Bình Thuận trồng nấm linh chi, nấm rơm cho hiệu quả kinh tế hộ

Anh Nguyễn Ngọc Dũng cho hay, mảnh vườn nhỏ khô cằn sau nhà chỉ trồng được vài thứ cây ăn trái bình thường để giữ đất, không đem lại lợi lộc gì; khi được sự hỗ trợ, hướng dẫn của các cán bộ, kỹ sư trồng trọt ở tỉnh, huyện, HTX cả về vốn, kỹ thuật canh tác, anh cải tạo vườn tạp thực hiện mô hình thí điểm liên kết trồng nấm, loài dược liệu quý có giá trị cao trên thị trường. Trên diện tích nhỏ 40 m2, anh đầu tư trồng 2.000 bịch phôi nấm linh chi; đồng thời tận dụng nguồn mạt cưa thải sau trồng loại nấm này, anh tiếp tục trồng 160 bịch meo nấm rơm.
Kế đó dùng nguồn nguyên liệu sau trồng nấm, lên men vi sinh làm được 1 tấn phân hữu cơ phục vụ sản xuất. Đúc kết mô hình sau gần 12 tháng, từ mảnh vườn không mấy giá trị trước đây, nay anh Dũng thu được 32 kg nấm linh chi khô; giá bán bình quân 500 ngàn đồng/kg được 16 triệu đồng; thu 30 kg nấm rơm (70 ngàn đồng/kg) được 2,1 triệu đồng; 1 tấn phân hữu cơ; tổng cộng thu về 20 triệu đồng. Trừ chi phí đầu tư, khấu hao tài sản lán trại cho lãi 7 triệu đồng/vụ. Anh đang xúc tiến đầu tư trồng vụ thứ hai, hướng tới mở rộng diện tích trồng để tăng thêm lợi nhuận. Bởi trồng nấm theo mô hình liên kết trên khá nhẹ nhàng tranh thủ làm thêm ngoài công việc chính đồng áng…
Ông Nguyễn Minh Dũng, Phó Trưởng phòng Kinh tế Tánh Linh, trực tiếp theo dõi mô hình nói thêm về thuận lợi này: Nấm linh chi hoàn toàn phù hợp với điều kiện khí hậu huyện miền núi Tánh Linh, tai nấm to, ít sâu bệnh. Trong khi đó, kỹ thuật trồng, chăm sóc nấm đơn giản, không tốn nhiều thời gian chăm sóc; có thể tận dụng lao động nhàn rỗi, lao động phụ trong gia đình trồng nấm nâng cao thu nhập cho gia đình. Mô hình này đã đưa loại nấm mới đến với địa phương, được nhiều người quan tâm, có thể đa đạng hóa ngành nghề nông thôn trên địa bàn, mở ra hướng mới phát triển kinh tế nông nghiệp… Hiện Phòng Kinh tế cũng đang xúc tiến tuyên truyền, tập huấn mô hình trồng nấm linh chi cho bà con nông dân có nhu cầu.
Ông Nguyễn Minh Dũng nhận định, trong tương lai nghề trồng nấm sẽ phát triển tại địa bàn huyện Tánh Linh do khí hậu mát mẻ, nhất là nguồn nguyên liệu mạt cưa cao su dùng trồng loại cây này rất dồi dào ở địa phương. Mô hình liên kết trồng nấm linh chi, nấm rơm là cơ sở để chính quyền thôn, xã có kế hoạch cụ thể phát triển nghề lợi thế này. Việc nhân rộng các mô hình trồng nấm, trong đó có nấm linh chi là hướng giải quyết việc làm hữu hiệu, góp phần tăng thu nhập cho người nông dân. Tuy nhiên, Phó Trưởng phòng Kinh tế Tánh Linh kiến nghị, vốn đầu tư trồng nấm linh chi cũng khá lớn nên Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ vốn cho người dân xây dựng lán trại và hệ thống trang thiết bị.
Với hiệu quả rõ rệt của cây nấm mang lại, mới đây, Bộ Nông nghiệp & PTNT đã phê duyệt Đề án khung phát triển sản phẩm quốc gia “Sản phẩm nấm ăn và nấm dược liệu”. Theo đó, mục tiêu đến năm 2020 cả nước sản xuất được 150.000 tấn nấm các loại, chiếm khoảng 20% tổng sản lượng nấm trong nước, xuất khẩu đạt tối thiểu 100 - 120 triệu USD/năm. Trong đó, nấm linh chi được xác định là một trong 6 loại nấm chủ lực. Muốn cây nấm thực sự trở thành sản phẩm chủ lực trong tương lai và tiến tới xuất khẩu, ngoài việc xây dựng được bộ giống tốt, công tác đào tạo nguồn nhân lực và tập huấn kỹ thuật cho người nông dân đóng vai trò quyết định.
Có thể bạn quan tâm

Con dông (hay kỳ nhông) là một loại bò sát thường sống trong môi trường tự nhiên cũng như đang được nuôi tại các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ và đã trở thành món ăn đặc sản được nhiều thực khách ưa chuộng. Hiện nay, gia đình ông Nguyễn Văn Thực ở thôn Nam Hà, xã Nam Hà, huyện Lâm Hà mạnh dạn đưa dông về miền đất đỏ cao nguyên để nuôi thử nghiệm và đã có kết quả.

Trong số hàng ngàn hộ nông dân trồng dừa thì gia đình ông Trần Văn Lẹ, SN 1964, ấp Phú Quới, xã Tân Hội, huyện Mỏ Cày Bắc là một điển hình.

Dù giá cao từ đầu vụ nhưng nhiều nông dân trồng tiêu quyết không bán vì dự đoán giá còn tăng nhờ lên mạng tìm hiểu thông tin thị trường thế giới. Chỉ sau vài tháng, nhiều người có lời hàng trăm triệu đồng

Vụ xoài 2012, nhà vườn chuyên canh đặc sản xoài cát Hòa Lộc tỉnh Tiền Giang trúng mùa và trúng giá, đời sống khấm khá. Với giá thương lái thu mua lúc cao điểm đạt kỷ lục 55.000 - 60.000 đồng/kg loại thượng hạng và tiếp tục giữ ở ổn định mức 20.000 - 22.000 đồng/kg lúc thu hoạch rộ, mỗi ha xoài cát Hòa Lộc cho giá trị sản lượng từ 300 - 400 triệu đồng, trong đó lãi ròng 40 - 50%, trở thành một trong những cây trồng hiệu quả kinh tế cao nhất tại địa phương.

Theo thông báo của Cục Thú y (Bộ NNPTNT), tính đến ngày 20.5, dịch lợn tai xanh đã xuất hiện tại 8 tỉnh gồm: Điện Biên, Yên Bái, Nam Định, Phú Thọ, Lào Cai, Bắc Ninh, Quảng Ninh và Lai Châu.