Bùng Phát Dịch Tôm Đồng Mỹ Trung (Bình Định)

Vùng nuôi tôm Mỹ Trung, thuộc thôn Đông Điền, xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước - Bình Định), có diện tích hơn 31 ha. Vụ nuôi tôm năm nay, người nuôi tôm ở đây mới thả tôm giống 12 ngày thì tôm bị dịch bệnh chết hàng loạt, đến nay lan rộng trên 23 ha.
Vụ nuôi tôm năm nay thuận lợi hơn mọi năm do đợt lũ lịch sử tháng 11 năm ngoái phần nào làm sạch môi trường. Phần đông bà con mua tôm thẻ chân trắng (TTCT) đã qua kiểm dịch của Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam - chi nhánh Bình Định 3, ở xã Mỹ An - Phù Mỹ, và của Công ty Việt Úc ở Bình Thuận về thả nuôi từ 1 - 9.3.2014 và nuôi mới 12 ngày đã xảy ra dịch bệnh làm cho tôm chết hàng loạt, đến nay đã lan rộng trên 23 ha.
Ông Phan Văn Chạy, Chi hội trưởng Chi hội nuôi tôm đồng Mỹ Trung, than thở: Vụ nuôi tôm năm nay ai cũng đều tin tưởng sẽ thắng lợi, không ngờ mới thả tôm giống vào nuôi được 12 ngày thì xảy ra bệnh thân đỏ đốm trắng trên diện tích 1 ha, sau đó lan rộng ra toàn vùng. Hiện tại còn 8 ha mới nuôi 1 tháng tuổi chưa xảy ra dịch bệnh, nhưng bà con cũng rất lo lắng.
Ông Đỗ Ngọc Du, một trong 6 hộ thả tôm giống của Công ty Việt Úc, cho biết: “6 hộ chúng tui đều mua giống TTCT về thả cùng ngày 4.3 trên 6 ao nuôi có tổng diện tích 3 ha. 12 ngày sau, tôm dạt vào bờ chết, lấy mẫu đi xét nghiệm mới biết bị bệnh đốm trắng.
Chúng tôi nghi ngờ có thể tôm mang mầm bệnh từ bố mẹ, chứ thường tôm nuôi ít ra cũng từ 1 tháng trở lên mới xảy ra dịch bệnh. Riêng phần tôi với diện tích 7.500 m2, thả 25 vạn TTCT, chi phí cải tạo ao, mua tôm giống, thức ăn, xăng dầu hết 50 triệu đồng đã đi tong”.
Nhiều hộ nuôi tôm thâm niên ở đây cho rằng, 2 năm liên tiếp mất mùa nên việc đầu tư cải tạo ao nuôi của bà con thiếu đồng bộ, chỉ 70% số hồ cải tạo bài bản, còn lại cải tạo sơ sài và có chủ hồ cứ để vậy thả nuôi TTCT mua trôi nổi trên thị trường. Mặt khác, hệ thống cấp nước và thải nước mặc dù có 2 kênh riêng biệt, nhưng lại chung một cống dẫn và thoát nước nên khi một ao tôm bị dịch bệnh thải nước ra môi trường, ao khác lấy vào thì việc lây lan bệnh là khó tránh khỏi.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thắng, cho biết: Tuy ở đây có chi hội nuôi tôm cộng đồng, nhưng hoạt động không hiệu quả, mạnh ai nấy làm, khi xảy ra dịch bệnh, chính quyền địa phương và ngành chức năng đến kiểm tra, xử lý, các hộ nuôi tôm không hợp tác, nên không thể dập dịch triệt để được.
Có thể bạn quan tâm

Chiều qua 12.6, ông Lê Hữu Châu - Phó phòng NN&PTNT Quế Sơn cho biết, do nắng nóng trên diện rộng, hàng loạt hồ chứa và đập dâng cạn kiệt nước nên hiện nay trên địa bàn huyện có khoảng 300ha lúa hè thu đang trong giai đoạn mạ non bị khô hạn nghiêm trọng.

Theo Bộ NN-PTNT, với quy định này, ngư dân có thể đóng mới, cải hoán, nâng cấp tàu khai thác hải sản, tàu dịch vụ hậu cần. Khi vay vốn, ngư dân có thể thế chấp bằng tàu đóng mới, tàu cải hoán, tàu nâng cấp để đảm bảo vốn vay.

Năm 2013, tỉnh Cà Mau bắt tay triển khai Đề án nâng cao chất lượng tôm giống, Đề án được kỳ vọng sẽ tạo được nguồn giống đủ lớn nhắm đáp ứng nhu cầu nuôi tôm trong tỉnh.

Đến hết tháng 5-2014, toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long đã thả nuôi 2.954 ha, diện tích thu hoạch 1.478 ha, sản lượng thu hoạch hơn 335 nghìn tấn cá tra. Giá cá tra nguyên liệu trong tháng 4-2014 đạt đỉnh điểm với mức 27 nghìn đồng/kg, với mức giá này người nuôi có lãi để tái sản xuất.

Theo tin từ UBND thành phố Hội An cho biết, trong 5 tháng đầu năm, ngư dân Hội An đã khai thác được hơn 8 nghìn tấn thủy sản các loại, đạt 60,4 % kế hoạch năm.