Bò Sữa Giúp Nông Dân Thoát Nghèo Bền Vững

Bình quân nuôi 1 con bò cho sữa, mỗi tháng cho thu nhập từ 1,8 đến 2,2 triệu đồng. Đây là mức thu nhập rất đáng kể đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, do vậy mà các địa phương được đầu tư nuôi bò sữa đã xác định đây là vật nuôi giúp nông dân thoát nghèo bền vững.
Ở các xã Thuận Hưng, Mỹ Thuận, Phú Mỹ của huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) nghề nuôi bò sữa đã trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình và nhiều hộ khá lên từ nghề này. Nông dân nâng đàn bò sữa trên nền bò sẵn có nên số lượng đàn tăng lên từ 23 đến 40% mỗi năm.
Đàn bò lai F2, F3 ngày càng lớn, sản lượng sữa cũng tăng lên, nếu như trước đây 1 con bò F1 cho sữa từ 12-15 kg mỗi ngày thì giống lai F2, F3 đã đạt đến hơn 20 kg sữa 1 ngày, thu nhập của bà con theo đó cũng nâng lên. Chị Huỳnh Thị Thu ở xã Thuận Hưng cho biết: “Chị em chúng tôi nhờ có bò sữa mới làm được nhà, mới chuộc lại ruộng đã cầm cố, nếu không có bò sữa thì làm sao chuộc lại. Tôi thấy ở đây nhân dân phát triển tốt chủ yếu vẫn là bò sữa”.
Tính ổn định về đầu ra, mức thu lãi cao, kinh nghiệm nuôi ngày càng phát triển, nên nhiều nông dân chọn bò sữa để phát triển kinh tế hộ. Như anh Quách Thanh đầu tư 1 con bò sữa với giá 12,5 triệu đồng, đến hơn 1 năm nữa mới có thể cho sữa; bởi vốn đầu tư một con bò có thể cho sữa ngay trị giá từ 40 đến 45 triệu đồng nên nhiều hộ trung bình, hộ cận nghèo không có khả năng đầu tư.
Sóc Trăng có trên 4.300 con bò đang cho sữa và đây là vật nuôi cho thu nhập cao, bền vững, có hướng phát triển ổn định nhất ở Sóc Trăng trong những năm gần đây. Ông Lý Khương ở xã Thuận Hưng cho biết: “Theo tôi, nuôi bò sữa cho lợi nhuận cao hơn làm ruộng. Lúa thì giá cao, lúc giá thấp nên khi lời, khi lỗ, còn con bò sữa giá ổn định hơn. Nuôi bò sữa có lợi vì ít bệnh, đầu ra tốt”.
Ông Huỳnh Văn Do - Phó Chủ tịch UBND xã Thuận Hưng cho biết: “Theo quan điềm của xã thì nghề nuôi bò sữa là mục tiêu chỉ đạo xóa nghèo và xóa nghèo bền vững. Thực tế 1 con cho lợi nhuận 1 ngày từ 100.000 đến 120.000 đồng, đây là mức thu nhập rất tốt. Vấn đề là giá 1 con cho sữa khoảng 45 triệu đồng nên người có mức sống trung bình, cận nghèo khó phát triển. Theo tôi, Ngân hàng chính sách kết hợp với Quỹ giải quyết việc làm tập trung cho người nuôi thì sẽ phát triển được”.
Bò sữa góp phần cải thiện thu nhập rất đáng kể cho nhiều nông dân ở các huyện Trần Đề, Mỹ Tú, Mỹ Xuyên. Cái khó là vốn đầu tư con giống rất lớn, nông dân có mức sống thấp không thể tự đầu tư mà phải cần đến chính sách hỗ trợ vốn ưu đãi, hoặc dự án hỗ trợ để bà con có thể phát triển vật nuôi này.
Có thể bạn quan tâm

Với những biến động lớn về thị trường, giá cả… việc chăn nuôi bò sữa trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn.

Thủ Thừa (Long An) là một trong những vùng nguyên liệu mía đường của tỉnh Long An, tập trung ở các xã Tân Thành, Nhị Thành và thị trấn Thủ Thừa.

Đã nhiều năm nay, tình trạng “Được mùa mất giá, mất mùa được giá” cứ diễn ra thường xuyên đối với người trồng cà phê Sơn La.

Những năm gần đây, khu vực huyện Krông Păk, Krông Năng, Buôn Hồ… tỉnh Đăk Lăk phát triển mạnh mô hình trồng các loại cây công nghiệp xen cây cà phê. Nhiều mô hình bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao.

Xã Thượng Kiệm là một trong những địa phương của huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình có truyền thống trồng rau màu vụ đông từ nhiều năm nay. Các loại rau như su hào, bắp cải... ở đây được trồng rất sớm nên dễ tiêu thụ, giá bán cao, mang lại nguồn thu nhập không nhỏ cho người dân.