Bộ Trưởng Nông Nghiệp Philippines Bị Tố Tham Ô Khi Nhập Gạo Việt Nam

Bộ trưởng Nông nghiệp Philippines - Proceso Alcala vừa bị cáo buộc "đi đêm" với Tổng công ty Lương thực miền Nam của Việt Nam (Vinafood 2) trong hợp đồng cung cấp 800.000 tấn gạo.
Nhật báo với số lượng độc giả đông nhất Philippines Inquirer dẫn nguồn tin từ Hiệp hội các nhà cung cấp Metro Manila (MMVA) cho hay, ông Alcala và cựu Giám đốc Cơ quan An ninh Lương thực Quốc gia Philippines (NFA) - Orlan Calayag đã nhúng tay vào hợp đồng Vinafood 2 cung cấp 800.000 tấn gạo cho nước này. Do thỏa thuận được ký kết chỉ vài tuần trước khi Calayag từ chức, MMVA cho rằng các quan chức này “đã tận dụng triệt để những ngày tại nhiệm cuối cùng và sắp xếp một hợp đồng để nhận phần lại quả béo bở”.
MMVA cho biết giá vận chuyển được thỏa thuận là 54 USD mỗi tấn, cao hơn 30 USD so với giá thị trường. Với 800.000 tấn gạo trúng thầu, khoản tiền chênh lệch mà các cá nhân liên quan có thể hưởng lên đến 24 triệu USD. MMVA cho biết thời gian hợp đồng cũng phi lý khi thời gian ký kết vào tháng 4 - cao điểm của vụ thu hoạch.
Khiếu nại của MMVA đã được gửi lên Văn phòng Thanh tra Philippines. Đây là cáo buộc tham ô thứ tư mà ông Alcala đang phải đối mặt. Trong đó có nghi vấn về hợp đồng nhập khẩu 205.700 tấn gạo từ Việt Nam hồi tháng 5/2013. Theo đó, giá trị hợp đồng đã bị phóng đại thêm 452,2 triệu peso (10,4 triệu USD).
Trao đổi với VnExpress.net, ông Huỳnh Thế Năng, Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Nam cho hay không liên quan gì đến việc Bộ trưởng Nông nghiệp Philippines bị cáo buộc "đi đêm" trong hợp đồng 800.000 tấn gạo. “Chuyện nội bộ Philippines hãy để cho nước này tự giải quyết, vì vậy chúng tôi không có bất cứ giải thích nào", ông Năng nói.
Còn đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đều cho biết chưa nhận được thông tin gì liên quan đến vấn đề này từ phía Philippines. Tuy nhiên, cơ quan quản lý sẵn sàng hợp tác nếu quốc gia này có yêu cầu hỗ trợ trong quá trình thu thập thông tin.
Có thể bạn quan tâm

Tin từ Văn phòng UBND xã Vinh Hưng (Phú Lộc - Thừa Thiên Huế), do thời tiết nắng nóng, trong một tuần nay, khoảng 20 ha ao hồ trên địa bàn xuất hiện tình trạng tôm chết tấp vào bờ, tăng khoảng 50% diện tích so với 1 tuần trước đây.

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên, hiện rệp sáp bột hồng lây lan nhanh gây hại gần 54ha sắn mới trồng ở các huyện Đồng Xuân, Sông Hinh, Tuy An và TX Sông Cầu. Trong đó, huyện Đồng Xuân gần 49ha, Sông Hinh 2ha, Tuy An 2ha và TX Sông Cầu 1ha, tỉ lệ hại từ 1 đến 70% cây.

Những ngày qua, nhiều cơ quan, đơn vị, người dân quan tâm, chia sẻ với người nông dân về sản phẩm nông sản khó tiêu thụ. Tuy nhiên, sau những giải pháp tình thế, không ít sản phẩm nông sản vẫn đang trong vòng luẩn quẩn được mùa - rớt giá. Bởi vậy, vấn đề trồng cây gì, nuôi con gì để ổn định cuộc sống, làm giàu bền vững là điều đáng quan tâm của chính quyền và người dân các địa phương.

Hiện nay, do giá tiêu hạt trên thị trường luôn ở mức cao, nên nhiều hộ nông dân ở Dak Lak bất chấp khuyến cáo của các ngành chức năng ồ ạt chuyển sang trồng tiêu, đưa diện tích hồ tiêu trên địa bàn tỉnh tăng lên khá nhanh. Điều này đã khiến cây tiêu đứng trước nhiều nguy cơ về dịch bệnh nếu không có quy hoạch và liên kết bài bản.

Hiện thị trường xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam chủ yếu là Mỹ, EU - những thị trường khó tính. Vì vậy, nhiều năm qua, Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn và Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) luôn khuyến cáo, cảnh báo người trồng tiêu, tiểu thương và doanh nghiệp (DN) phải sản xuất, thu mua, bảo quản, xuất khẩu hồ tiêu theo chuỗi giá trị bền vững để giữ uy tín với bạn hàng.