Bỏ Việc Thầu Ruộng Hoang Trồng Rau Sạch

Khổ sở với đồng lương ba cọc ba đồng không đủ chi tiêu, đặc biệt là khi giá cả ngày càng leo thang, không ít công chức đã quyết định nghỉ việc về trồng rau sạch bán kiếm sống.
Chị Nguyễn Thị Phương Thảo, 29 tuổi (Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội) từng là nhân viên hành chính một cơ quan nhà nước, công việc ổn định nhàn hạ tỷ lệ thuận với đồng lương ba cọc ba đồng. Cảm thấy khó sống, cách đây hơn một năm chị quyết định xin nghỉ việc về nhà trồng và kinh doanh rau sạch.
Cùng với mẹ chồng, chị cải tạo 2 sào đất ruộng bị bỏ hoang mấy năm nay ở Văn Quán và thuê thêm hơn 2 sào của các hộ bên cạnh để trồng rau. Sau hơn một năm, đến nay, vườn rau sạch nhà chị khá tốt với đủ loại, từ rau lang, muống, cải, dền, ngón... đến dưa chuột, rau gia vị.
“Tuy chỉ là tự trồng, tự tiêu thụ nhưng vì rau luôn đảm bảo sạch nên tôi được nhiều người ủng hộ và đặt hàng thường xuyên. Trừ tất cả chi phí, mỗi tháng tôi cũng lời khoảng 8-10 triệu đồng, gấp ba lần thu nhập trước đây”, chị Thảo cho hay.
Tương tự, chị Lê Ngọc Anh ở ngõ 329 Cầu Giấy (Hà Nội) cũng quyết định nghỉ việc để thuê đất trồng rau sạch bán. Chị Ngọc Anh cho hay, trước đây, cứ một tuần hai lần chị phải chạy xe máy sang tận trường đại học Nông nghiệp (Gia Lâm, Hà Nội) để mua rau sạch. Mỗi lần chị đều ở lại khá lâu để quan sát, tìm hiểu về cách trồng, chăm bón rau sạch. Sau vài tháng, chị ở nhà thuê đất tự trồng rau.
Chị Ngọc Anh kể đã phải về khu vực Cổ Nhuế, nơi có nhiều ruộng đất bỏ hoang, để thuê lại. “Mới đầu tôi chỉ thuê hơn 1,5 sào đất với giá 1,1 triệu đồng/năm để trồng thử, thăm dò thị trường. Vài tháng sau, thấy nhu cầu đặt mua ngày càng nhiều, lượng khách quen ngày càng đông nên tôi thuê thêm 7 sào đất gần đó và ba nhân công nữa để phụ tôi chăm sóc”, chị nói.
“Nói chung, trừ hết chi phí, lấy công làm lãi thì mỗi tháng, thu nhập của tôi cũng gấp 4-5 lần thời làm công ăn lương”, chị chia sẻ. Ngoài ra, chị Ngọc Anh còn có ý định sẽ thuê thêm đất, nhân công để mở rộng mô hình trồng và kinh doanh rau sạch, bởi lượng rau chị trồng mới đáp ứng được 2/3 nhu cầu của khách hàng.
Tuy nhiên, để trở thành “nông dân chính hiệu” có thu nhập cao, nhiều người gặp không ít khó khăn. Không chỉ vất vả học làm nông dân, chị Phương Thảo còn phải dậy từ 5h sáng để thu hoạch rau và chấp nhận thua lỗ, thậm chí mất trắng cho những lứa rau đầu tiên chị và mẹ chồng chị trồng.
Chị Thảo kể, lần đầu tiên do thiếu kinh nghiệm về thời gian phun thuốc trừ sâu cho rau nên cận ngày thu hoạch, sâu, bọ nhảy ăn gần như sạch trơn. Thế là mất trắng công sức, vốn liếng. Sau lần đó, chị phải về các khu trồng rau ở ngoại thành Hà Nội để học hỏi.
Rau dễ bị sâu tấn công, như rau cải, thì phải che chắn bằng nilon để phòng bọ nhảy ăn lá; những loại khác ít sâu hơn thì thấy con nào phải bắt ngay con đó. Nhiều con sâu có hình dạng kỳ dị, chị vừa bắt vừa run. “Càng ngày làm càng có kinh nghiệm. Từ lỗ thành hòa vốn rồi chuyển sang có lãi như bây giờ”.
Cũng 6 năm bỏ nghề quay sang làm nông, chị Nguyễn Hồng Vân (Hàng Đậu, Hà Nội) sang tận Trâu Quỳ (Gia Lâm) để thuê đất trồng rau sạch. Chị Vân tâm sự, trở ngại nhất chị gặp là về thị trường tiêu thụ.
“Bán trên trang cá nhân thì mọi người không tin tưởng, chỉ bán được cho người quen. Nhiều hôm thu hoạch cả tạ rau các loại mà chỉ bán được 60-70 kg với giá rau sạch, phần còn lại ế, phải đem đổ buôn ở chợ với giá rau thường”.
Có thể bạn quan tâm

“Vụ hè cũng như vụ đông, chỗ khác thì lo thiếu nước, còn nông dân ở dọc kênh chìm này thì lúc nào cũng lo thừa nước. Thừa đến nỗi chả trồng được cây gì”- ông Huỳnh Ngọc Vàng ngụ ở đội 3 thôn Gia Hòa, xã Tịnh Long, TP.Quảng Ngãi than thở khi nhắc đến hơn 2 sào ruộng ở xứ đồng Tiểu Giang.

Là một xã vùng sâu của huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), kinh tế chậm phát triển nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ, sự đoàn kết, đồng lòng, góp sức của người dân, xã A Xing đã vượt qua khó khăn, đạt được nhiều thành quả nổi bật trên các lĩnh vực. Trong đó nổi bật nhất là kết quả xây dựng nông thôn mới.

Vừa qua, Hội đồng Khoa học tỉnh đã tổ chức nghiệm thu dự án “Xây dựng mô hình phát triển sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá đối mục tại tỉnh Quảng Bình”. Đây là dự án do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý, Công ty cổ phần Thanh Hương (Hải Ninh, Quảng Ninh) chủ trì, kéo dài gần 3 năm với tổng kinh phí lên đến 2,6 tỷ đồng.

Nhằm khắc phục nhược điểm trên, Công ty giống cây trồng miền Nam cung cấp loại giống mướp đắng lai F1 có tên Big 14 cho năng suất và chất lượng, mở hướng đột phá cho nông dân nghèo, ít đất canh tác.

Tính đến cuối năm 2014, diện tích chuối của riêng xã Tân Long đã lên đến trên 700 ha trên tổng số khoảng 2.200 ha của toàn huyện. Đây là cây dễ trồng, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, điều kiện canh tác ở địa phương, lại ít sâu bệnh, bán được giá nên nông dân Tân Long tích cực mở rộng diện tích chuối. Những năm qua chuối Hướng Hóa đã trở thành mặt hàng xuất khẩu có giá trị, mang về một nguồn thu không nhỏ cho người dân.