học kinh nghiệm tại Dak Lak và các giải pháp phát triển ca cao bền vững cho khu vực Tây Nguyên” nhằm đánh giá thực trạng phát triển ca cao và truyền thông trong ngành hàng ca cao ở Dak Lak.