Bình Thuận Nuôi Tôm Nước Lợ Và Những Tín Hiệu Đáng Mừng

Năm 2014, toàn tỉnh Bình Thuận có tổng diện tích mặt nước nuôi tôm nước lợ là 852,5ha. Do nhiều hộ đã thả nuôi 2 vụ nên diện tích thả giống trong năm là 1.300 ha (chưa kể 210,95 ha đã thả giống năm 2013 chuyển sang thu hoạch năm 2014), chủ yếu nuôi tôm thẻ chân trắng (tôm sú chỉ 2,5 ha).
Diện tích thu hoạch trong năm là 1.280 ha, với sản lượng khoảng 11.500 tấn (năng suất bình quân 9 tấn/ha), đạt 123,7% kế hoạch năm.
Hiện nay, toàn tỉnh có 151 cơ sở sản xuất tôm giống với 668 trại, chủ yếu sản xuất giống tôm thẻ chân trắng và tôm sú. Năm 2014, toàn tỉnh đã sản xuất 25 tỷ con tôm giống, đạt 250% kế hoạch năm và tăng 22,5% so với năm 2013. Trong đó sản lượng giống tôm sú là 1,8 tỷ con, tôm thẻ chân trắng là 23,2 tỷ con.
Thực hiện chương trình giám sát môi trường và phòng trừ dịch bệnh thủy sản, Chi cục Thủy sản đã tiến hành thu 9 đợt gồm 63 mẫu tôm giống, tôm thịt và mẫu nước biển để phân tích các chỉ tiêu về môi trường và dịch bệnh. Kết quả được gởi đến UBND các xã, Phòng NN &PTNT các huyện vùng biển có nuôi tôm và bà con nuôi tôm, để giúp người nuôi kịp thời điều chỉnh các chỉ tiêu về môi trường và có biện pháp phòng bệnh. Ngoài ra, khi các vùng nuôi có hiện tượng tôm chết, chi cục đều tăng cường công tác giám sát, thu mẫu xét nghiệm nhằm giúp các hộ nuôi xác định nguyên nhân gây bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời.
Nhìn chung, trong năm 2014, tình hình sản xuất, kinh doanh tôm giống trên địa bàn tỉnh khá thuận lợi, chất lượng tôm giống giữ vững uy tín. Tuy nhiên diện tích nuôi tôm ven biển ngày càng bị thu hẹp do hoạt động phát triển du lịch và xây dựng khu dân cư; ngoài ra tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi xuất hiện ngày càng nhiều, diễn biến phức tạp, gây thiệt hại cho nhiều hộ, các vùng nuôi tôm chưa được đầu tư cơ sở hạ tầng.
Theo ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản vừa đi dự hội nghị tổng kết về nuôi tôm nước lợ năm 2014 do Bộ Nông nghiệp & PTNT tổ chức ở Bến Tre trao đổi với chúng tôi: “Phải nói là quá mừng vì kết quả đạt được. Theo Tổng cục Thủy sản, nuôi tôm nước lợ trong thời gian qua đã có những bước nhảy vọt, đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu chung của ngành trong đó có Bình Thuận.
Mặc dù còn nhiều khó khăn về thời tiết, môi trường nuôi, dịch bệnh nhưng diện tích và sản lượng nuôi tôm nước lợ các tháng đầu năm đều tăng, tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt. Thời gian tới tiếp tục chú trọng chỉ đạo phòng chống dịch bệnh để bà con nuôi đạt hiệu quả cao hơn…”.
Nguồn bài viết: http://www.vasep.com.vn/Tin-Tuc/51_38764/Binh-Thuan-Nuoi-tom-nuoc-lo-va-nhung-tin-hieu-dang-mung.htm
Có thể bạn quan tâm

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên, tại xã An Hiệp, An Ninh Đông (Tuy An) đã có 21ha tôm thẻ chân trắng với khoảng 11,6 triệu con (từ 30 đến 45 ngày tuổi) bị chết do mắc bệnh hoại tử gan tụy cấp tính. Nguyên nhân do môi trường nước bị ô nhiễm làm cho dịch bệnh lây lan nhanh.

Từ lâu đã được nghe về năng lực và hiệu quả của việc sản xuất ngao giống tại Nam Định nhưng phải đến bây giờ, chúng tôi mới có điều kiện để đích thị đến thăm cở sở sản xuất của anh Nguyễn Văn Cửu ở xã Giao Xuân, huyện Giao Thủy. Tin đồn quả không sai!

Hơn tháng qua, giá trứng cút liên tục giảm khiến cho người nuôi ở huyện Đông Hòa (Phú Yên) gặp khó khăn; nhiều hộ phải giảm đàn, bỏ trống chuồng.

Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford - Anh quốc vừa phối hợp với Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe và Chi cục thú y Đồng Tháp tổ chức chương trình Hội thảo kỹ năng chăn nuôi và dự phòng lây nhiễm bệnh trên động vật. Trên 60 hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện Châu Thành tham gia.

Ở xã chuyên canh nhãn Nhị Quí (Cai Lậy - Tiền Giang), ngoài vườn cây ăn trái, nhiều hộ dân đã gắn bó lâu năm với nghề nuôi ong lấy mật. Nuôi ong chi phí đầu tư không cao, đem lại thu nhập khá nếu nắm vững kỹ thuật chăm sóc và có niềm đam mê với nghề.