Bình Thạnh Chuẩn Bị Vào Vụ Hoa Tết

Chỉ còn 3 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán Ất Mùi năm 2015, nhưng hiện nay các hộ trồng hoa ở xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh đã tất bật xuống giống vụ hoa Tết. Nhiều nông dân cho biết, vụ hoa này có không ít nỗi lo do giá phân, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao, tiềm ẩn sâu bệnh, mưa bão kéo dài và giá cả vẫn còn là ẩn số.
Tuy nghề trồng hoa ở đây phát triển nhỏ lẻ, nhưng không khí xuống giống hoa cúc, hoa vạn thọ ở xã Bình Thạnh khá nhộn nhịp. Một số khu đất rộng đã được phủ kín bởi hàng ngàn giỏ hoa thẳng hàng. Nhiều nông dân đang bận rộn trồng cây giống vào giỏ, chiết cành, cắt cơi, tưới nước, bón phân.
Anh Lê Văn Mười ngụ ấp Bình Hòa cho biết: “Năm nay tôi trồng khoảng 6 ngàn cây cúc và vạn thọ. Hiện phân rơm tăng hơn năm rồi 15 ngàn đồng/bao, tiền giỏ tăng 500 đồng/giỏ, tiền công tăng 10 ngàn đồng/ngày, chi phí một giỏ thành phẩm khoảng 15.000 đồng, nên khi xuất bán giá khoảng 25.000 - 30.000 đồng mới có lời”.
Cúc là loại hoa Tết phổ biến được thị trường ưa chuộng, nhưng để cúc ra hoa đúng dịp Tết bán được giá thì không đơn giản, bởi loại hoa này phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Do đó, thời điểm này rất khó để dự đoán được hiệu quả kinh tế của mùa hoa Tết năm nay. Năm nay, mưa nắng thất thường nên nhiều khả năng chất lượng hoa sẽ không được tốt. Trồng cúc chỉ cần mưa lớn kéo dài là thối rễ chết cây, còn mưa kèm theo thời tiết lạnh là điều kiện thuận lợi để dịch bệnh phát triển.
Chị Nguyễn Thị Mỹ Duyên ở ấp Bình Hòa, xã Bình Thạnh cho biết: “Tôi trồng 1.000 chậu hoa cúc Đài Loan, lo lắng nhất nếu Tết hoa trổ không đúng lúc thì bán không có giá, năm nay chi phí tăng, mưa nhiều quá thì lá bị úng, tốn thuốc nhiều. Mấy năm trước lời nhiều hơn vì ít người trồng và giá cả nguyên vật liệu không tăng như bây giờ”.
Tuy nghề trồng hoa ở xã nông thôn mới Bình Thạnh phát triển không mạnh so với các địa phương khác trong trong tỉnh, nhưng hàng năm bà con có mức thu nhập tương đối cao từ việc bán hoa trong dịp Tết.
Để duy trì và phát triển nghề trồng hoa, kiểng ở xã Bình Thạnh, ông Nguyễn Minh Tuấn - Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh cho biết: “Hiện nay trên địa bàn xã có 42 hộ trồng hoa kiểng. Chúng tôi cũng đã hình thành và quy hoạch trồng hoa kiểng trong xây dựng nông thôn mới, sắp tới vận động người trồng hoa kiểng theo định hướng của xã và khai thác hoa kiểng để phục vụ du lịch địa phương; lồng ghép, tạo việc làm và liên hệ các ngành huyện mở lớp học nghề trồng hoa kiểng và tranh thủ với huyện tìm nguồn phù hợp để hỗ trợ cho người dân sản xuất”.
Nguồn bài viết: http://baodongthap.com.vn/newsdetails/1D3FE187B75/Binh_Thanh_chuan_bi_vao_vu_hoa_Tet.aspx
Có thể bạn quan tâm

Số diện tích lúa đông xuân gieo sạ sớm hiện nay đang trổ chín và sẽ thu hoạch trước Tết Nguyên đán 2015 chiếm 50%, còn lại là phần lớn diện tích nông dân xuống giống đồng loạt lúa đang trong giai đoạn làm đòng sẽ thu hoạch đông ken, tập trung thời điểm tháng 2 - 3 dương lịch.

Đó là chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng tại hội thảo sơ kết “Xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn trồng lúa theo hướng ứng dụng công nghệ cao”, do Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Định Thành (Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang – AGPPS) thực hiện tại xã Vọng Thê.

Những năm gần đây, tỷ lệ người mắc bệnh ung thư, các vụ ngộ độc thực phẩm có chiều hướng gia tăng, rồi nguồn thủy sinh bị cạn kiệt, tình hình sâu bệnh trên các loại cây trồng ngày càng diễn biến phức tạp... Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân chính gây ra tình trạng trên là do người dân lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV).

Năm qua, xuất khẩu tôm đạt gần 4 tỉ USD là cố gắng rất lớn của của nông dân và doanh nghiệp. Cho dù tình trạng dịch bệnh EMS dẫn đến sản lượng giảm mạnh. Tại thời điểm này, dịch bệnh này vẫn chưa khắc phục được. Người nuôi phải đối chọi tỉ lệ tôm nuôi không thành công rất cao.

Trong đó gạo cao cấp XK là 1,331 triệu tấn chiếm 21,08%, gạo cấp trung bình là 2,013 triệu tấn chiếm 31,87%, gạo cấp thấp là 732.000 tấn chiếm 11,58%, gạo thơm các loại là 1,302 triệu tấn chiếm 20,62%, nếp là 637.000 tấn chiếm 10,09%. Theo đó, hợp đồng tập trung 2 triệu tấn (chiếm 31,67%), hợp đồng thương mại 4,316 triệu tấn (chiếm 68,33%).