Bình Định Xuất Khẩu Thủy Sản 6 Tháng Đầu Năm Kim Ngạch Tăng Khá

Trong 6 tháng đầu năm 2014, vượt qua không ít khó khăn, các doanh nghiệp (DN) chế biến thủy sản xuất khẩu (CBTSXK) trên địa bàn tỉnh Bình Định đã giữ được hoạt động sản xuất ổn định, kim ngạch xuất khẩu tăng khá so với cùng kỳ năm trước.
Khó khăn lớn nhất đối với các DN CBTSXK trên địa bàn tỉnh Bình Định từ đầu năm 2014 đến nay là nguồn tôm nguyên liệu bị thương lái Trung Quốc cạnh tranh thu mua mạnh với giá cao, tình hình dịch bệnh tôm tiếp tục xảy ra do thời tiết không thuận lợi nên nguồn cung hạn chế. Bên cạnh đó, lãi suất cho vay trên địa bàn vẫn ở mức khá cao (bình quân trên 10%)…
Trong bối cảnh đan xen giữa thuận lợi và khó khăn, các DN CBTSXK trên địa bàn đã nỗ lực cơ cấu bộ máy, sắp xếp lại các dây chuyền sản xuất, cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường XK…
Nhờ đó, trong 6 tháng đầu năm 2014, giá trị kim ngạch xuất khẩu (KNXK) toàn tỉnh của nhóm hàng thủy sản ước thực hiện 33 triệu USD, tăng 27,4% so với cùng kỳ năm 2013.
Điều đáng ghi nhận là KNXK của hầu hết các DN CBTSXK trên địa bàn đều tăng khá so với cùng kỳ năm 2013: Công ty CP Thủy sản Bình Định (gần 22 triệu USD, 127%); CP Đông lạnh Quy Nhơn (trên 5,4 triệu USD, 156,4%). Công ty CP Thực phẩm XNK Lam Sơn (4,2 triệu USD, 104%); Công ty CP Thủy sản Hoài Nhơn (gần 1,6 triệu USD, 121%)…
Tuy nhiên, theo ông Ngô Văn Tổng, Phó Giám đốc Sở Công Thương, quy mô của DN CBTSXK chủ yếu vừa và nhỏ, thiết bị công nghệ hầu hết là lạc hậu, chưa tạo ra sản phẩm có chất lượng cao; chất lượng nguồn nhân lực trên 3 lĩnh vực: cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật và lao động chưa đạt yêu cầu nên năng suất lao động chưa cao.
Đáng lưu ý, hoạt động XK hải sản đông lạnh chủ yếu theo đơn hàng lẻ, số lượng đơn hàng lớn không nhiều. Đồng thời, các DN CBTSXK trên địa bàn đang phải đối mặt với tình hình khó khăn về nguyên liệu sản xuất, chất lượng nguyên liệu không đạt tiêu chuẩn XK, giá nguyên liệu nhập khẩu cao.
Trong 6 tháng cuối năm, nhằm hỗ trợ các DN hoạt động XK, Sở Công Thương sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho DN, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu; thực hiện tốt các chính sách tài chính, tiền tệ, nhất là cơ chế hỗ trợ lãi suất cho DN; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại…
Đồng thời, Sở sẽ nỗ lực hoàn thành Đề án “Nâng cao năng lực cạnh tranh các sản phẩm chế biến từ nông, lâm, thủy sản và các ngành dịch vụ xuất khẩu Bình Định giai đoạn đến năm 2020”; tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích ngư dân đánh bắt cá ngừ đại dương theo công nghệ của Nhật Bản.
Sở Công Thương cũng lưu ý: Thời gian tới, nguồn cung của Thái Lan sẽ giảm, trong khi giá tôm thẻ chân trắng sẽ tăng cao nên các DN trên địa bàn cần đẩy mạnh hoạt động XK mặt hàng này. Sở khuyến khích các DN đẩy mạnh đầu tư chiều sâu, tăng năng lực sản xuất, đổi mới thiết bị công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng; xây dựng thương hiệu sản phẩm...
Có thể bạn quan tâm

Sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển (ODA) của các tổ chức quốc tế, tỉnh ta đã thực hiện dự án đa dạng hóa nông nghiệp-một trong những dự án chuyển đổi sản xuất cho nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc. Năm 2002, 42 hộ gia đình dân tộc Bahnar của làng Mrăh (xã Kdang, huyện Đak Đoa) được hỗ trợ cho vay vốn, cung cấp giống và hướng dẫn kỹ thuật trồng cây cao su. Đến nay toàn bộ 88 ha vườn cây đã thu hoạch được 4 năm, đem lại nhiều đổi thay trong đời sống của dân làng.

Mường Ảng là 1 trong 4 huyện được thụ hưởng Nghị quyết 30a của Chính phủ với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo nhanh và bền vững. Cơ cấu kinh tế của huyện chủ yếu là nông - lâm nghiệp, với khoảng 90% lao động nông nghiệp.

Tại xã Phú Sơn (Chợ Lách - Bến Tre), phong trào làm cây giống phát triển gần 10 năm nay, với 2 loại cây chủ lực là mít và xoài. Nhờ sản xuất cây giống, không ít hộ vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

Ngày 20.6, ông Nguyễn Đình Xuân – cán bộ khuyến ngư xã Nhơn Lý, TP. Quy Nhơn (Bình Đinh) cho biết: Hơn một tuần qua, tôm hùm giống xuất hiện nhiều tại vùng biển ven bờ ở Nhơn Lý, thuyền của ngư dân chuyên làm mành tôm tập trung khai thác, một đêm mỗi thuyền khai thác được từ 30 – 100 con tôm hùm giống.

Dừa xiêm lùn là loại cây trồng thích nghi với nhiều vùng đất, có sức sinh trưởng và phát triển mạnh, chống chịu với sâu bệnh tốt, ngoài ra còn tạo cảnh quang, bảo vệ môi trường, che chắn gió bão,... Ngoài ra, dừa hiện nay được xem là loại cây ăn quả có nhiều tiềm năng và triển vọng, đem lại hiệu quả kinh tế cao và lợi ích xã hội.