Bỏ Nghề Cơ Khí, Về Nuôi Hàng Độc

Là thợ cơ khí lành nghề với lương khá cao, nhưng anh Võ Lợi ở Phú Bài (thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên Huế) lại bỏ nghề để mở trang trại nuôi chim trĩ, gà Đông Tảo và bồ câu Pháp.
Đầu năm 2013, anh Võ Lợi vào TP.HCM để tìm hiểu mô hình nuôi trĩ đỏ. Trở về, anh nuôi thử 1 con trĩ trống và 3 con mái. Theo anh Lợi, đặc tính của loại chim này ăn ít (chỉ bằng 1/3 lượng thức ăn của gà nhốt chuồng) và rất dễ sống. Chim trĩ sinh sản liên tục từ tháng 2 đến tháng 10.
Không như các loài khác, trĩ mẹ không có khả năng ấp trứng. Hiểu được đặc tính đó, anh Lợi đã dùng gà để ấp. Khả năng trứng nở đạt tiêu chuẩn lên đến 80%. Giá thành phẩm của loại chim quý hiếm này rất cao, từ 320.000 đến 350.000 đồng/kg. Mỗi con mái trưởng thành có thể đẻ 70 đến 90 trứng, giá bán từ 35.000 đến 40.000 đồng/con cái.
Cuối năm 2013, đàn chim trĩ của anh phát triển hơn 60 con, anh bán hết chỉ giữ lại 4 con giống. Từ nguồn thu đó, anh đầu tư nuôi gà Đông Tảo. Gà giống được anh tìm mua từ Hưng Yên. Loại gà này nuôi từ 6 đến 8 tháng là có thể sinh sản và xuất chuồng, giá thịt từ 350.000 đồng/kg. Mỗi con gà trưởng thành có trọng lượng từ 3,5 đến 4,5kg. Trung bình mỗi ngày, anh Lợi thu gần 500.000 đồng từ trứng chim trĩ và gà Đông Tảo.
Bên cạnh đó, anh cũng đang sở hữu trên 200 chim bồ câu Pháp và bồ câu gà. Khả năng sinh sản của bồ câu rất cao. Giá 1 cặp bồ câu trưởng thành là 230.000 đồng. Trong trang trại hơn 1,5ha, anh Lợi trồng hơn 2.000 cây gỗ sưa và ươm giống để cung cấp cho những hộ lân cận, đồng thời tạo cảnh quan thoáng mát cho nuôi gà.
Việc vệ sinh chuồng trại được anh quan tâm đặc biệt, nhờ đó, từ khi nuôi tới nay, trang trại chim, gà của gia đình anh chưa mắc một dịch bệnh nào. Hỏi về thu nhập, anh cho hay, năm đầu tiên, gia đình anh lãi gần 100 triệu từ chim, gà thịt và trứng. “Mình rất hứng thú với công việc trang trại. Mình sẽ thử nghiệm nuôi thêm nhiều loài khác”, anh Lợi chia sẻ. Anh Trương Quốc Hùng - Chủ tịch hội nông dân phường Phú Bài cho biết: “Trang trại của anh Lợi là một điểm cho bà con trong phường đến tham khảo”.
Có thể bạn quan tâm

Sau gần 1 năm triển khai, đề tài khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm sá sùng tại Khánh Hòa” đã ghi nhận những kết quả bước đầu: tạo được nguồn giống nhân tạo, đạt hiệu quả khá cao về kinh tế.

Năm 2012, Trung tâm Khuyến nông lâm ngư tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng mô hình thí điểm nuôi cá đối trong ao nuôi tôm thường xuyên xảy ra dịch bệnh. Thấy rõ hiệu quả, năm 2013 bà con ngư dân mở rộng diện tích nuôi, không những cải thiện môi trường ao nuôi mà còn cho lợi nhuận cao.

Đã có một thời, người ta gọi làng nuôi cá giống An Hòa Xương là làng của những người giàu, bởi nhà nào cũng có xe cúp, xe dream, tivi, tủ lạnh, ruộng đất mênh mông vì trúng cá tra, basa giống… Còn nay, làng này trở nên đìu hiu sau nhiều năm làm ăn thất bát!

Sáng 12/11/2013, Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng VI đã trao chứng nhận VietGAP cho trại nuôi heo Minh An (ấp Cái Cạn, xã Mỹ Phước - Mang Thít - Vĩnh Long), trại gà Nguyễn Khoa (ấp Mỹ Hòa, xã Thiện Mỹ - Trà Ôn); Công ty Intertek Việt Nam đã trao chứng nhận GlobalGAP nuôi thủy sản cho Công ty TNHH Tầm Zu (xã Nguyễn Văn Thảnh- Bình Tân) (ảnh).

Nhìn vẻ ngoài trẻ trung, đầy nữ tính, ít ai biết được bà Phan Thị Ngọc Điệp (xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất, Đồng Nai) đã bước vào tuổi 44 với gần 30 năm phiêu bạt, rày đây mai đó theo bầy ong đi tìm mật.