Bỏ Nghề Cơ Khí, Về Nuôi Hàng Độc

Là thợ cơ khí lành nghề với lương khá cao, nhưng anh Võ Lợi ở Phú Bài (thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên Huế) lại bỏ nghề để mở trang trại nuôi chim trĩ, gà Đông Tảo và bồ câu Pháp.
Đầu năm 2013, anh Võ Lợi vào TP.HCM để tìm hiểu mô hình nuôi trĩ đỏ. Trở về, anh nuôi thử 1 con trĩ trống và 3 con mái. Theo anh Lợi, đặc tính của loại chim này ăn ít (chỉ bằng 1/3 lượng thức ăn của gà nhốt chuồng) và rất dễ sống. Chim trĩ sinh sản liên tục từ tháng 2 đến tháng 10.
Không như các loài khác, trĩ mẹ không có khả năng ấp trứng. Hiểu được đặc tính đó, anh Lợi đã dùng gà để ấp. Khả năng trứng nở đạt tiêu chuẩn lên đến 80%. Giá thành phẩm của loại chim quý hiếm này rất cao, từ 320.000 đến 350.000 đồng/kg. Mỗi con mái trưởng thành có thể đẻ 70 đến 90 trứng, giá bán từ 35.000 đến 40.000 đồng/con cái.
Cuối năm 2013, đàn chim trĩ của anh phát triển hơn 60 con, anh bán hết chỉ giữ lại 4 con giống. Từ nguồn thu đó, anh đầu tư nuôi gà Đông Tảo. Gà giống được anh tìm mua từ Hưng Yên. Loại gà này nuôi từ 6 đến 8 tháng là có thể sinh sản và xuất chuồng, giá thịt từ 350.000 đồng/kg. Mỗi con gà trưởng thành có trọng lượng từ 3,5 đến 4,5kg. Trung bình mỗi ngày, anh Lợi thu gần 500.000 đồng từ trứng chim trĩ và gà Đông Tảo.
Bên cạnh đó, anh cũng đang sở hữu trên 200 chim bồ câu Pháp và bồ câu gà. Khả năng sinh sản của bồ câu rất cao. Giá 1 cặp bồ câu trưởng thành là 230.000 đồng. Trong trang trại hơn 1,5ha, anh Lợi trồng hơn 2.000 cây gỗ sưa và ươm giống để cung cấp cho những hộ lân cận, đồng thời tạo cảnh quan thoáng mát cho nuôi gà.
Việc vệ sinh chuồng trại được anh quan tâm đặc biệt, nhờ đó, từ khi nuôi tới nay, trang trại chim, gà của gia đình anh chưa mắc một dịch bệnh nào. Hỏi về thu nhập, anh cho hay, năm đầu tiên, gia đình anh lãi gần 100 triệu từ chim, gà thịt và trứng. “Mình rất hứng thú với công việc trang trại. Mình sẽ thử nghiệm nuôi thêm nhiều loài khác”, anh Lợi chia sẻ. Anh Trương Quốc Hùng - Chủ tịch hội nông dân phường Phú Bài cho biết: “Trang trại của anh Lợi là một điểm cho bà con trong phường đến tham khảo”.
Có thể bạn quan tâm

Đại Lộc là nơi có diện tích trồng chuối thương phẩm lớn với 650ha. Trong đó, các địa phương như Đại Hòa, Đại Hiệp, thị trấn Ái Nghĩa sở hữu hàng trăm héc ta ruộng chuối. Bà Nguyễn Thị Lượm (khu 4, thị trấn Ái Nghĩa) than: “Rứa là hết, gần một mẫu chuối hờn và chuối tiêu hư rồi còn đâu. Mai mốt ni lấy chi bán để chợ búa hàng ngày, lo chuyện phải không. Ở phòng trọ tạm bợ không an toàn, đứa con gái út đang học tại Đà Nẵng về nhà tránh bão. Sau khi gió tan, hắn vội vã đi liền vì ở lại thì sợ nước lụt cô lập, ngày mai không tới trường học được. Tôi đưa cho con 500 nghìn đồng lo ăn ở, học hành. Tiền nớ đều nhờ chuối mà ra” - bà Lượm bần thần nói.

Vượt qua áp lực về chi phí tăng cao cũng như biến động của thời tiết, những ngày này ngư dân trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đồng loạt bám biển với vụ cá bắc. Ngành chức năng cũng đang triển khai các phương án trợ giúp ngư dân sản xuất an toàn, hiệu quả trong mỗi chuyến biển.

Những năm qua, Trại giống Thủy sản Nghĩa Lộ (Yên Bái) luôn nỗ lực trong việc nghiên cứu, sản xuất, ươm nuôi các loại cá giống từ truyền thống đến đặc sản, chuyển giao kiến thức khoa học kỹ thuật… phục vụ nhu cầu phát triển nghề nuôi thủy sản của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Những năm gần đây, phong trào chăn nuôi gà phát triển mạnh trên địa bàn huyện Tiên Lữ (Hưng Yên). Đặc biệt, mô hình nuôi gà theo hướng an toàn sinh học đã mở ra cơ hội mới cho người dân, vừa đem lại lợi nhuận cao, vừa góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Con số vựa thu mua thủy hải sản tại mỗi bến cảng chỉ một vài nhưng thú vị là các chủ vựa luôn được so sánh với một hình ảnh khá uy lực mà dân xứ biển dành riêng cho họ. Đó là những người hét ra lửa.