Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Bước Chuyển Tam Nông

Bước Chuyển Tam Nông
Ngày đăng: 04/06/2014

Hạ tầng nông thôn được kiện toàn qua 5 năm (2009 - 2014) triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn (gọi tắt là tam nông) là tiền đề để huyện Thăng Bình thúc đẩy sản xuất, nâng cao thu nhập cho người lao động, từng bước thay đổi bộ mặt nông thôn.

Hạ tầng đồng bộ

Tuyến đường từ Quán Gò (xã Bình An) dẫn vào trung tâm xã Bình Nam phẳng phiu, được hoàn thành trong năm qua đã đem lại niềm hân hoan cho người dân địa phương. Sự tập trung chỉ đạo quyết liệt của huyện cùng với sự đồng tình hưởng ứng của người dân đã khiến cho con đường quanh năm dãi dầu bùn bụi này được xây dựng khang trang.

Các tuyến đường liên xã, liên huyện như Bình Nam - Bình Triều, Bình Chánh - Bình Tú, Bình Giang - Bình Dương… cũng được nâng cấp trong thời gian gần đây. Đến thời điểm này, huyện Thăng Bình đã có bước đột phá mạnh mẽ về giao thông khi đã xây dựng được hơn 263km đường bê tông nông thôn trong 5 năm qua.

Con số 102km đường ĐH được hoàn thiện trong khoảng thời gian này cũng đã cho thấy sự nỗ lực của toàn huyện. Thăng Bình được Chính phủ tặng cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua phát triển giao thông nông thôn năm 2010. Cùng với hạ tầng giao thông, nhiều công trình thủy lợi đã được xây dựng, phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Từ năm 2009 đến nay, Thăng Bình đã xây dựng được 10 ao thu gom nước nhỉ, 5 trạm bơm, 7 đập dâng, mở mới 3 tuyến kênh. Huyện kiên cố hóa kênh mương nội đồng được 27,75 km. Sáng kiến xây dựng kênh tưới nội đồng bằng ống nhựa kín theo nguyên tắc bình thông nhau đã đem lại hiệu quả cao, được phát triển nhân rộng trong toàn tỉnh.

Ông Phan Công Vỹ, Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết, hạ tầng nông thôn được đầu tư đã đóng vai trò đòn bẩy giúp kinh tế nông thôn trên địa bàn huyện khởi sắc. Giá trị sản phẩm ngành nông nghiệp của huyện vào thời điểm này là hơn 600 tỷ đồng, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm là 4,5%. Trong 5 năm qua, để triển khai quy hoạch cánh đồng mẫu, cánh đồng tập trung, huyện đã triển khai dồn điền đổi thửa được 5.839ha.

Việc chỉnh trang lại đồng ruộng, quy hoạch hệ thống giao thông nội đồng, kênh mương thủy lợi cũng như đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng đã khiến cho các quy trình sản xuất được thuận lợi hơn. Đến thời điểm này, 8/33 cánh đồng mẫu ở các xã Bình Tú, Bình Chánh, Bình Giang, Bình Trung, Bình Nam, Bình Quý, Bình Nguyên đã cho hiệu quả cao khi năng suất lúa đã tăng từ 10 - 15 tạ/ha.

Trên địa bàn huyện đã hình thành hơn 1.400 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, giải quyết việc làm cho hơn 3.600 lao động. “Các làng nghề tiêu biểu đã không ngừng cải tiến kỹ thuật, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, khẳng định thương hiệu, đáp ứng nhu cầu của thị trường”  -  ông Phan Công Vỹ nói.

Chú trọng công nghệ mới

Trong 5 năm qua, việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi của huyện Thăng Bình đã làm nổi bật một số mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao. Giá trị bình quân trên một héc ta canh tác đạt 30 triệu đồng. Nhờ ứng dụng kịp thời tiến bộ khoa học kỹ thuật và các biện pháp phòng ngừa, khống chế dịch bệnh nên chăn nuôi gia súc, gia cầm có bước phát triển khá. Sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản bình quân hàng năm của huyện đạt 6.320 tấn.

Giá trị công nghiệp đạt 300 tỷ đồng. Sản xuất công nghiệp tăng bình quân hằng năm 31,95%. Huyện đã xây dựng 3 cụm công nghiệp: Hà Lam - Chợ Được, Kế Xuyên - Quán Gò, Nam Hà Lam với sự đầu tư sản xuất của 20 doanh nghiệp, giải quyết việc làm cho hơn 2.500 lao động địa phương. Giá trị thương mại - dịch vụ của huyện đạt 400 tỷ đồng.

Theo ông Phan Công Vỹ, những thành tựu về khoa học, công nghệ được tập huấn, chuyển giao và ứng dụng đã đem lại hiệu quả cao trong quá trình sản xuất của người dân. Chương trình 3 giảm 3 tăng trong sản xuất lúa; cơ giới hóa trong khâu làm đất, thu hoạch ngày càng được chú trọng.

Nếu như tỷ lệ cơ giới hóa vào năm 2010 ở Thăng Bình là 40% thì đến nay đã đạt hơn 72%. Khâu thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp từ 0% diện tích vào năm 2010 đã chuyển lên hơn 50% diện tích vào thời điểm này.

Thăng Bình đang có kế hoạch phối hợp với một số trường đại học để thực hiện các đề tài khoa học, qua đó ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất nhằm tạo ra những đột phá về năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất.

Cùng với đó là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khảo nghiệm, chọn lọc, sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, vật nuôi trên địa bàn. Đồng thời huyện tăng cường công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư để chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và xây dựng mô hình canh tác nông - lâm kết hợp, mô hình kinh tế trang trại có triển vọng.

Ông Nguyễn Văn Ngữ, Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết, huyện đang đề ra các mục tiêu cụ thể để tiếp tục tạo nên các bước chuyển biến về tam nông trong thời gian đến. Theo đó, từ nay đến năm 2015, giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tăng bình quân 4,5%.

Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 8%; tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo nghề chiếm 45%; hằng năm giải quyết việc làm từ 2.000 - 2.500 lao động; hoàn thành 80% chương trình giao thông nông thôn, 100% đường ô tô đến trung tâm xã, 80% giao thông nội đồng; phấn đấu đạt 100% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch.

“Giải pháp của chúng tôi là đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, coi đó là cú hích để phát triển nông nghiệp, nông thôn. Cùng với đổi mới cơ cấu vốn đầu tư phục vụ cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, huyện sẽ có cơ chế ưu tiên để thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh ở địa bàn nông thôn.

Quy hoạch hình thành vùng sản xuất giống hàng hóa; vùng sản xuất gạo chất lượng cao; vùng sản xuất rau theo hướng VietGAP cũng là những ưu tiên của huyện” - ông Nguyễn Văn Ngữ nói.


Có thể bạn quan tâm

Khảo Nghiệm, Cung Ứng Nhiều Giống Vật Nuôi Mới Khảo Nghiệm, Cung Ứng Nhiều Giống Vật Nuôi Mới

Trạm Giống gia súc Long Mỹ (TGGSLM - tại xã Phước Mỹ, TP Quy Nhơn, Bình Định) đã chọn lọc, nhân giống và bảo tồn đàn giống vật nuôi gốc của tỉnh; tổ chức du nhập, nuôi khảo nghiệm, cung ứng các giống vật nuôi mới, năng suất cao, cùng với chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người chăn nuôi đạt hiệu quả cao.

13/07/2013
Đào Ao Ương Cá Tra Giống Ôm Nợ Vì Bất Chấp Khuyến Cáo Đào Ao Ương Cá Tra Giống Ôm Nợ Vì Bất Chấp Khuyến Cáo

Những ngày này, người dân ương cá tra giống ở 2 xã Thạnh Lộc, Mỹ Thành Bắc, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đang khóc dở, mếu dở vì cá tra giống. Cá giống đã quá lứa nhưng bán giá rẻ cũng chẳng ai mua. Viễn cảnh phá sản, nợ nần chồng chất đang treo lơ lửng trên đầu người dân.

15/07/2013
Cây Sapô Giúp Nhiều Nông Hộ Làm Giàu Ở Châu Thành (Tiền Giang) Cây Sapô Giúp Nhiều Nông Hộ Làm Giàu Ở Châu Thành (Tiền Giang)

Châu Thành (Tiền Giang) có tổng diện tích vườn trồng cây ăn trái gần 12.000 ha, trong đó có 1.600 ha cây sapô. Trong đó, Kim Sơn là xã trồng nhiều nhất gần 600 ha. Thời gian gần đây, cây sapô "Mặc Bắc" Kim Sơn đã được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận.

23/04/2013
Phát Triển Mô Hình Cá Rô Phi Đơn Tính Hướng Quy Trình GAP Phát Triển Mô Hình Cá Rô Phi Đơn Tính Hướng Quy Trình GAP

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Dương vừa hỗ trợ cho nông dân xã Long Tân (Dầu Tiếng) thực hiện Dự án khuyến nông Trung ương “Phát triển nuôi cá rô phi đơn tính đực hướng quy trình GAP”. Bước đầu, Trung tâm Khuyến nông tỉnh chọn 3 hộ ở ấp Bờ Cảng có đủ điều kiện về ao nuôi, nhân lực, kinh phí và tự nguyện cùng đầu tư làm điểm, với quy mô 10.000m2.

15/07/2013
Giá Trứng Gà Tăng Mạnh Giá Trứng Gà Tăng Mạnh

Hiện giá trứng gà bán tại các trại ở Đồng Nai khoảng 2.100 - 2.200 đồng/trứng, tăng khoảng 400 đồng/trứng so với cách đây hơn 1 tuần. Giá trứng gà đột ngột tăng cao là do đầu ra hút hàng. Theo một số chủ trang trại nuôi gà đẻ trứng ở các huyện Xuân Lộc, Trảng Bom, gần 1 tháng nay thời tiết nắng nóng, thi thoảng có mưa lớn khiến nhiệt độ thay đổi đột ngột làm sản lượng trứng gà tại các trại giảm 20 - 30%.

24/04/2013