Bơm Nước Vào Bò Trước Khi Giết Mổ Kiểu Làm Ăn Gian Dối Mới

Mỗi con bò trước khi giết mổ được chủ cơ sở bơm nước cưỡng bức vào bụng sẽ thu lợi thêm khoảng 2-3 triệu đồng. Đây không chỉ là hành vi gian lận mà nguy hại hơn, chất lượng thịt giảm đáng kể do nước bơm vào đều bị ô nhiễm.
Khoảng 1 giờ sáng ngày 15-9, khi kiểm tra tại cơ sở của bà Nguyễn Thị Nga, trú phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu), nhân viên thú y phát hiện một con bò chừng 150kg đã lăn đùng ra chết. Nhìn con bò bụng căng tròn nằm trên nền đất, mọi người đều cho rằng, bị bơm nước quá nhiều dẫn đến chết bất thường. Con bò này được cơ quan thú y tiêu hủy ngay sau đó.
Trước đó, khuya 29-8, tại cơ sở giết mổ bò của bà Hoàng Thị Minh Huy (phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ), lực lượng thú y bắt quả tang cơ sở đang bơm nước vào bụng một con bò. Trước chứng cứ không thể chối cãi, cơ sở này bị lập biên bản vi phạm hành chính và nộp phạt 3,5 triệu đồng, đồng thời ký cam kết không tái phạm.
Vụ bơm nước vào bụng bò bị bắt quả tang tại cơ sở của bà Hoàng Thị Minh Huy và vụ con bò chết bất thường tại cơ sở của bà Nguyễn Thị Nga nêu trên chỉ là một phần nhỏ của tình trạng làm ăn gian dối, kiếm lợi bất chính trong hoạt động giết mổ bò ở Đà Nẵng.
Ông Lê Văn Chánh, Phó Giám đốc Trung tâm Giết mổ gia súc gia cầm Đà Sơn, cho biết tình trạng bơm nước vào bụng bò diễn ra lâu nay. Lợi dụng thời điểm ban đêm ít người để ý, các cơ sở giết mổ bơm nước vào bụng bò rồi đưa vào giết mổ vào sáng hôm sau. Người ta dùng ống nhựa đút sâu vào họng bò, xả nước vào. Mỗi con bò trước khi đưa vào giết mổ, đều bị bơm vào bụng khoảng 25-30 lít nước.
Tăng cường lực lượng giám sát
Ông Trần Tới, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y thành phố, cho biết mỗi con bò bơm nước như vậy, họ thu lợi thêm khoảng 2-3 triệu đồng. Hành vi này không chỉ gian lận thương mại, mà nguy hại hơn, chất lượng thịt giảm đáng kể do nước họ bơm vào đều bị ô nhiễm. Nước bẩn thấm qua thớ thịt bò, nhiễm vi sinh, rất nguy hiểm khi sử dụng thịt bò tái. Thường thì, thịt bò bị bơm nước có màu nhợt nhạt, độ đàn hồi kém và rất nhanh hỏng. Cứ 1kg, để chừng vài ba tiếng đồng hồ chỉ còn 0,7 đến 0,8kg.
Để ngăn chặn hành vi làm ăn gian dối của các cơ sở giết mổ bò, Chi cục Thú y đã kiên trì mai phục nhiều đêm liền. Vừa qua, tại Trung tâm Chế biến gia súc gia cầm, nơi có 4 hộ giết mổ bò, mỗi đêm giết mổ hơn 60 con, Chi cục tăng cường thêm 2 cán bộ thú y chuyên giám sát hoạt động giết mổ bò. Kiểm tra đầu vào trước giết mổ, phát hiện thấy dấu hiệu bất thường, lập tức đình chỉ giết mổ, chuyển sang ngày hôm sau. Với giải pháp này, hơn chục ngày qua, cơ quan thú y đã đình chỉ giết mổ vài chục con do phát hiện bò có bụng to bất thường. Chi cục đã yêu cầu đơn vị chủ quản cắt hệ thống cấp điện và nước tại khu vực giết mổ bò từ 13 giờ đến 21 giờ hằng ngày, để các chủ lò mổ không còn cơ hội bơm nước vào bụng bò.
Ông Nguyễn Thành Thái, cán bộ thú y, phụ trách tại Trung tâm Chế biến Gia súc gia cầm Đà Sơn, cam kết: Lực lượng thú y đặc biệt chú trọng đến khâu tuyên truyền, phân tích cho các cơ sở giết mổ bò về tác hại của việc làm ăn gian dối này, buộc họ ký cam kết không vi phạm. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, giám sát, nhất là khâu kiểm dịch trước khi giết mổ. Bò nhập vào sau 5 giờ chiều đều phải để lại hôm sau, đề phòng bị bơm nước trên đường vận chuyển. Trước đây, tại khu vực giết mổ bò chỉ 1 nhân viên, nay đã tăng cường thêm 2, liên tục giám sát cả ngày lẫn đêm...
Có thể bạn quan tâm

Nhiều vấn đề được đặt ra, như: thiếu nguồn vốn xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở để đạt các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; chương trình cây con chủ lực; quy hoạch sản xuất nông nghiệp; quy hoạch vùng phát triển chăn nuôi, cơ sở giết mổ tập trung; công tác triển khai vụ đông - xuân 2014-2015 và công tác phòng chống lụt bão…

Hiện nay, nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng là hướng đến sử dụng các sản phẩm chất lượng cao và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đáp ứng nhu cầu này, tại xã Tân Thuận Đông (TP.Cao Lãnh) người dân đã dần áp dụng mô hình sản xuất bao trái sạch, an toàn khá hiệu quả.

Ngày 16/10, tại Khách sạn Iris (TP.Cần Thơ), Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Cần Thơ (VCCI) phối hợp với Hiệp hội cá tra Việt Nam tổ chức Hội thảo công nghệ chế biến thực phẩm gia tăng giá trị cho ngành cá Việt Nam.

Những năm gần đây, người dân ồ ạt trồng mới cũng như chưa nắm bắt được kỹ thuật canh tác bền vững nên xảy ra tình trạng dịch bệnh trên cây tiêu. Trước tình hình đó, huyện Chư Pưh đã kịp thời đưa ra nhiều giải pháp để khắc phục, nhất là việc phổ biến kiến thức trong canh tác cây tiêu theo hướng bền vững.

Trong căn nhà tường còn mới, hai vợ chồng ông Lê Văn Đông, ở ấp Đông Bình, ngồi kể chuyện một thời nghèo khó. Ông Đông nhớ lại: “Cha mẹ đông con nên chia cho hai vợ chồng tui 2 công đất. Ra riêng, tui lúc đó vừa đi làm mướn, vừa làm ruộng, vậy mà nghèo hoài không dứt ra được. Khoảng bảy năm trước, khi bắt đầu trồng cam sành thì cuộc sống tui mới đỡ hơn”.