Bò sữa xứ dừa

Ông Võ Văn Tám, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ba Tri cho biết, chăn nuôi bò thịt và bò sinh sản là nghề cho thu nhập chính của người dân trên địa bàn huyện. Trồng lúa để ăn và lấy rơm nuôi bò đem lại thu nhập cao. Con bò là vật nuôi xóa nghèo, làm giàu và ngày càng có nhiều hộ dân trở thành tỷ phú.
Trong vòng 10 năm trở lại đây giá bò thịt ổn định nên đàn bò ở Ba Tri tăng mạnh và ngày càng xuất hiện nhiều nông dân tỷ phú. Hiện tại Ba Tri có trên 84.000 con và bình quân mỗi xã có trên 10 hộ nuôi bò có tổng đàn trị giá trên 1 tỷ đồng. Giống bò Ba Tri đang được các tỉnh, thành ở khu vực ĐBSCL chọn mua giống về phát triển chăn nuôi.
Hội Nông dân tỉnh Bến Tre đã phối hợp với tổ chức phi chính phủ Heifer xây dựng Dự án phát triển đàn bò sữa từ nay đến năm 2019 cho nông dân huyện Ba Tri và được UBND tỉnh phê duyệt. Dự án bò sữa được triển khai thực hiện tại 6 xã (Phú Ngãi, Phú Lễ, An Bình Tây, Mỹ Nhơn, Mỹ Thạnh, An Phú Trung) với 1.800 hộ tham gia. Dự kiến đến 2019 đàn bò sữa sẽ có 3.600 con.
Tiêu chí hộ tham gia dự án phát triển đàn bò sữa là có sẵn bò cái nền lai Sind, đất trồng cỏ, chuồng trại, lao động… Dự án hỗ trợ tinh bò sữa gieo lên nền bò lai Sind để lai ra giống bò sữa F1; đầu tư khoảng 6 tỷ đồng xây dựng trạm thu mua sữa bò đặt tại ấp An Thạnh, xã An Bình Tây; chuyển giao kỹ thuật nuôi bò, lai tạo giống bò cho nông dân và thu mua sữa.
Ông Võ Văn Tám cho hay, dự án phát triển đàn bò sữa đến năm 2019 là giải pháp tái cơ cấu ngành chăn nuôi bền vững. Mục tiêu đến năm 2020 đàn bò trên toàn huyện Ba Tri sẽ đạt khoảng 145.000 con. Cùng với việc chăn nuôi bò sinh sản và bò thịt, đàn bò sữa sẽ phát triển ít nhất 3.600 con.
Chăn nuôi bò theo hướng tập trung tiến lên trang trại SX hàng hóa để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả, đảm bảo vệ sinh thú y, môi trường và an toàn thực phẩm.
Sau hơn 5 tháng triển khai, đến nay cán bộ dẫn tinh viên đã gieo tinh bò sữa cho hơn 50 con bò giống nền lai Sind tại địa phương. Trên nền giống bò sữa F1 sẽ tiếp tục gieo tinh nhân tạo để lai tạo ra giống bò sữa F2. Bò sữa lai F2 sẽ được nuôi và cho thu hoạch sữa. Nhà máy sữa Vinamilk sẽ thu mua toàn bộ sản phẩm.
Bò sữa dòng lai F1 nuôi vẫn thu hoạch được sữa nhưng sản lượng chỉ khoảng 10 - 12 kg/ngày/con.
Còn bò sữa dòng lai F2 cho sản lượng khoảng 22 - 25 kg sữa/con/ngày. Với sản lượng sữa thu được nhân với giá hiện tại 12.000 đồng/kg thì sau 1 năm mỗi hộ nuôi 2 con bò sữa sẽ thu về lợi nhuận khoảng 80 - 96 triệu đồng. Việc đầu tư nuôi bò sữa vốn nặng hơn bò sinh sản nhưng lợi nhuận thu gấp 2 lần.
Ông Bùi Văn Thơm ở ấp Tân Điểm, xã Tân Xuân (Ba Tri) đang nuôi thử 5 con bò sữa F1 rất thành công.
Ông Thơm nói: "Do dự án mới triển khai nên chưa có trạm thu mua sữa, trước mắt tôi nuôi bò để sinh sản bán giống. Con giống bê sữa khoảng 5 - 6 tháng tuổi bán cao hơn bê thịt 4 triệu đồng. Khi trạm thu mua sữa đưa vào hoạt động, tôi sẽ nuôi với số lượng nhiều hơn.
Ở ấp Tân Điểm, ngoài tôi còn có 3 hộ đã đầu tư nuôi bò sữa trước khi dự án triển khai. Hiện bò trong giai đoạn mang thai".
Ông Võ Văn Trận, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Xuân cho biết: "Nông dân xã đã mạnh dạn đầu tư nuôi thử nghiệm bò sữa và bước đầu mang lại hiệu quả.
Sắp tới, hội sẽ tuyên truyền, vận động bà con đầu tư nuôi tiếp, đồng thời phối hợp với ngân hàng giải ngân vốn tín dụng cho nông dân chuyển sang nuôi bò sữa, tránh rủi ro về bò thịt, bò sinh sản...".
Có thể bạn quan tâm

Đó là cặp dưa hấu được anh Phạm Văn Chơn (ngụ tổ 26, ấp Bình Phú, xã Hòa An, Chợ Mới, An Giang) mua về từ chợ Lấp Vò (Đồng Tháp) ngày 28 tháng chạp 2014. Đây là loại dưa vỏ xanh, ruột đỏ, có trọng lượng 5 kg/quả, với giá 3.000 đồng/kg. Sau khi để chưng trên bàn thờ vào dịp Tết, anh Chơn quên bẵng đến 2 tháng sau Tết, anh mới lấy một quả ra xẻ ăn, vỏ dưa còn rất giòn, ruột dưa đỏ, ngọt và mọng nước.

Vùng trồng khóm Đồng Dinh (huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên) rộng 500ha, năm 2014 bị bệnh héo đỏ lá, 6 tháng đầu năm 2015 gặp nắng hạn, cây khóm xuống sức làm giảm năng suất… Mặc dù hiện nay, giá khóm ổn định nhưng người trồng khóm không vui.

Ông Huỳnh Văn Lành, một chủ nuôi cá lồng bè cho biết, trong thời gian từ giữa tháng 6 trở lại đây, hiện tượng cá chẽm, cá bớp và tôm kẹt bỏ ăn, yếu dần và chết rải rác xuất hiện ở các bè nuôi thủy sản trên sông Chà Và. Hiện 500 lồng nuôi ở tiểu khu này đều có hiện tượng cá bỏ ăn, yếu và chết.

Ngay từ đầu vụ thả tôm, người nuôi tôm trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do thời tiết nắng nóng kéo dài, dẫn đến hiện tượng tôm suy dinh dưỡng, chậm lớn, dịch bệnh xảy ra. Hiện nay, các địa phương đang tập trung nhanh cho việc thu hoạch tôm vụ 1 nhưng hầu hết các hộ nuôi đều cùng chung cảnh lao đao vì thất thu.

Chi cục Thủy sản Hậu Giang vừa phối hợp với các cơ quan chức năng tỉnh và huyện Vị Thủy tiến hành khảo sát thực tế để tìm hiểu nguyên nhân cá nổi đầu hàng loạt trên một số tuyến kênh thuộc địa bàn xã Vị Thủy; đồng thời tiến hành đo chỉ tiêu DO (oxy hòa tan) tại hiện trường và thu mẫu để phân tích một số chỉ tiêu chất lượng nước.