Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Bọ Ánh Kim Hủy Diệt Rừng Hồi Xứ Lạng

Bọ Ánh Kim Hủy Diệt Rừng Hồi Xứ Lạng
Ngày đăng: 19/04/2014

Đến ngày 15-4, theo số liệu của Chi cục bảo vệ thực vật tỉnh Lạng Sơn, đã có hơn một nghìn ha rừng hồi ở các huyện: Văn Quan, Cao Lộc, Lộc Bình... bị nhiễm bọ ánh kim.

Lạng Sơn có hơn 34 nghìn ha cây hồi chiếm hơn 90% diện tích hồi của các tỉnh miền núi phía bắc và là một trong những loại cây xóa đói, giảm nghèo chủ lực của bà con các dân tộc trong tỉnh hiện đang có nguy cơ bị “hủy diệt” mà chưa có biện pháp nào ngăn chặn có hiệu quả.

Về thôn Bản Nầng, xã Tân Đoàn, (huyện Văn Quan) nơi có độ cao hơn 820m (so với mực nước biển) được coi là “Mẫu Sơn” thứ hai của tỉnh. Vì có khí hậu ôn đới nên nơi đây rất phù hợp với việc trồng cây hồi và được coi là "vương quốc" của rừng hồi xứ Lạng. Vừa gặp chúng tôi, trưởng thôn Bản Nầng, Hoàng Văn Hưởng, đã xót xa nói: Thôn có 19 hộ, mỗi hộ đều có từ hai đến sáu ha hồi nhưng nay đều bị bọ ánh kim tàn phá.

Đưa chúng tôi đi thăm vườn hồi trên rừng, trưởng thôn Hoàng Văn Hưởng chỉ cây hồi tàn lụi hết lá, chết khô héo, buồn rầu nói: Gia đình có hơn sáu ha hồi, mỗi năm thu hơn sáu tấn quả, bán được giá hơn 100 triệu đồng. Nhưng từ Tết âm lịch đến nay, rừng hồi gặp phải sâu lạ ăn hết lá, không ra quả được. Loại sâu này rất tàn độc thường ăn về đêm, sau một đêm là sâu ăn trụi hết lá hồi, rồi lại bò sang cây khác. Sâu phát triển nhiều nhất từ tháng 3 đến tháng 4, mật độ sâu từ hàng trăm con/cây.

Con sâu rất khó phát hiện, lúc đầu loại sâu này làm tổ ở dưới mặt đất ẩm ướt của tán rừng hồi. Khi trưởng thành chúng leo lên cây ăn lá hồi, chúng ăn trụi cả hoa cuống quả, chỉ trong thời gian ngắn khiến cây hồi chỉ còn trơ cành. Ở giai đoạn nhộng, con sâu to bằng đầu móng tay, ban ngày ẩn dưới lá mục, nhìn có ánh kim óng ánh nên bà con gọi là sâu "ánh kim", hay gọi là bọ ánh kim...

Bí thư Đảng ủy xã Tân Đoàn, (huyện Văn Quan), Hoàng Hữu Nghị, lo lắng: Mối họa này mà không diệt được vài năm nữa rừng hồi sẽ không còn. Năm nay, cả xã có hơn 276/500 ha rừng hồi bị sâu hại và hầu hết diện tích rừng hồi còn lại đều bị nhiễm sâu, với tỷ lệ sâu thấp hơn nhưng cũng ảnh hưởng rất lớn đến năng suất và chất lượng hoa hồi. So với năm 2013, số diện tích rừng hồi bị nhiễm bọ ánh kim tăng gấp đôi. Nếu không phòng, trừ kịp thời sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự tồn vong của cây hồi.

Những ngày này, xã Tân Đoàn đang được các cán bộ ở Viện bảo vệ thực vật, phối hợp với Chi cụ bảo vệ thực vật tỉnh, huyện tiến hành nghiên cứu, tìm biện pháp phòng, trừ bọ ánh kim, nhiều loại thuốc đã được các cán bộ khoa học kỹ thuật hướng dẫn bà con cách phòng trừ bước đầu đã có hiệu quả nhưng vẫn còn nan giải. Vì cây hồi bị nhiễm sâu thường ở trên các đỉnh núi cao, cây hồi thường cao từ ba đến 10m nên người dân rất khó phun thuốc...

Phó Chi cục trưởng, Chi cục bảo vệ thực vật tỉnh Lạng Sơn, Trần Đại Dũng, cho biết: Loại bọ này đã xuất hiện từ những năm 1990 của thế kỷ trước, tuy nhiên lúc đó mật độ gây hại diện tích hồi không đáng kể, đến nay mới bùng phát mạnh. Hiện vẫn chưa xác định được tên khoa học cũng như đặc tính, vòng đời sinh trưởng của sâu này.

Hiện nay, mật độ sâu phổ biến ở các huyện có rừng hồi từ bảy đến chín con/m2, cao nhất 20 đến 24 con/m2, cá biệt từ 160 đến 400 con/m2. Trong đó, huyện Văn Quan bị bọ ánh kim tàn phá hơn 603 ha, huyện Cao Lộc 268 ha.

Trước thực trạng rừng hồi Lạng Sơn bị bọ ánh kim tàn phá, từ năm 2012, Viện bảo vệ thực vật đã tiến hành đề án nghiên cứu cấp Nhà nước “Đề xuất các biện pháp quản lý bọ ánh kim hại cây hồi theo hướng bền vững ở tỉnh Lạng Sơn”. Đề tài đang được triển khai ở các xã Tân Đoàn, Tràng Phái, Yên Phúc (huyện Văn Quan), nơi có rừng hồi lớn nhất tỉnh.

Từ ngày 26-2 đến nay, Chi cục bảo vệ thực vật tỉnh đã đưa hơn hai tấn thuốc sinh học VBTUSA và 10 tấn bột phụ gia, đưa đến các hộ gia đình có rừng hồi bị nhiễm bọ ánh kim, hướng dẫn bà con cách sử dụng. Qua kiểm tra bước đầu, các địa phương trong tỉnh đã phun trừ được hơn 154 ha rừng hồi bị nhiễm bọ ánh kim, kết quả cho thấy sau bốn ngày phun thuốc sâu có giảm còn mật độ 50 đến 100 con/cây, hiệu quả đạt khoảng 80%...

Các huyện Cao Lộc, Lộc Bình nơi chưa được triển khai đề án diệt trừ bọ ánh kim, trạm bảo vệ thực vật huyện cũng đã khuyến cáo người dân mua thuốc có nguồn gốc sinh học Emasuper để phun trừ, ngăn chặn kịp thời, không để bọ ánh kim phát triển trên diện rộng.

Để khống chế dịch bọ ánh kim, Chi cục bảo vệ thực vật tỉnh đã chỉ đạo các trạm bảo vệ thực vật các huyện có rừng hồi, tuyên truyền, vận động bà con theo dõi diễn biến sâu bệnh, hướng dẫn bà con cách phòng, trừ sâu bọ ánh kim có hiệu quả, bằng cách phun thuốc bột dạng sinh học, khống chế không cho bọ ánh kim phát triển.


Có thể bạn quan tâm

Ngành Chăn Nuôi Thua Trên Sân Nhà Ngành Chăn Nuôi Thua Trên Sân Nhà

Sản xuất nhỏ lẻ, năng suất thấp nhưng chi phí cao đã khiến ngành chăn nuôi dễ bị tổn thương. Theo nhiều chuyên gia, nếu Nhà nước không có hành động quyết liệt thì ngành chăn nuôi sẽ đối mặt với nguy cơ “thua trên sân nhà”.

21/01/2014
Bắc Ninh Công Bố Dịch Cúm Gia Cầm Bắc Ninh Công Bố Dịch Cúm Gia Cầm

Dịch cúm gia cầm xuất hiện chủ yếu trên đàn vịt có quy mô lớn của các hộ dân chăn nuôi trên địa bàn 4 huyện, thị xã… của Bắc Ninh.

21/01/2014
Chăn Nuôi Trên Đệm Lót Sinh Học Hiệu Quả Và Thân Thiện Với Môi Trường Chăn Nuôi Trên Đệm Lót Sinh Học Hiệu Quả Và Thân Thiện Với Môi Trường

Mô hình chăn nuôi heo và gà trên đệm lót sinh học mà bà con nông dân xã Bình Ba (huyện Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu) áp dụng đã hạn chế ô nhiễm môi trường cũng như tăng hiệu quả kinh tế. Đây là phương pháp sử dụng chế phẩm Balasa N01 (dùng để khử độc, mùi hôi phát sinh từ chất thải chăn nuôi) kết hợp với mùn cưa, trấu, hoặc bột bắp… tạo ra quần thể vi sinh xử lý chất thải của vật nuôi, hạn chế mầm bệnh.

21/01/2014
Làm Giàu Từ Nghề Nuôi Trâu Thương Phẩm Làm Giàu Từ Nghề Nuôi Trâu Thương Phẩm

Gần giáp Tết Nguyên đán, gia đình ông Nguyễn Văn Định, thôn Vạn Ty, xã Thái Bảo, huyện Gia Bình (Bắc Ninh) lại có nguồn thu lớn từ đàn trâu chuẩn bị xuất chuồng. Năm nay giá bán trâu vẫn duy trì ở mức 30 triệu đồng/1 con, trừ chi phí đàn trâu mang lại nguồn lợi cho gia đình trên 100 triệu đồng.

21/01/2014
Đã Có 11 Khu Bảo Vệ Thuỷ Sản Trên Hệ Đầm Phá Tam Giang – Cầu Hai Đã Có 11 Khu Bảo Vệ Thuỷ Sản Trên Hệ Đầm Phá Tam Giang – Cầu Hai

Tỉnh từ năm 2009 đến nay, UBND tỉnh đã cho thành lập 11 khu bảo vệ thủy sản, với tổng diện tích gần 350, chiếm khoảng 1,5% diện tích đầm phá. Nền tảng để duy trì các khu bảo vệ thủy sản này chủ yếu dựa vào cộng đồng, gắn trách nhiệm quản lý, bảo vệ và hưởng lợi của người dân.

22/01/2014